Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10736
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
18 năm thi hành Pháp luật An toàn vệ sinh lao động - Một số vấn đề đặt ra đối với tổ chức công đoàn
Nhằm đánh giá đầy đủ thực tiễn việc thi hành pháp luật về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua, trên cơ sở đó có những đề xuất, kiến nghị với Nhà Nước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về  ATVSLĐ, đặc biệt là Luật ATVSLĐ sẽ được trình Quốc Hội thông qua vào năm 2014, sáng 12/10/2012, tại hội trường LĐLĐ Hà Nội, Ban Th­­ường vụ LĐLĐ Thành phố đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Đánh giá thi hành pháp luật về An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 1995-2012 và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn”.
 
Đến dự Hội thảo có đồng chí Phùng Huy Dật  - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên truyền huấn luyện Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam; đại diện Ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Đặng Minh Thuần - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố, đại diện lãnh đạo Cục An toàn lao động - Bộ Lao động TB&XH, đại diện lãnh đạo các sở: Lao động thương binh & xã hội, Ytế, Công Thương, Nông nghiệp & PTNT. Dự Hội nghị có các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ bảo hộ lao động các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở và đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp trên địa bàn.
 
Nỗ lực của tổ chức công đoàn và các cấp các ngành
 
Công tác An toàn vệ sinh lao động luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là một chính sách kinh tế - xã hội lớn, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Điều đó được thể hiện, ngay sau khi thành lập Nước, tháng 3/1947 Bác Hồ đã ký ban hành sắc lệnh đầu tiên về Lao động trong đó có nội dung về Bảo hộ lao động (BHLĐ); từ 1964-1991 là Điều lệ tạm thời về BHLĐ; từ 1992 -1994 là Pháp lệnh BHLĐ. Từ năm 1995 đến nay, công tác ATVSLĐ được điều chỉnh trong chương IX của bộ Luật Lao động, qua các lần sửa đổi 2002, 2006, 2007. Đặc biệt là ngày 18/6/2012 vừa qua, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó một số quy định từ các văn bản dưới luật trước đây đã được đưa vào Luật, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tổ chức thực thi pháp luật về ATVSLĐ.
 
Tổ chức Công đoàn Thủ đô với chức năng, nhiệm vụ của mình đã cùng với cơ quan Nhà nước, chính quyền đồng cấp tổ chức, triển khai thực hiện tốt các hoạt động về BHLĐ. Hàng năm, các cấp CĐ thành phố đã quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật của nhà nước về công tác ATVSLĐ đến với người lao động và người sử dụng lao động; tổ chức hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi, in ấn phát hành hàng vạn ấn phẩm, tài liệu, sổ tay tuyên truyền về công tác ATVSLĐ đến tay người lao động. Các hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN do Chính phủ phát động đã được các cấp CĐ thành phố  tổ chức có hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ luôn được Liên đoàn Lao động thành phố quan tâm chỉ đạo, mỗi năm đã có gần 500 cuộc kiểm tra liên ngành do Liên đoàn Lao động thành phố và các Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức. Phong trào thi đua “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động từ năm 1996 được Công đoàn thủ đô hưởng ứng, triển khai có hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng. Mạng lưới An toàn vệ sinh viên với trên 32.000 an toàn viên đã được các CĐCS tổ chức chỉ đạo hoạt động tốt, đây thực sự là lực lượng nòng cốt làm công tác BHLĐ ở cơ sở. LĐLĐ thành phố đã tham gia với chính quyền điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động theo quy định, tham gia xây dựng pháp luật, xây dựng triển khai các chương trình kế hoạch về ATVSLĐ với UBND và các sở ngành thành phố.
 
Trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động 47 CĐ cấp trên cơ sở, với trên 6000 CĐCS, trong thời gian qua LĐLĐ thành phố đã tập trung vào kiện toàn bộ máy làm công tác BHLĐ từ thành phố đến các CĐCS, riêng cấp thành phố luôn có từ 2 đến 4 cán bộ chuyên trách làm công tác BHLĐ. Từ năm 1999, UBND thành phố Hà Nội cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích, do đồng chí phó chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng Ban, đại diện lãnh đạo LĐLĐ Thành phố là phó Ban chỉ đạo. Nhiều chương trình, kế hoạch về ATVSLĐ phòng ngừa TNLĐ trong sản xuất đã được các cấp, các ngành thành phố triển khai thực hiện. Từ đó công tác thực thi pháp luật về ATVSLĐ giai đoạn 1995 - 2012 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ đã nâng cao, điều kiện làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện. Nhiều máy móc lạc hậu đã được thay thế bằng thiết bị công nghệ mới, hiện đại góp phần giảm nhẹ sức lao động cho người lao động.
 
Các Công đoàn cơ sở (CĐCS) đã tích cực tham gia với người sử dụng lao động trong việc xây dựng các nội quy, quy chế về ATVSLĐ như: Tham gia xây dựng ký kết thoả ước lao động tập thể trong đó có nội dung về ATVSLĐ; xây dựng quy chế cấp phát trang bị BHLĐ; các nội quy, quy trình vận hành các thiết bị máy móc; tham gia với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch BHLĐ hàng năm. Hàng năm có trên 1000 CĐCS đã tham gia tốt vào các hoạt động tự kiểm tra tại các doanh nghiệp, thông qua kiểm tra CĐCS đã kiến nghị với người sử dụng lao động nhiều nội dung, nhằm đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và các chế độ chính sách đối với người lao động.

