Mùa hè gần qua, con tôi ngày nào cũng lấy báo nói về chuyện học sinh bị căng thẳng trước các kỳ thi, đưa cho tôi xem, rồi hỏi: “Mẹ có ý kiến gì không ạ?”. Tôi cười, bảo: “Căng thẳng vào mùa thi là đối với những học sinh lười, kém... cả năm không chịu học hành nên đến ngày thi mới cuống cuồng lên. Chứ con học hành chuyên cần cả năm, đến ngày thi chỉ cần ôn tập, củng cố kiến thức lại thì làm gì mà phải căng thẳng?”.
Cháu buồn bã bảo: “Vậy là mẹ không hiểu con rồi. Con đâu chỉ căng thẳng trước ngày thi, còn còn sợ luôn cả những kỳ kiểm tra mười lăm phút, kiểm tra một tiết, thậm chí cả kiểm tra miệng”. Tôi thật sự ngạc nhiên trước sự thú nhận của con, nên hỏi cho ra lẽ: “Con học giỏi thật mà, việc gì phải sợ”. Cháu buồn bã nói: “Chính vì học giỏi nên con mới sợ không còn giỏi nữa, sẽ làm cho cha mẹ thầy cô thất vọng. Các bạn khác được tám, chín điểm đã mừng rồi. Còn con được tám, chín điểm, ba chẳng những không động viên mà chỉ hỏi: “Lại quên gì nữa rồi, thật là hậu đậu”. Những tiết học nào không có kiểm tra là con mừng lắm...”.
Quả thật, từ lâu lắm rồi chúng tôi đã rất tiết kiệm lời khen đối với cháu. Từ nhỏ, cháu đã là học sinh giỏi nên chúng tôi luôn nghĩ cháu phải có nghĩa vụ “luôn luôn giỏi” mà không hề nghĩ là đã đặt lên đôi vai bé nhỏ của cháu một áp lực vô cùng lớn. Con người ta chỉ căng thẳng vào các kỳ thi đã khổ sở lắm rồi, con tôi lại phải sợ luôn cả những kỳ kiểm tra thì thật là tội nghiệp cho cháu. Sáng sớm sáu giờ đã “lên đường hành quân xa”, mãi mười giờ tối mới về nhà sau khi đã đảo một vòng học các thầy luyện thi nổi tiếng. Chúng tôi cứ trút bao mơ ước lên đầu con cái mà không hiểu cháu đang phải chịu đựng áp lực học giỏi vất vả thế nào. Tôi ôm cháu vào lòng và lần đầu tiên nói với con: “Từ nay dù điểm con có thấp hơn một chút thì con vẫn là niềm tự hào của mẹ, con trai!”.