An toàn lao động. Thật đáng lo ngại!
Lại thêm một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Vụ sập giàn giáo tại công trường của Tập đoàn Samsung ở Dự án Formosa, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào tối 25-3 làm 13 người thiệt mạng, 28 người bị thương tiếp tục khiến dư luận hoang mang về công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trường.
Tại các công trường thường có biển "Không phận sự miễn vào" để bảo đảm an toàn và quản lý lao động hiệu quả. Thế nhưng, theo phản ánh của báo chí, hơn 12 tiếng sau khi xảy ra vụ sập giàn giáo trên, cơ quan chức năng vẫn chưa thể công bố danh sách lao động có mặt trên công trường khi tai nạn xảy ra!? Lý do được đưa ra là đơn vị quản lý đang bận… khắc phục hậu quả. Thông cảm phần nào với sự bối rối của các "khổ chủ", nhưng thật khó hiểu vì nếu quản lý tốt nhân sự, hoàn toàn có thể công bố ngay danh sách lao động có mặt trên công trường cũng như khu vực có thể tập trung đông người nhất. Và như vậy, công tác cứu hộ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đáng tiếc đây không phải là hiện tượng hiếm gặp mỗi khi xảy ra các vụ tai nạn lao động lớn. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương "mỗi người một phách" khi công bố số người thiệt mạng, bị thương, khiến những gia đình có công nhân làm việc trên công trường đứng ngồi không yên. Một điểm đáng nói nữa là ngày 27-7-2014 tại Dự án Formosa đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người chết, 2 người bị thương. Vụ tai nạn này cũng đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa vào "danh sách đen" năm 2014. Vậy mà, 8 tháng sau… Thật đáng buồn và đáng trách! Không rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý đến đâu? Nguyên nhân do đâu, lỗi thuộc về bộ phận nào… là điều không chỉ gia đình người bị nạn muốn có câu trả lời, mà dư luận cũng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đang tập trung cứu hộ rồi mới tổ chức khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân. Chắc chắn, chưa dễ có kết luận trong ngày một, ngày hai nhưng thêm một lần nữa "chuông cảnh báo" lại gióng lên.
Vẫn biết, tai nạn lao động xảy ra bất ngờ và rất khó lường, nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa, hạn chế tối đa nếu công tác bảo đảm an toàn được thực hiện nghiêm túc. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2014, cả nước đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, tăng 0,2% so với năm 2013, trong đó có 592 vụ gây ra chết người. Đáng buồn là các tiêu chí về số vụ có người chết, số người chết, số người bị thương nặng đều tăng. Thế nhưng, đến ngày 5-2-2015, Bộ này mới chỉ nhận được 202 biên bản điều tra (224 người thiệt mạng) từ các địa phương. Đáng lo ngại hơn nữa là phân tích từ 202 biên bản nói trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Có tới 72,7% vụ tai nạn xảy ra do lỗi của doanh nghiệp sử dụng lao động; 13,4% do lỗi từ chính bản thân người lao động. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn lao động phần lớn là không xây dựng quy trình, giải pháp sản xuất an toàn; thiết bị, tổ chức lao động, điều kiện lao động không bảo đảm an toàn; vi phạm quy trình sản xuất, không sử dụng thiết bị
bảo hộ lao động… Điều đó có nghĩa là nếu thực sự chủ động, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn lao động, có thể ngăn chặn trên 85% vụ tai nạn. Các địa phương, bộ, ngành vừa tham dự phát động và đang tích cực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 17. Mong rằng, tinh thần này được phát huy, đi vào thực chất, hiệu quả, thường xuyên và liên tục để đi đến chấm dứt những "hồi chuông báo động" u sầu!