Bà Rịa Vũng Tàu: Cần phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở trong đối thoại tại nơi làm việc
Có thể nói, đối thoại tại nơi làm việc là một trong những nội dung hoạt động khá mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, đây là một trong những nội dung hoạt động quan trọng (đã được quy định tại Điều 63,64,65, Chương V Bộ luật Lao động năm 2012) đối với không chỉ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ), nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết, cảm thông cũng như nhu cầu tìm hiểu của hai bên, đảm bảo quyền lợi đôi bên, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Bà Rịa Vũng Tàu: Cần phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở trong đối thoại tại nơi làm việc
Ông Đoàn Hữu mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao quà bốc thăm trúng thưởng cho công nhân trong Hội thi Thanh lịch Uy Việt do công ty TNHH giày Uy Việt tổ chức
Cùng tìm hiểu nhu cầu hai bên
Thực tế hiện nay, sự trao đổi, thông tin qua lại giữa NSDLĐ với NLĐ và ngược lại vẫn mang tính chất một chiều, bị động, thiếu thông tin hiểu biết lẫn nhau. Dường như NLĐ chỉ quan tâm đến lương, thưởng, các chế độ mà quên đi những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Trong khi đó, NSDLĐ lại quan tâm đến lợi nhuận, đến quy mô phát triển sản xuất kinh doanh và chưa thực sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Những vấn đề như: ký kết hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể (TULĐTT), nội quy, quy chế tại nơi làm việc; điều kiện làm việc, môi trường làm việc, vấn đề an toàn vệ sinh lao động,
bảo hộ lao động... được NSDLĐ thực hiện một cách chung chung theo luật định, rất ít điều khoản có lợi cho người lao động, cho nên việc đối thoại tại nơi làm việc là hoạt động cần được quan tâm và đã được Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rất rõ tại Điều 63, 64, 65.
Hoạt động văn hoá văn nghệ giúp NLĐ và NSDLĐ hiểu nhau hơn
Tại công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt (Khu công nghiệp Đông Xuyên), vào dịp cuối năm, công ty phối hợp với công đoàn tổ chức đêm văn nghệ chào đón năm mới bằng các chương trình như thi thời trang, văn nghệ, bốc thăm trúng thưởng và tặng giấy khen cho tổ, chuyền sản xuất vượt năng xuất, CNLĐ có nhiều sáng kiến, cải tiến trong công việc. Đây được xem là chương trình thường niên của công ty, CĐCS nhằm động viên, khuyến khích CNLĐ trong lao động, sáng tạo cũng như tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh sau một năm lao động vật vả. Ông Trương Hùng Trí, Chủ tịch CĐCS công ty cho biết: “Để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, những khó khăn của công nhân lao động, CĐCS công ty chủ động phối hợp với doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ, hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo doanh nghiệp và NLĐ”.
Bên cạnh đó, các công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu, công ty TNHH Prime Asia Việt Nam, công ty cổ phần Tong Hong Tannery Việt Nam, công ty TNHH Vard Vũng Tàu, công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn- Bình Châu... là những doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ, chính sách, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Các hoạt động như thể thao, văn nghệ là dịp để NSDLĐ và NLĐ xích lại gần nhau hơn, là cơ hội để NLĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình và ngược lại NSDLĐ có thể sẻ chia những khó khăn của doanh nghiệp, đi tìm sự cảm thông của NLĐ đối với NSDLĐ, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đảm bảo quyền lợi đôi bên, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Phát huy vai trò Công đoàn cơ sở
Có thể khẳng định, hiện nay, việc đối thoại tại nơi làm việc vẫn chưa được phổ biến sâu rộng tại các doanh nghiệp, để hoạt động đối thoại tại nơi làm việc được tổ chức thường xuyên và có nhiều nội dung đối thoại phong phú, mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ, cần phát huy hơn nữa vai trò cán bộ CĐCS trong mọi hoạt động tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Cán bộ CĐCS cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của NLĐ và không ai khác, chính cán bộ CĐCS là chiếc cầu nối giữa NLĐ và NSDLĐ.
Công nhân công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu biểu diễn văn nghệ chào đón năm mời
Trước tiên, cán bộ CĐCS cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc tổ chức và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của NLĐ. Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề do NLĐ đặt ra để có những giải pháp, đề xuất với NSDLĐ giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật, nội quy, quy chế và điều kiện thực tế của đơn vị, doanh nghiệp nhằm đem lại hiệu quả cao, thoả đáng. Bên cạnh đó, cán bộ CĐCS phải thường xuyên sâu sát, gần gũi với đoàn viên, CNVCLĐ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh. Đồng thời, chủ động, tích cực tham gia với NSDLĐ các giải pháp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của công đoàn tại các doanh nghiệp. Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh BR-VT, 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 788 đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đạt tỷ lệ 99,87%; 233 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, đạt tỷ lệ 49,5%; 302 đơn vị doanh nghiệp ký kết thoả ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 56,66%. LĐLĐ tỉnh cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội tại 30 doanh nghiệp, các đơn vị đều thực hiện các quy định của pháp luật lao động tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa tuân thủ đúng như: xây dựng thang bảng lương, nội quy lao động chưa phù hợp với quy định hiện hành; công tác an toàn vệ sinh lao động chưa được chú trọng; chưa xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở; chưa tổ chức đối thoại định kỳ tại cơ sở. Điều này chứng tỏ, việc thực hiện pháp luật lao động và công đoàn tại các doanh nghiệp còn rất yếu và chưa thực sự trú trọng đến quyền lợi ích của NLĐ. Chính điều này, đòi hỏi cán bộ CĐCS cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh BR-VT cho biết: “đối thoại tại nơi làm việc là một nội dung khá quan trọng đối với NLĐ và NSDLĐ, chính vì vậy cán bộ CĐCS cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động và hơn nữa phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các cuộc đối thoại để NLĐ có cơ hội trao đổi, bày tỏ ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của mình, giúp NLĐ và NSDLĐ tìm được tiếng nói chung, góp phần ổn định phát triển sản xuất, nâng cao đời sống NLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
HOÀNG HẢI