An toàn lao động. Thêm “bạn”, bớt “thù”
Nhiều công trường, xí nghiệp có khẩu hiệu rất hay: An toàn là bạn, tai nạn là thù (hoặc An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn). Nhưng chỉ qua một vài thống kê đã thấy “kẻ thù” của người lao động quá nhiều, rình rập mọi lúc.
1. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dự báo đến năm 2010, khu vực công nghiệp sẽ có 120.000 - 130.000 người bị tai nạn lao động. Số thương vong vào khoảng 1.200 người. Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật -
Bảo hộ lao động, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Bảo hộ lao động, ông Lê Vân Trình cho biết số liệu chính xác của ta còn cách xa thực tế bởi trung bình mỗi năm chỉ có 10% doanh nghiệp báo cáo tai nạn lao động. Trong số này, 48,62% số vụ có nguyên nhân do người lao động. Phổ biến là tâm lí chủ quan, thói quen làm việc nông nghiệp với các vi phạm về tiêu chuẩn, qui phạm an toàn.
Trong khi đó, để chính thức đi vào hoạt động, doanh nghiệp, đơn vị phải bảo đảm các yếu tố vệ sinh môi trường, điều kiện làm việc, an toàn lao động - phòng chống cháy nổ... Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp không bảo đảm những điều kiện này, vẫn thoải mái hoạt động.
2. Trong chương trình quốc gia về bảo hộ lao động năm 2008, một mục tiêu lớn là nâng cao nhận thức và tuân chủ qui phạm an toàn lao động, đồng thời tập trung cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Một vài dự án lớn được triển khai, chẳng hạn: Nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ an toàn - vệ sinh lao động (đề xuất và triển khai ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cải thiện môi trường và điều kiện làm việc. Dự án xây dựng và nâng cấp 3 phòng thí nghiệm đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật cho 5 phương tiện bảo vệ cá nhân đặc thù (mũ an toàn công nghiệp, khẩu trang, mặt nạ chống bụi - hơi khí độc, dây đai an toàn, giày chống va đập...).
Thực chất những dự án này đạt hiệu quả đến đâu khi điều kiện cần là môi trường lao động, điều kiện làm việc vẫn bị bỏ lọt và được kiểm soát qua báo cáo thiếu (chỉ 10% doanh nghiệp báo cáo), đồng thời, điều kiện đủ là người lao động vẫn thiếu các kĩ năng chuyên nghiệp? Đấy là chưa kể công tác bảo hộ lao động phổ biến ở nhiều nơi vẫn được làm chớt chát...
Thêm “bạn” bớt “thù” cho người lao động khó thay. Miếng cơm manh áo của người lao động, phổ biến là lao động chân tay, đã phải trả một cái giá quá đắt. ít nhất, trong điều kiện bất khả kháng (điều kiện làm việc quá tồi tệ), hy vọng người lao động tự ý thức mà bảo vệ sức khỏe và tính mạng mình.