Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10435
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
An toàn vệ sinh lao động trách nhiệm không của riêng ai?
Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cũng như hành động thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số vụ tai nạn lao động, cháy nổ vẫn xảy ra nhiều. Để "hạ nhiệt" vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành cùng sự chung tay của cộng đồng. 
 
Ý thức kém, chế tài nhẹ
 
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2013 cả nước xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 6.887 người bị tai nạn, trong đó có 627 người bị chết; thiệt hại về vật chất khoảng 78,12 tỷ đồng. Những địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Nghệ An, với tỷ lệ tử vong chiếm 49% tổng số ca tử vong trong cả nước. Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng có thể kể tới như vụ sập dàn giáo ngày 11-1 làm 3 người chết tại công trình cầu Sông Tranh, Hải Dương; tai nạn ngã vào hồ xử lý chất thải ngày 24-4 làm 3 người chết tại Công ty Hòa Dương, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh; sạt lở mỏ đá xảy ra ngày 7-6 làm chết 3 người tại mỏ đá Đông Quang, Đông Sơn, Thanh Hóa...
 
 
  
 
Thực hiện tốt công tác an toàn và bảo hộ lao động sẽ giảm thiểu các vụ tai nạn. Ảnh: Bá Hoạt
 
 
Đối với công tác phòng chống cháy nổ (PCCN), theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), trong năm 2013 trên cả nước đã xảy ra gần 2.700 vụ cháy nổ, làm hơn 100 người chết, gây thiệt hại về tài sản gần 1.700 tỷ đồng và 900ha rừng. Những vụ cháy nổ lớn có thể kể ra như: Vụ cháy kho chứa đạo cụ làm phim ở nhà "Phương khói lửa", quận 3, TP Hồ Chí Minh ngày 24-2 làm 11 người chết; vụ nổ kho pháo hoa thuộc Nhà máy sản xuất pháo Z121 (Bộ Quốc phòng) ngày 12-10 làm 24 người chết, gần 100 người bị thương; vụ cháy lớn ở khu Zone 9, số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội ngày 19-11 làm 6 công nhân tử vong; vụ cháy nổ ở cây xăng số 2B, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 3-6 khiến 12 người bị thương; vụ cháy ở Trung tâm thương mại tỉnh Hải Dương ngày 15-9 thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, tài sản của 536 hộ tiểu thương với thiệt hại ước tính lên tới 500 tỷ đồng; vụ cháy ở khu chợ Nhà Xanh, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 16-12 thiêu rụi hơn 30 ki ốt hàng của các tiểu thương...
 
 
Năm 2013, Hà Nội xảy ra 137 vụ TNLĐ, trong đó có 35 vụ nghiêm trọng làm 44 người chết; có 161 vụ cháy, nổ làm 12 người chết. Thiệt hại về tài sản khoảng 45 tỷ đồng… Các đoàn thanh tra liên ngành của thành phố Hà Nội tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ, PCCN ở 231 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó xử phạt hành chính 24 đơn vị với số tiền 230 triệu đồng.
Tình trạng vi phạm ATVSLĐ, PCCN phổ biến, số vụ TNLĐ, cháy nổ luôn ở mức cao. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân như chính sách còn nhiều điểm bất cập, cơ quan chức năng lơi lỏng trong quản lý, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của con người: sự bất cẩn, thiếu ý thức, không tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, PCCN. Đơn cử như vụ cháy lớn Khu hợp tác xã Zone 9, nguyên nhân là do công nhân hàn xì bất cẩn để tia lửa hàn bắn vào các vật liệu dễ cháy. Tuy đám cháy không lớn nhưng thương vong nhiều là do các công nhân thiếu hiểu biết, khi tai nạn xảy ra, thay vì chạy ra ngoài, họ lại chạy ngược vào trong, nên đã hít phải khói, bị ngạt dẫn đến tử vong. Hoặc vụ cháy nổ ở cây xăng dầu Quân đội, số 2B, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nguyên nhân là do lỗi tắc trách của nhân viên cây xăng chủ quan trong quá trình tiếp liệu. Hay vụ sập dàn giáo ở công trình cầu Sông Tranh, Hải Dương, nguyên nhân cũng là do người lao động không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn lao động.
 
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong số 562 vụ TNLĐ chết người của năm 2013, ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng chết người đang trong quá trình điều tra, mới có 3 vụ chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân liên quan. Từ đó, có thể thấy việc xử lý trách nhiệm trong các vụ TNLĐ còn quá nhẹ. Ngoài ra, do phối hợp chưa tốt, tiến độ điều tra các vụ TNLĐ chết người vẫn rất chậm so với quy định. Cũng theo ông Hà Tất Thắng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm công tác ATVSLĐ, PCCN chưa triệt để, dẫn đến tình trạng còn nhiều người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật... 
 
Đâu là giải pháp hiệu quả?
 
Để bảo đảm ATVSLĐ, PCCN, Nhà nước đã xây dựng hệ thống luật liên quan đến công tác ATVSLĐ, PCCC như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Phòng cháy chữa cháy... Nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được ban hành như nghị định, thông tư, chỉ thị, Bộ tiêu chuẩn nhà nước về an toàn thiết bị… làm cơ sở thực hiện công tác ATVSLĐ, PCCN. Ngày 14-7-1999, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 722/CP-VX về việc hằng năm tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ, PCCN. UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, công ty, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và làm tốt công tác tự kiểm tra ATVSLĐ, PCCN tại địa phương; yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nghiêm trọng ATVSLĐ, PCCN...
 
 
  
 
Đám cháy lớn xảy ra tại Công ty Len Hà Đông ngày 19-2.
 
 
Mặc dù không thiếu hệ thống văn bản pháp luật, nhưng số vụ TNLĐ, cháy nổ vẫn ở mức cao. Nguyên nhân chính như trên đã nói là do ý thức kém và chế tài xử lý quá nhẹ. Để khắc phục tình trạng này, năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 8 giải pháp phòng ngừa và hạn chế TNLĐ, cháy nổ như: tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ; điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ việc; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về công tác ATVSLĐ đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động; triển khai tốt các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2014... Dự kiến Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ nâng mức xử phạt hành chính liên quan tới lĩnh vực an toàn lao động. Theo đó, có hành vi tăng mức phạt từ 5 đến 10 lần so với hiện nay.
 
Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, giải pháp hiệu quả nhất hạn chế các nguy cơ mất ATVSLĐ, PCCN, đó là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện ATVSLĐ, PCCC tại các đơn vị, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; đồng thời cần coi phòng ngừa TNLĐ là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. 
 
Giải pháp thì đã có nhưng để phát huy hết hiệu quả của nó rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và người dân, bởi bảo đảm ATVSLĐ, PCCC không phải việc của riêng ai mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
 
 
Sáng 15-3, tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ, PCCN) TP Hà Nội tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ, PCCN lần thứ 16 năm 2014. 
 
Dự và phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, hiện các vụ TNLĐ, cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản vẫn còn xảy ra. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, các đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo đảm ATVSLĐ, PCCN; tổ chức tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, PCCN; phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, điều kiện làm việc cho người lao động, làm tốt công tác huấn luyện ATVSLĐ, PCCN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm ATVSLĐ, PCCN…
 
Tin bài liên quan
Loading...