Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10064
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
13 năm, chỉ 270 giống được bảo hộ
Từ năm 2004 - năm Việt Nam bắt đầu hoạt động bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) - đến 2017, Văn phòng BHGCT mới - Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - mới cấp bằng bảo hộ cho 453 giống, bao gồm 270 giống của chủ thể trong nước.
 
Trong khi đó, là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tới 35.000 mẫu giống cây trồng đang được lưu giữ tại Ngân hàng Gene thực vật quốc gia.
 
Chỉ 1,7% số giống lúa được bảo hộ
 
Theo Văn phòng BHGCT mới, đến nay, đơn vị này nhận hơn 1.000 đơn đăng ký cả trong nước và nước ngoài, nhiều nhất là đơn đăng ký bảo hộ giống lúa (chiếm hơn một nửa), tiếp đến là ngô, rau và hoa. Trong số giống cây trồng đã được bảo hộ của Việt Nam, lúa vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 120 giống.
 
Tuy nhiên, nếu so với 7.000 giống lúa đang được lưu tại Ngân hàng Gene thực vật quốc gia, con số này hết sức bé nhỏ, chiếm 1,7%. Và nếu so với 35.000 giống cây trồng nói chung đang được lưu tại ngân hàng trên, con số được bảo hộ (270 giống) lại càng khiêm tốn, chỉ xấp xỉ 0,8%.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Minh - Chánh Văn phòng BHGCT mới - cho biết nhu cầu BHGCT tăng nhanh trong vài năm gần đây. Cụ thể, kể từ năm 2004 tới nay, trung bình mỗi năm văn phòng nhận được 74,4 đơn đăng ký bảo hộ.
 
 

 
Nghiên cứu viên của Trạm khảo nghiệm giống cây trồng Văn Lâm (Hưng Yên) đang khảo nghiệm giống lúa mới. Ảnh: Kim Phượng
 
“Nhưng riêng năm 2016 chúng tôi nhận 185 đơn. Năm 2017, tính đến tháng 7 đã có khoảng chừng đó đơn. Dự kiến cả năm nay chúng tôi sẽ nhận khoảng 300 đơn. Rất vui là tỷ lệ đơn trong nước đang tăng dần. Cá biệt năm 2016 có 644 đơn trong nước, trong khi nước ngoài chỉ 249 đơn. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt ngày càng thấy được lợi
ích của việc BHGCT” - ông Minh nói.
 
Đã có những câu chuyện thực tế cho thấy lợi ích của việc BHGCT, như chuyện Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) mua bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 của Viện Cây ăn quả Miền Nam với giá 2 tỷ đồng. Việc hàng loạt giống lúa đã bảo hộ được chuyển nhượng với giá cao cũng đang làm thay đổi nhận thức của các công ty, nhà khoa học.
 
Tiến sỹ Đinh Thị Dinh - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh, Viện Nghiên cứu rau quả - cho biết sắp tới cơ quan này sẽ đăng ký bảo hộ một số giống hoa: “Trước kia, sản phẩm của viện chỉ đủ cung cấp cho thị trường nội địa dễ tính nên ít quan tâm tới vấn đề bảo hộ giống. Gần đây, khi sản xuất được nhiều, chất lượng tốt hơn, chúng tôi mới tự tin nghĩ tới việc xuất khẩu. Lúc này, bảo hộ giống là yêu cầu quan trọng để đảm bảo giá trị pháp lý cho sản phẩm”.
 
Sự ngần ngại của tác giả giống
 
Dù đã có sự khởi sắc về số đơn đăng ký, việc các chủ sở hữu giống không thiết tha chuyện bảo hộ là có thật. Rào cản về chi phí, thời gian làm thủ tục là một nguyên nhân khiến họ ngần ngại.
 
