Bác sĩ bệnh viện Việt Đức khuyên 6 điều nên làm ngay để bệnh ung thư không gõ cửa
Cốt lõi trong dự phòng ung thư chính là xây dựng hệ cơ thể có miễn dịch khoẻ mạnh thông qua dinh dưỡng, vận động thể dục, lối sống và sinh hoạt lành mạnh - khoa học.
Thạc sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết việc dự phòng để cơ thể mình đủ khoẻ mạnh về miễn dịch - không cho phép tế bào ung thư xuất hiện và luôn lắng nghe cơ thể mình, kiểm tra, phát hiện sớm những tổn thương sớm nhất (tiền ung thư) để lên kế hoạch điều trị ngay từ giai đoạn ban đầu là hai yếu tố cốt lõi trong để phòng ung thư.
Mỗi năm trên toàn thế giới có hơn 10 triệu người mắc ung thư mới, trong đó chủ yếu là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá và ung thư cổ tử cung.
Trong đời mỗi người có khoảng 6 đến 10 lần tế bào ung thư sẽ xuất hiện trong cơ thể, tuy nhiên có những cơ thể sẽ phát hiện và tiêu diệt chúng nếu hệ thống miễn dịch khoẻ mạnh. Trường hợp ngược lại, khi cơ thể ốm yếu, hệ miễn dịch không đủ khoẻ mạnh thì tế bào u sẽ sinh sôi phát triển và hình thành khối ung thư.
Bác sĩ Khánh chia sẻ những nội dung chính trong dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động… giúp dự phòng bệnh ung thư để mọi người cùng tham khảo.
Thứ nhất: Chế độ ăn uống tốt
• Tăng cường các loại rau, củ, quả, chất xơ và các loại hạt (lạc, vừng, điều, ô liu, hạnh nhân, hướng dương..) trong chế độ ăn hằng ngày
• Tăng sử dụng các thực phẳm chống oxi hoá, nhiều vitamin A, C như carrrot, cam, chanh, đu đủ, cà chua, trà xanh, xúp lơ…
• Ưu tiên các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ..) và các loại bầu, bí (bí đỏ, bí xanh..)
• Hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm quá ngọt, vì chất ngọt kích thích các tế bào u phát triển. Ngoài ra chất ngọt quá nhiều cũng có thể gây ra nhiều bệnh lý kèm theo như béo phì, tiểu đường…
• Ưu tiên các loại thịt trắng (gà, vịt, chim...) và hải sản, hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ (thịt lợn, bò,…)
• Bổ sung đủ Vitamin D hằng ngày: Vitamin D rất quan trọng cho cơ thể, tuy nhiên chỉ 10% nhu cầu lượng Vitamin D hằng ngày được cung cấp qua ăn uống. Để đảm bảo cơ thể không thiếu hụt Vitamin D, mọi người cần vận động thể dục đều đặn hằng ngày dưới điều kiện ánh sáng tự nhiên (tránh khoảng thời gian 10h->16h), chúng ta cũng nên uống bổ sung viên canxi và vitamin D.
Thứ hai: Vận động thể chất
Đây là giải pháp nâng cao sức khoẻ cũng như hệ miễn dịch rất tốt, ai cũng có thể thực hiện được tuy nhiên không phải ai cũng có ý thức thực hiện đều đặn hàng ngày - hàng tuần.
Một nghiên cứu của Viện ung thư Hoa Kỳ thực hiện trên 14 triệu người thường xuyên vận động thể chất cho thấy những đối tượng này giảm nguy cơ mắc 13 các loại bệnh ung thư thường gặp so với những người ít vận động thể chất.
Giá trị mang lại của vận động thể chất:
• Tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế sự phát triển và lây lan của các tác nhân viêm nhiễm
• Các hoạt động thể chất giúp tăng cường trao đổi chất, cải thiện tuần hoàn giúp vận chuyển oxy tới tất cả các tổ chức. Tế bào ung thư không được phát triển tại môi trường giàu oxy vì oxy có thể giết các tế bào ung thư.
• Làm giảm nồng độ các hormone như insulin, estrogen và các yếu tố phát triển khối u (growth factors) được cho là có liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và phát triển ung thư.
• Kiểm soát cân nặng, ngăn chặn béo phì: Béo phì là một yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với nhiều loại ung thư, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch… Theo ước tính mỗi năm có hơn 500 nghìn ung thư được chẩn đoán liên quá đến béo phì.
• Tăng dòng máu tới các cơ quan như gan, thận và ruột giúp tăng cường thải trừ một cách hiệu quả các chất thải và chất độc mà có thể là nguyên nhân tiềm tàng dẫn tới ung thư ra khỏi cơ thể.
• Cơ thể luôn cân đối, tràn đầy năng lượng sống.
Thứ 3: Cân bằng lối sống
• Luôn biết cách cân bằng một cách hợp lý giữa công việc và nghỉ ngơi, thư giãn giúp giải tỏa stress. Sự kết hợp chế độ ăn uống khoa học, chế độ tập luyện và một giấc ngủ chất lượng là cách phục hồi năng lượng của bạn tốt nhất sau một ngày làm việc căng thẳng, từ đó tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự nhen nhóm phát triển của tế bào ung thư.
• Nói không với thuốc lá và rượu
• Tiêm phòng đầy đủ phòng chống các bệnh truyền nhiễm như viêm gan virus, human papillomavirus (HPV) bởi đây là các nguyên nhân gây ung thư gan và cổ tử cung rất phổ biến ở Việt Nam.
Thứ tư: Tránh xa thực phẩm - hoá chất không tốt cho sức khoẻ
• Tránh xa thực phẩm chứa độc tố Aflatoxin (gây ung thư gan) như nấm mốc, các loại tương lên men, hắc xì dầu, các thực phẩm để lên nấm mốc... cũng như các loại cà muối, dưa muối, củ cải muối.