Công tác tham gia điều tra, giải quyết các vụ TNLĐ đã được các cấp Công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật. 100% các vụ TNLĐ được LĐLĐ thành phố tham gia điều tra, các chế độ bồi thường, trợ cấp  cho người lao động đều được chi trả cao hơn luật định.

Vi phạm quy định về ATVSLĐ còn khá phổ biến

Tại Hội thảo, ngoài đánh giá kết quả đã đạt được sau 18 năm thi hành pháp luật ATVSLĐ, các đại biểu cũng đã đưa ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc tổ chức thực hiện, đó là: Tình hình tai nạn trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp và còn ở mức cao, Hà Nội vẫn là một trong 10 địa phương có số tai nạn lao động và cháy nổ cao nhất cả nước, đặc biệt là tai nạn lao động chết người. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2012 trên địa thành phố Hà Nội đã để xảy ra 142 vụ TNLĐ làm 156 người bị nạn, trong đó TNLĐ chết người là 31 vụ làm 35 người chết, 10 người bị thương nặng.  

Nguyên nhân của các vụ TNLĐ cháy nổ được các đại biểu đánh giá, chủ yếu xuất phát từ sự vi phạm pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động. Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, chưa trang bị đầy đủ các phương tiện BHLĐ cho người lao động; chưa quan tâm khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động. Điều kiện làm việc của Công nhân chậm được cải thiện. Tình trạng vi phạm các quy định, tiêu chuẩn về công tác ATVSLĐ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài Nhà nước còn diễn ra khá phổ biến. Công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực ATVSLĐ của các cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm về pháp luật BHLĐ còn diễn ra nhiều. Tổ chức Công đoàn một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác BHLĐ. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong công tác ATVSLĐ ở một số CĐCS còn mờ nhạt. Việc tổ chức hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên và phong trào thi đua ở một số đơn vị còn hình thức và hiệu quả chưa cao. Một số chế độ chính sách về BHLĐ đối với người lao động còn bị vi phạm nhiều, như: Chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN); chế độ khám sức khoẻ định kỳ; chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; huấn luyện ATVSLĐ; cấp phát trang bị BHLĐ cho người lao động…

Công tác khai báo, thống kê TNLĐ-BNN của một số doanh nghiêp thực hiện chưa nghiêm túc, nên số liệu TNLĐ được công bố chưa phản ánh đúng tình hình TNLĐ diễn ra trên thực tế. Nhiều doanh nghiệp đã có hành vi che dấu, không khai báo với các cơ quan chức năng khi có TNLĐ xảy ra. Trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, tác phong công nghiệp của một bộ phận người lao động chưa cao, còn có hiện tượng làm bừa, làm ẩu, coi thường tính mạng bản thân, coi thường nguy hiểm, vi phạm các quy định, nội quy ATVSLĐ trong quá trình làm việc. Công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, số vụ TNLĐ bị khởi tố hình sự còn ít. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong công tác ATVSLĐ ở một số CĐCS còn mờ nhạt. Việc tổ chức hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên và phong trào thi đua ở một số đơn vị còn hình thức và hiệu quả chưa cao.  Hệ thống các văn bản dưới Luật chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập và khó đi vào thực tế, các thủ tục hành chính về lĩnh vực BHLĐ còn rườm rà và thiếu thực tế như: Quy định về thời gian một lần huấn luyện định kỳ ATVSLĐ, doanh nghiệp rất khó thực hiện; điều kiện để người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật còn chưa hợp lý; Công tác đo kiểm tra môi trường lao động hàng năm dễ tạo cơ chế tiêu cực và thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; quy định về trách nhiệm chi trả chế độ trợ cấp TNLĐ-BNN thay cho cơ quan BHXH, khi doanh nghiệp không tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động khó đi vào thực tế; việc thực thi các quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực BHLĐ còn thiếu các cơ chế để thực hiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ của tổ chức Công đoàn và các cơ quan quản lý Nhà nước còn thiếu, một số cán bộ trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật

Các đại biểu dự Hội thảo đã có kiến nghị với Nhà nước quan tâm, tiếp thu, nghiên cứu đầy đủ những ý kiến đóng góp từ thực tế của tổ chức Công đoàn và các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội để xây dựng trình Quốc hội một dự thảo Luật chuyên ngành ATVSLĐ có chất lượng và đảm bảo hài hoà các quyền và lợi ích của người lao động trong công tác BHLĐ. Chính phủ sớm kiện toàn, bổ sung hệ thống các văn bản dưới Luật về ATVSLĐ cho phù hợp với các quy định mới của Bộ luật lao động sửa đổi năm 2012. Hiện có một số Nghị định, Thông tư ban hành trước khi Bộ luật lao động sửa đổi  được thông qua, nên có nhiều điều khoản chưa phù hợp với Luật. Xem xét việc tái thành lập Thanh tra nhà nước chuyên ngành về ATVSLĐ để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao mức xử phạt hành chính về vi phạm lĩnh vực ATVSLĐ, với mức xử phạt như hiện nay chưa đủ sức răn đe, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm để chịu xử phạt. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về ATVSLĐ cho các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, in ấn phát hành rộng rãi đến các cơ sở, doanh nghiệp để tổ chức áp dụng, thực hiện, vì hiện nay việc tiếp cận, tìm hiểu với các văn bản này là rất khó khăn. 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Đặng Minh Thuần - Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết về việc ban hành Luật chuyên ngành ATVSLĐ, điều đó sẽ tạo một hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác ATVSLĐ, góp phần đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, tiện nghi cho người lao động.
                                                             Bài và ảnh: Tạ văn Dưỡng
Tin bài liên quan
Loading...