Giáo sư (GS) Vũ Văn Liết - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, tác giả 2 giống lúa, 1 giống ngô đã được bảo hộ - phân tích: “Để được bảo hộ, trước tiên cần đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống, sau đó thí nghiệm so sánh (chi phí đó không nằm trong phí khảo nghiệm), khi thấy ổn thì gửi vào hệ thống khảo nghiệm quốc gia. Hệ thống này có 2 loại khảo nghiệm là DUS (khảo nghiệm tính khác biệt, đồng nhất, ổn định) và VCU (khảo nghiệm về giá trị canh tác và sử dụng). Phải qua 3 vụ VCU, 2 vụ DUS, nếu thấy giống của mình hơn giống đối chứng thì làm báo cáo để xin công nhận giống, sản xuất thử trong 2 năm tại ít nhất 2 địa điểm. Cả quá trình này tốn vài tỷ đồng. Nếu giống đó không thương mại hóa được thì vô cùng khó khăn cho tác giả”.
 
Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Thanh Minh nhận xét: “Các nhà khoa học đang phải ôm đồm quá nhiều việc - từ nghiên cứu đến đăng ký bảo hộ, tìm thị trường. Cách giải quyết là lập một đơn vị chuyên về SHTT trong mỗi cơ quan, doanh nghiệp. Nhà khoa học chỉ việc nghiên cứu tạo giống mới, còn chuyện đăng ký bảo hộ, marketing hay giải quyết tranh chấp thì hãy để đơn vị này làm. Tiền thu về sẽ chia theo thỏa thuận. Tôi được biết mô hình này đã manh nha xuất hiện tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam”.
 
 
 
Phòng nuôi cấy mô thuộc Trung tâm Nghiên cứu hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả). Ảnh: Kim Phượng
 
Tình trạng vi phạm bản quyền cũng dẫn đến tâm lý ngại đăng ký bảo hộ giống. PGS-TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - cho biết viện đã chọn tạo ra một số giống hoa đào nhưng chỉ bán được lần đầu, sau đó nhân dân tự nhân giống để bán. “Luật pháp chưa chặt, chế tài xử lý chưa rõ ràng khiến nhiều tác giả chưa mặn mà với việc bảo hộ giống. Bên cạnh đó, dân còn nghèo, sản xuất nhỏ lẻ là chính, nhiều nhà khoa học nghĩ mình nghiên cứu bằng tiền nhà nước, là tiền thuế của dân, nên để dân dùng là hợp lý” - ông Đông nói.
 
Ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit - cũng bày tỏ: “Việc tạo ra giống cực kỳ khó khăn, đăng ký mất mấy năm mới ra thành quả. Tuy nhiên, khi có xâm phạm, tôi tới gặp một số cơ quan chức năng nhưng nhiều khi người ta
không can thiệp”.
 
Trong vấn đề này, ông Chánh Văn phòng BHGCT lại có cách nhìn khác: “Tôi cho rằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không phải quá khó ở nước ta. Tác giả thường suy nghĩ không đúng khi cho rằng mình đăng ký bảo hộ thì người khác nghiễm nhiên phải bảo vệ cho mình. Luật quy định, trước tiên tác giả phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. Khi phát hiện vi phạm, phải tự mình tìm tới các cơ quan thực thi pháp luật để khiếu kiện”.
 
Ông Nguyễn Thanh Minh kể, một doanh nghiệp được ủy quyền xuất khẩu giống thanh long ruột tím LĐ1 từng gặp ông nhờ tư vấn vì họ sợ mất giống khi xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi thị trường này đôi khi không cần tới chứng nhận bảo hộ giống. Ông khuyên làm công văn thông báo tình trạng giống kèm theo ảnh chụp quả, mô tả đặc điểm, gửi tất cả các trạm cửa khẩu mà hàng có thể đi qua và đề nghị khi phát hiện lô hàng có đặc điểm như vậy thì liên hệ với công ty để xử lý.
 
Theo ông Minh, quảng bá, tuyên truyền về quyền sở hữu giống của mình cũng là một cách giúp các chủ sở hữu ngăn ngừa vi phạm: “Bởi trên thực tế, các công ty biết mình vi phạm bản quyền giống sẽ dừng vì ngại dính tới pháp luật”.
 
Thanh Bình
 
Tin bài liên quan
Loading...