Thực tế thời gian qua, khi cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm tra công tác
bảo hộ lao động (BHLĐ) tại các doanh nghiệp thì nhiều doanh nghiệp vẫn thực hiện đúng, đủ. NLĐ vẫn được cấp phát một số trang thiết bị bảo hộ lao động như găng tay, ủng, dây an toàn, khẩu trang, quần, áo, mũ… Thế nhưng những thứ được… cấp, phát ấy, liệu có đảm bảo về độ an toàn cần thiết để bảo vệ NLĐ khi gặp sự cố?
Có thể thấy, hiện nay các cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng về BHLĐ mọc lên khá nhiều. Với những doanh nghiệp và NLĐ ở khu vực Hà Nội thì các địa chỉ trên phố Yết Kiêu vẫn có vẻ có tín nhiệm nhất. ở đây có đủ các loại dụng cụ BHLĐ. Chỉ cần ghé qua Yết Kiêu hoặc phôn một cú là xong, giá nào cũng có. Chính vì thế, có lẽ chẳng ai dám khẳng định chất lượng của các loại phương tiện BHLĐ này thuộc loại tiêu chuẩn nào.
Nhiều chủng loại, doanh nghiệp dễ “lách”
Theo danh mục trang thiết bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy những ngành nghề phải có trang bị BHLĐ cũng như cần trang bị loại gì. Nhưng đáng tiếc là về tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại thì lại không có. Chỉ đơn cử cho việc vận hành lò khí than, NLĐ phải được trang bị quần áo vải; mũ vải; giầy da thấp cổ; găng tay vải bạt; khẩu trang; mặt nạ phòng độc chuyên dùng; xà phòng. Nhưng những phương tiện BHLĐ này phải là loại nào thì vẫn là một “ẩn số” đối với các doanh nghiệp. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp cứ mua các phương tiện trôi nổi ngoài thị trường mà không cần quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật, miễn sao “tiết kiệm tiền” là được. Với tiêu chí này, đặt một phép so sánh: Nếu mua ủng chống ăn mòn xăng dầu đủ tiêu chuẩn với giá 110.000đ và loại rẻ nhất là 25.000đ, sự chênh lệch sẽ là bao nhiêu. Hay nhỏ nhất như một chiếc khẩu trang đủ tiêu chuẩn có giá 3.500đ với một chiếc khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn hạt to có giá từ 800 đến 1.500đ thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đến dường nào.
Trên thực tế, Bộ LĐTB&XH cũng đã có những quy định về chất lượng hàng hóa BHLĐ cũng như phân công, quy định một số tổ chức được kiểm định các loại hàng hóa đặc chủng này. Trong Quyết định 08/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 20-11-2006 có nêu rõ: “Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nhập khẩu có sản phẩm hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan, tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa”. Theo đó, các cơ quan này gồm Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, 2, 3 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 1, 2, 3 ( Bộ LĐTB&XH). Ngoài ra, theo Quyết định ngày 8-5 mới đây của Bộ LĐTB&XH, 6 Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các bộ, ngành theo ngành dọc như ngành xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp… được phép kiểm tra chất lượng các loại hàng hóa này. Thế nhưng, vẫn theo Quyết định 08 của Bộ LĐTB&XH thì việc thực hiện, kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa mới chỉ là đối với những loại hàng hóa nhập khẩu. Và Quyết định cũng chỉ có danh mục của 12 sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra như mũ an toàn công nghiệp, găng tay cách điện, ủng cách điện… và một số loại thiết bị đặc chủng như nồi hơi, tời chở người, thang máy, thang cuốn… nhưng có đến 32 tiêu chuẩn khác nhau. Đó là mới tính đến các dụng cụ, thiết bị nhập khẩu, nếu tính cả các dụng cụ sản xuất trong nước cần kiểm tra, kiểm định thì không biết sẽ có thêm bao nhiêu tiêu chuẩn?
Có lẽ chính vì vậy, doanh nghiệp tự do lựa chọn chủng loại, tiêu chuẩn để phù hợp với túi tiền cũng như “tiêu chuẩn” riêng của từng doanh nghiệp.
Cơ quan quản lý chịu bó tay?
Nói về vấn đề này, một thanh tra viên về ATLĐ - Sở LĐTB&XH Hà Nội cho rằng, sở dĩ có tình trạng sử dụng bừa bãi các trang thiết bị BHLĐ như hiện nay là do các quy định về chất lượng của phương tiện bảo vệ, phương tiện cá nhân chưa có một quy chuẩn rõ ràng. Cuối năm 2006 vừa qua, đoàn công tác liên ngành do Sở LĐTB&XH Hà Nội chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất ở 20 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy rất nhiều doanh nghiệp có sai phạm về trang bị phương tiện BHLĐ cho NLĐ. Tuy nhiên, những sai phạm đó chủ yếu vẫn là không trang bị BHLĐ cho NLĐ. Riêng về chất lượng, việc đánh giá cũng chỉ là cảm quan bởi hầu hết đều không có nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, trong đó cũng có những doanh nghiệp có điều kiện trang bị máy hút bụi, máy lọc không khí, khử bụi... nên có thể họ chỉ cần trang bị khẩu trang bình thường cũng đạt yêu cầu.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục ATLĐ, Bộ LĐTB&XH cho biết, đã hàng chục năm nay, năm nào cũng có Tuần lễ Quốc gia về vệ sinh an toàn lao động - phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, số vụ TNLĐ vẫn cứ tăng. Mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu phương tiện BHLĐ, NLĐ không được huấn luyện về an toàn lao động (ATLĐ); người sử dụng lao động vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật ATLĐ, không xây dựng quy trình biện pháp làm việc an toàn… Trong số đó, tỷ lệ người sử dụng lao động vi phạm tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật an toàn là cao nhất, chiếm 17,62%. Để hạn chế tình trạng này, Cục thường xuyên phối hợp với thanh tra về VSATLĐ tổ chức đi kiểm tra tại các doanh nghiệp nhưng lực lượng quá mỏng. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp lại nhiều nên nhiều khi kiểm tra không xuể.
TNLĐ tăng cao, nguyên nhân chính vẫn là con người ở cả hai phía. Lại có ý kiến cho rằng vì thanh tra lao động sát sao hơn, các cơ sở không che giấu được các vụ TNLĐ xảy ra tại cơ sở của mình. Cả hai luồng ý kiến đều có lý. Xét ở góc độ khác, tình trạng thiếu phương tiện BHLĐ, phương tiện BHLĐ không đạt tiêu chuẩn không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng NLĐ mà còn làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp.
Chính vì vậy, việc kiểm tra chặt chẽ các quy định, tiêu chuẩn của phương tiện BHLĐ là cần thiết. Chẳng lẽ, các cơ quan chức năng lại chịu bó tay!