Chiều 19.6, lực lượng công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, Công an, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức lặn vào khoang ballas của tàu Onnekas One (quốc tịch Malaysia) đưa thi thể thợ lặn Võ Văn Thuận (SN 1975) - ngụ tại tỉnh Long An, nạn nhân cuối cùng trong 4 thợ lặn tử vong do hít khí độc - ra ngoài.
Công ty trục vớt: Không thể ngờ là có khí độc (!?)Mặc dù được sự hỗ trợ của cán bộ từ Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung, nhưng việc tiếp cận hiện trường vẫn rất khó khăn. Đến 15h20 phút ngày 19.6, lực lượng chức năng tiến hành thả 1 con vịt vào khoang ballas thông qua lỗ khoét trước đó nhằm kiểm tra độ nhiễm khí độc trước khi cho người vào tiếp cận với thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, con vịt này vừa thả vào khoang đã chết ngay lập tức vì khí độc. Đến 16h30 cùng ngày, các thợ lặn được trang bị mặt nạ chống độc vào khoang tàu, lặn tìm và đưa được nạn nhân Võ Văn Thuận ra ngoài.
Ông Từ Minh - Giám đốc Công ty TNHH trục vớt - có địa chỉ tại thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), đơn vị trực tiếp trục vớt tàu Onnekas One - cho biết, Cty có hợp đồng trục vớt lại từ Cty TNHH MTV đóng tàu Sài Gòn từ giữa tháng 3.2013. Sau đó, ông Minh đã điều 29 người - trong đó có 6 thợ lặn theo sàlan ra vùng biển Vinh Thanh, huyện Phú Vang - để tiến hành trục vớt.
|
Cận cảnh con tàu Onekas One.
|
Theo ông Minh, hợp đồng sẽ tiến hành trục vớt 2 phần tàu Onnekas One, trong đó phần mũi gồm 2 khoang ballas nằm ở vùng biển Vinh Thanh, cách bờ 500m; phần đuôi cũng có 2 khoang ballas và cabin mắc cạn ở vùng biển xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế).
“Trước khi ký hợp đồng chúng tôi cũng biết tàu này chuyên chở dầu, bị cháy và gãy làm đôi trong khi đang trên đường di chuyển từ Singapore qua Hải Nam (Trung Quốc) sửa chữa hồi cuối năm 2012. Tuy nhiên, chúng tôi không thể ngờ trong đó có khí độc” - ông Minh nói.
Đình chỉ ngay việc trục vớt, phong tỏa hiện trườngNgày 19.6, dẫn theo lời khai của ông Từ Minh với cơ quan CA thì 4 người thợ lặn xấu số đều có hợp đồng lao động, nhưng ông Minh chưa cung cấp các bản hợp đồng này cho CA vì đang để ở Long An. Thông tin ban đầu cho biết, các thợ lặn này trang bị rất sơ sài, không có mặt nạ phòng độc.
Lý giải vấn đề này, ông Minh nói: “Chúng tôi cũng đâu có biết trong đó có khí độc, hơn nữa cách của chúng tôi là khoét lỗ đưa bơm vào các khoang ballas hút nước cho tàu nổi lên, sau đó hàn các lỗ hở lại chứ không chui vào trong khoang làm gì mà phải trang bị mặt nạ phòng khí độc”.
Về nồng độ khí độc trong các khoang ballas tàu Onnekas One, ông Nguyễn Viết Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế - cho biết, kết quả đo đạc cho thấy, nồng độ khí hydro sulfua trong các khoang tàu rất lớn. Nếu tiếp tục công tác trục vớt con tàu này thì phải có các giải pháp kỹ thuật xử lý triệt để khí độc, nếu không khả năng xảy ra các sự cố tương tự là rất cao.
|
Mang theo vịt (trong hộp xốp) để kiểm tra độ nhiễm khí độc.
|
Thượng tá Lê Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng BCH BĐBP tỉnh TT-Huế - cho biết, trước mắt phải đình chỉ việc trục vớt, phong tỏa hiện trường, yêu cầu các lao động không được tiếp cận con tàu Onnekas One, đồng thời BĐBP phối hợp chặt chẽ với lực lượng CA có phương án bảo vệ con tàu và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “hôi của”.
Trước đó, vào ngày 18.6, khi các thợ lặn đang tiến hành hút nước trong khoang ballas thì máy bơm bị hụt nước. Ông Võ Văn Thuận xuống kiểm tra liền bị trúng khí độc, ngạt thở. Thấy vậy, lần lượt 3 công nhân khác gồm: Phạm Văn Hiệp (SN 1994)- ở huyện Tân Phước, Tiền Giang; Phan Văn Mạnh (SN 1974) - quê Tân Hà, Bến Lức, Long An và Văn Công Than (SN 1980) - quê ở Đồng Tháp xuống cứu, đã tử vong vì hít phải khí độc.
|
Lực lượng chức năng triển khai lực lượng tiếp cận tàu Onnekas One.
|
|
Lực lượng chức năng tiếp cận khoang tàu, đưa thi thể nạn nhân ra ngoài. |