• Hạn chế thực phẩm để quá lâu, thực phẩm đã có mùi, thực phẩm đã chế biến quá 24h, thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt.
• Tránh ăn các loại thức ăn bị cháy khét vì chúng có chứa rất nhiều độc tố gây ung thư, đặc biệt là các loại ung thư đường tiêu hoá (ung thư ruột, ung thư dạ dày,...). Hạn chế chiên, nướng, hạn chế sử dụng nhiệt độ quá cao trong quá trình chế biến thực phẩm.
• Hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn, xúc xích, hot dog, paté gan, các thực phẩm có nhiều chất bảo quản, chất tạo hương, chất tạo mùi, phụ gia, hoặc phẩm màu độc hại.
• Các thức ăn nóng, và có dầu mỡ không nên đựng trong các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, xốp, nylon. Thủy tinh, thép, sứ là các vật liệu an toàn đối với việc lưu trữ thực phẩm.
• Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây ung thư. Hạn chế tác hại của tia tử ngoại (đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, lúc cường độ tia tử ngoại cao nhất trong ngày), khói bụi, các hoá chất độc hại, chất phóng xạ...
Một số hoá chất sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chăm sóc sắc đẹp, in ấn, da giày, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay, mực in, chất tạo màu... có chứa nhiều hoá chất tăng nguy cơ ung thư. Do đó, chúng ta cần mang bao tay, khẩu trang, tăng cường thông thoáng khí, sử dụng các hệ thống lọc. Sử dụng kem chống nắng, dùng mũ, dù che nắng khi tiếp xúc với tia tử ngoại.
• Tránh xa các độc tố trong môi trường như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Đặc biệt là ông bà chú bác ở quê hiện nay vẫn có thói quen sử dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu trừ cỏ còn rất nhiều. Đáng ngại hơn nữa là, người sử dụng chưa có ý thức sử dụng các phương tiện bảo hộ cần thiết như mũ, khẩu trang, gang tay, áo chống thấm nước…
Thứ 5: Hạn chế tiếp xúc với Amiang
• Amiăng là silicát kép của Can xi (Ca) và Magie (Mg), chứa SiO2 có trong tự nhiên. Amiăng gồm 02 nhóm: (a) Nhóm Serpentine: Chrysotile (Amiăng trắng) có dạng xoắn và cũng là loại sợi Amiăng duy nhất còn tiêu thụ thương mại trên thị trường hiện nay.
Trong khi nhiều quốc gia phát triển đã cấm sử dụng và tiêu thụ mọi hình thức Amiăng thì một số quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển và ở Việt Nam, Amiăng trắng vẫn tiếp tục được sử dụng. Hiện nay chỉ còn 35 nước sử dụng amiăng – 54 nước đã cấm.
• Tất cả các loại amiang, kể cả Amiăng trắng (Chrysotile) được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Sau 40 năm nghiên cứu, từ năm 1973 Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người.
• Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường.
Tác hại của Amiăng đến sức khoẻ người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi–Amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng.
Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu (từ 20-30 năm) nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh.
• Dự phòng các bệnh có liên quan đến Amiăng: Sử dụng các trang thiết bị phòng hộ cá nhân đúng tiêu chuẩn chất lượng (quần áo, giầy dép, khẩu trang); Không hút thuốc, ăn uống tại nơi làm việc; Tắm rửa thay quần áo tại nơi lao động, không mang quần áo bẩn về nhà để giặt rũ;
Định kỳ khám, chụp phim X quang phổi, đo chức năng hô hấp để kiểm tra sức khỏe và phát hiện sớm bệnh có liên quan đến Amiăng…
Khi có các dấu hiệu của bệnh liên quan đến Amiăng, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế (Các biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh như: Đau tức ngực và khó thở, đau tức ngực khi gắng sức là hai triệu chứng chính của bệnh; Ho kéo dài; lúc đầu ho khan, sau ho kèm theo khạc đờm; Ho ra máu, thở khò khè…)
• Nếu gia đình đang sử dụng tấm lợp A-C (tấm lợp Amiang) thì nên tháo dỡ (có bảo hộ lao động) và thay thế bằng những vật liệu an toàn với sức khoẻ hơn, không nên dùng các tấm Amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại.
• Nếu có thể, hạn chế tối đa sinh sống và làm việc tại gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa Amiăng (tấm lợp, má phanh..).
Thư sáu: Kiểm tra sức khoẻ định kỳ
• Mỗi người nên xây dựng thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho mình và người thân, ít nhất 6 tháng một lần.
• Với những người dưới 45 tuổi, những nội dung chính trong kiểm tra sức khoẻ định kỳ bao gồm xét nghiệm sinh hoá máu (chức năng gan thận-mỡ máu-tiểu đường-điện giải..), xét nghiệm yếu tố gợi ý u trong máu (Tumor marker), siêu âm ổ bụng-tuyến giáp-tuyến vú và tinh hoàn, chụp xquang phổi, điện tim, nội soi dạy dày và đại tràng, khám sản-phụ khoa ở nữ giới.
• Với những người trên 45 tuổi thì cần làm thêm một số xét nghiệm như đo loãng xương, khám chuyên khoa tim mạch cân nhắc chụp mạch vành..
• Với những đối tượng có nguy cơ cao như hút thuốc lá, uống rượu mạnh nhiều, viêm gan các loại, béo phì, lười vận động, làm việc trong môi trường độc hại (mỏ than, quặng/hoá chất nhuộm, tẩy..) thì cần có sự tư vấn chuyên sâu của các bác sĩ, để sàng lọc thêm những nguy cơ tiềm ẩn.
Theo Trí Thức Trẻ