Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10723
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
An toàn lao động làng nghề: Chủ phớt lờ, dân cũng thờ ơ!
Để bảo vệ lao động làng nghề, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí một phần nhằm khuyến khích lao động các làng nghề tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải bảo vệ lực lượng lao động tại các làng nghề. Trước mắt, Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí một phần nhằm khuyến khích lao động các làng nghề tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
 
 
Không được trang bị phương tiện lao động, hợp đồng theo thời vụ nên lao động tại các làng nghề đang đối mặt với nhiều rủi ro. 
Ảnh: Internet 

Tính đến nay, cả nước có hơn 1.200 làng nghề truyền thống thu hút khoảng 14 triệu lao động tham gia. Làng nghề không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao mà còn đem lại một nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng này đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt từ 1,5 ­ 1,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu được đóng góp từ các làng nghề truyền thống.
 
Tai nạn luôn rình rập
 
Làng nghề thu hút được lực lượng lao động đông đảo, tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn cho các lao động làng nghề hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Thậm chí, đến cả người lao động trong các làng nghề cũng thờ ơ với tính mạng của mình.
 
Tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các làng nghề thường xuyên xảy ra do nhiều chủ cơ sở sản xuất không quan tâm đến việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động. Thậm chí, chính bản thân người lao động còn thờ ơ với việc tự bảo vệ mình dẫn đến tai nạn lao động.
 
Với những làng nghề sản xuất thực phẩm, làm điêu khắc gỗ, đá, môi trường sống đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng do các cơ sở sản xuất chưa xử lý được các chất thải rắn, xưởng sản xuất gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại… nhưng vẫn chưa được bố trí khu riêng và trang bị hệ thống chống ồn, giảm bụi để giảm ảnh hưởng.
 
Theo một số liệu thống kê cho thấy, có đến hơn 90% người lao động nông nghiệp và làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng, bụi, tiếng ồn, tiếp xúc trực tiếp với hóa chất... Chính vì vậy, các nguy cơ về bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, bỏng, đứt tay chân, điện giật luôn chiếm tỷ lệ cao.
 
Theo đánh giá của ngành chức năng, máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không đảm bảo an toàn. Phần lớn máy móc không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn, vận hành an toàn thiết bị. Ngoài ra, còn có các máy tự chế, tự lắp ráp từ các bộ phận cũ, chắp vá, nhiều chi tiết hỏng không được thay thế, sửa chữa... Do vậy, nguy cơ gây ra các vụ tai nạn lao động là rất lớn.
 
Làng nghề kim khí xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) chuyên sản xuất các tấm tôn lợp, bản lề, khung nhà xưởng, cuốc, xẻng.… thu hút khoảng 5000 lao động. Thế nhưng đa phần lao động ở làng nghề này đều chưa có ý thức trong vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, dẫn đến tai nạn lao động xảy ra khá thường xuyên. Trung bình mỗi năm có trên 100 ca tai nạn lao động làng nghề, phổ biến là rách da do tôn cứa, cụt đốt ngón tay.…
 
Còn ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) với khoảng 700 máy dệt. Đây là làng nghề có nguy cơ cháy nổ cao nhưng hiện chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp lớn được trang bị bình bọt chữa cháy. Còn các hộ gia đình hầu như chưa tự trang bị cho mình dụng cụ để phòng cháy chữa cháy.
 
Không chỉ riêng làng nghề kim khí hay dệt vải, mà hầu hết tất cả các làng nghề trong cả nước đều trong tình trạng như vậy. Theo Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam, ông Lưu Duy Dần, đây là thực trạng chung trong việc sử dụng lao động tại hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề.
 
“Môi trường sản xuất thiếu an toàn, phương tiện lao động cũ kỹ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng. Đặc biệt là các quyền lợi của người lao động ở làng nghề như đóng BHXH, BHYT… đều không được quan tâm”, ông Dần cho hay.
 
Ai chịu trách nhiệm?
 
Theo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH), đa phần làng nghề ở Việt Nam hầu hết là các làng nghề tự phát, chưa được quy hoạch tập trung nên tình trạng ô nhiễm, mất an toàn lao động trong sản xuất đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
 
Hiện nay, hầu hết chủ sử dụng lao động tại các làng nghề chưa bảo đảm quyền lợi cho người lao động, thậm chí họ đang lợi dụng sự kém hiểu biết của người lao động để lờ. Trong khi đó, về phía người lao động, họ cũng đang tự đánh mất quyền lợi của mình do sự kém hiểu biết nên hầu hết các lao động tại nhiều làng nghề đều là lao động “chui” khi không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
 
Hơn nữa, khi tai nạn lao động xảy ra thì người chịu thiệt nhất chính là người lao động bởi họ không có hợp đồng lao động, không được bảo hiểm dẫn đến tình trạng: Tiền mất, tật vẫn mang!
 
Theo Cục An toàn lao động, hiện nay các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề chưa thực hiện việc thống kê tai nạn lao động, thậm chí còn lờ đi khiến người lao động khi gặp tai nạn sẽ rất thiệt thòi vì không được hưởng chế độ hỗ trợ như bảo hiểm xã hội, y tế...
 
Bên cạnh đó, việc chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho người lao động tại các làng nghề cũng rất quan trọng. Đối với lao động tại các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao, việc khám sức khỏe cho người lao động phải được tiến hành định kỳ hàng năm. Nhất là việc quán triệt cho người lao động hiểu và tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe của mình.
 
Hơn nữa, việc bảo đảm an toàn lao động cho các lao động làng nghề cần có sự tham gia của chính quyền địa phương. Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, không chỉ các lao động có hợp đồng, mà các lao động mùa vụ ở làng nghề cũng phải quy định buộc các doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
 
Về vấn đề này, trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho rằng, bên cạnh những quy định bắt buộc đối với chủ cơ sở làng nghề hoặc doanh nghiệp, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người lao động. “Người lao động phải nắm rõ vấn đề an toàn lao động, để khi xảy ra tai nạn còn xử lý kịp thời và cũng là bảo vệ tính mạng cho chính người lao động”, ông Dũng nói.
 
An Dương
Tin bài liên quan
Loading...