Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10435
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
An toàn vệ sinh lao động: Thừa khẩu hiệu, thiếu quyết tâm
"An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn", "An toàn để sản xuất, không có an toàn thì không sản xuất", "Muốn có hiệu quả sản xuất, phải thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động (BHLĐ), an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và phòng chống cháy nổ (PCCN)"... 
 
Đó là những khẩu hiệu thường thấy tại các công trình, nhà máy, xí nghiệp và các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các khẩu hiệu trên là vấn đề hết sức nan giải. 9 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra trên địa bàn thành phố làm chết 9 người chỉ trong hai tháng đầu năm 2010 cho thấy tình hình ATVSLĐ vẫn luôn là vấn đề "nóng"…
 
Nóng bỏng tai nạn lao động
 
Theo thống kê của LĐLĐ TP Hà Nội, năm 2009 trên địa bàn đã xảy ra 25 vụ TNLĐ, làm 34 người chết, 13 người bị thương. Số vụ tai nạn xảy ra nhiều ở ngành xây lắp, sản xuất vật liệu và vận hành máy. Nguyên nhân chủ yếu là do ngã từ trên cao, điện giật... Đáng buồn, tình hình TNLĐ đang diễn biến phức tạp hơn, số vụ TNLĐ chết người gia tăng (4 vụ, số người chết tăng 7 người). 
 
Ông Trần Thanh Bình, Phó ban Bảo hộ lao động của LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, để xảy ra tai nạn, lỗi thuộc về cả hai phía: người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, chủ yếu vẫn do người sử dụng lao động. Bởi tại nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ, DN ngoài nhà nước, điều kiện làm việc của NLĐ chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức, tình trạng vi phạm các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc thực hiện quy định ATVSLĐ vừa thiếu lại vừa sơ sài, đại khái. Bên cạnh đó, NLĐ chưa ý thức hết tầm quan trọng của công tác BHLĐ nên vô tình hoặc cố tình không thực hiện. Người sử dụng lao động bỏ qua trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở NLĐ, dẫn đến tình trạng TNLĐ xảy ra mà NLĐ không được hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng theo luật định.
 
 
Nhiều vụ tai nạn xảy ra trên các công trình xây dựng do thiếu trang thiết bị BHLĐ. Ảnh: Phương An

Trên thực tế, xác định việc bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nên LĐLĐ TP Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các cấp CĐ, các đơn vị, DN phải chú trọng công tác BHLĐ. Đồng thời LĐLĐ TP chỉ đạo các cấp CĐ cấp trên cơ sở đăng ký phong trào thi đua bảo đảm ATVSLĐ và đã có 39/44 CĐ cấp trên cơ sở đăng ký thực hiện, thu hút 71 đơn vị thuộc nhiều thành phần kinh tế, sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề tham gia. Kết quả cho thấy, tại các đơn vị đăng ký thi đua, điều kiện lao động của NLĐ được cải thiện và không xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy, nổ. Tuy nhiên, điều đáng nói là số đơn vị đăng ký thi đua thực hiện BHLĐ hiện nay còn quá hạn chế, dẫn đến hiệu quả chung của công tác này chưa cao. 
 
Làm gì để bảo vệ người lao động?
 
Với vai trò là "người" chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, CĐ các cấp đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm ATVSLĐ. Trong khi chế tài xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về BHLĐ còn quá hạn chế, tổ chức CĐ lựa chọn phương pháp tăng cường tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện BHLĐ tại cơ sở, đồng thời tổ chức biểu dương, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt nhằm động viên, khích lệ tinh thần trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và NLĐ. 
 
Theo đó, mỗi đơn vị lại dựa trên tiêu chí chung và đặc thù riêng của mình để thực hiện phù hợp, hiệu quả. Kinh nghiệm từ Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội, một đơn vị điển hình, thực hiện tốt công tác BHLĐ là đi đôi với việc đầu tư trang, thiết bị BHLĐ, PCCN, công ty thường xuyên cho kiểm định các thiết bị và đề ra các yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Ông Nguyễn Công Nghiệp, Chủ tịch CĐ công ty cho biết, hằng năm CĐ Công ty tích cực triển khai công tác BHLĐ đến 17 đơn vị, 11 xí nghiệp với 1.173 cán bộ, công nhân lao động theo hướng vừa tuyên truyền, vận động, vừa tổ chức phong trào thi đua, phát huy sáng kiến sáng tạo, cải thiện điều kiện lao động trong công nhân. Kinh nghiệm thực hiện tốt công tác BHLĐ của Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà được thực hiện theo phương thức "mưa dầm, thấm lâu". Ông Đỗ Đình Vinh, Chủ tịch CĐ công ty trao đổi, với khẩu hiệu "An toàn để sản xuất, không có an toàn thì không sản xuất", hằng năm, ngoài việc chú trọng đầu tư trang thiết bị, quần áo BHLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, công ty tổ chức tuyên truyền ngay tại các phân xưởng sản xuất một tuần một lần về các nội dung ATVSLĐ. Các nội dung thực hiện BHLĐ được gắn với tiêu chí bình xét thi đua hằng tháng. Ngoài ra, việc CĐ ở các tổ, đội, phân xưởng sản xuất kiểm tra chéo lẫn nhau về công tác BHLĐ mang lại hiệu quả cao.
 
Một trong những khẩu hiệu hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN năm nay (từ ngày 14 đến 21-3) là: Phát triển sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ môi trường. Mục tiêu đó có thực sự trở thành hiện thực hay không? Câu hỏi này thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, ban, ngành chức năng và chính NLĐ.
Tin bài liên quan
Loading...