Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10304
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Bạch Long Vĩ, đảo quê hương (Kỳ 1)
I - Tình yêu với đảo

Khi tàu còn cách bờ vài trăm mét, còi hú lên từng hồi. Tiếng sóng biển ì oạp như tiếng vỗ tay chào mừng… Trong ánh nắng rực rỡ, Bạch Long Vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi thật tươi đẹp và hùng vĩ…

Các thế hệ TNXP trên đảo

Chị Nguyễn Thị Ngân-Liên đội trưởng TNXP Bạch Long Vĩ
Sau hành trình sóng gió từ đất liền ra đến đảo, nhiều thành viên trong đoàn say sóng. Thế nhưng, khi tàu còn cách bờ vài trăm mét, ai nấy đều nhao ra ngoài để được ngắm toàn cảnh Bạch Long Vĩ. Nhìn từ xa, hòn đảo như viên thạch bích khổng lồ nổi lên trong nắng, gió và sóng biển lấp lánh. Trong đoàn hơn 40 phóng viên hôm ấy, tất cả đều lần đầu đặt chân lên đảo. Chung tâm thế với mọi người, tôi hít một hơi thật sâu để tận hưởng trọn vẹn cảm xúc háo hức, hồi hộp khi đứng trước hòn đảo anh hùng.

Mong muốn lớn nhất trong chuyến ra đảo lần này của tôi là được trực tiếp trò chuyện, gặp gỡ các thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên ra với đảo cách đây 17 năm. Thật may mắn, ngoài Liên đội trưởng Nguyễn Thị Ngân, vẫn còn nhiều người thuộc thế hệ ấy đang tiếp tục gắn bó với đảo. Cầm bức ảnh chụp thời con gái, chị Ngân nhớ lại cơ duyên đến với Bạch Long Vĩ. Sau khi học xong trung cấp Y Hải Phòng, theo lời kêu gọi của Trung ương Đoàn và Thành đoàn Hải Phòng, chị xung phong ra đảo. Ngày ấy, cái tên Bạch Long Vĩ vừa gần lại vừa xa trong suy nghĩ của cô gái tuổi 20. Khi biết chị có ý định ra đảo, gia đình kiên quyết ngăn cản. Chú ruột của chị từng là bộ đội đóng quân ở Bạch Long Vĩ khẳng định: Cháu không thể chịu được cuộc sống ngoài đó đâu, khó khăn vất vả lắm. 
Thế nhưng cô gái trẻ vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên, để lại sau lưng gia đình, bạn bè… Hai tháng sau Ngân viết thư về cho gia đình. Chị tâm sự: “Là nữ nhưng tính tôi như đàn ông, mạnh mẽ và hăng máu, tôi luôn mong muốn được cống hiến điều gì đó cho Tổ quốc. Ngày trước, tôi thích đi bộ đội nhưng không đủ tiêu chuẩn, chính vì vậy, khi có cơ hội ra đảo là tôi đi ngay”.

Ngày 26-2-1993, sau 24 giờ lênh đênh, đánh vật với sóng gió, 60 chàng trai, cô gái đang độ tuổi mười chín, đôi mươi đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Họ mang trên mình nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức cao cả, đó là khai hoang mở đất, cải tạo thiên nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho yêu cầu phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Ngay sau khi lên đảo, TNXP lập tức xắn tay đi xây nhà, làm đường, xây dựng trụ sở các cơ quan, ban, ngành của huyện… Phải mất gần chục năm, biết bao giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu đổ xuống để hình thành nên hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đẹp đẽ đủ sức chống chọi với thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt. Nhớ lại những ngày tháng đi xây dựng, chị Nguyễn Thị Thủy - Đội trưởng đội 1 bồi hồi: “Ngày ấy chúng tôi làm việc không có máy móc, phương tiện hỗ trợ hay bảo hộ lao động gì cả, tất cả mọi công việc từ nhỏ đến lớn phải dùng sức người. Quanh năm trên đảo chỉ có nắng, gió và sương muối. Làm việc vào mùa nóng mồ hôi rơi xuống nền cát bỏng đánh xèo một cái rồi biến mất luôn, còn mùa lạnh thì tay chân lúc nào cũng nứt nẻ, rớm máu…”.

Các thanh niên xung phong tham gia trồng những cánh rừng phi lao, rừng tràm để chắn gió, chắn cát và giữ nguồn nước ngọt. Ở trên đảo, nước ngọt quý hơn cả. Chị Ngân nhớ lại: 5 năm đầu ra đảo, nguồn nước ngọt chưa khai thác được, nước ở các khe núi, khe suối không đủ, nguồn nước ngọt mang từ đất liền ra phải dùng thật tằn tiện cho mọi sinh hoạt.

Rồi đến những công trình dân sinh cao cấp hơn như công viên, nhà văn hóa… cũng dần được hình thành. Để có một công viên cây xanh trên đảo, TNXP phải khổ công cải tạo lại đất, dùng phân vi sinh, đất mùn, trộn lẫn với các loại xỉ than… để đất có chất nuôi cây. Phải mất từ 3 đến 5 năm cây mới có đủ rễ và có thể thực sự sống được.

Cuộc sống trên đảo còn nhiều vất vả, khó khăn. Sau mỗi ngày lao động, đêm về mọi người quây quần sinh hoạt, trò chuyện trong gian nhà tập thể, mệt thì lăn ra ngủ. Mỗi chuyến tàu ra đảo mang theo bao nhiêu mong ngóng, háo hức của mọi người. Ngoài lương thực, thực phẩm, dụng cụ sinh hoạt… thứ được sự mong đợi nhất chính là những lá thư từ đất liền.

Chị Nguyễn Hồng Minh, 43 tuổi, là một trong những TNXP đầu tiên ra với đảo tâm sự: “Từ ngày ra đảo đến nay tôi đã nhận được hàng ngàn bức thư từ người thân, bè bạn. Mỗi lần mở thư đều là một lần háo hức, hồi hộp, cảm xúc lúc nào cũng tươi mới như khi mở bức thư đầu tiên”.

Cuộc sống trên đảo 17 năm qua tuy khó khăn về vật chất nhưng tình cảm thì luôn luôn dạt dào.

Tiếp lửa cha anh...

Từ 60 chàng trai cô gái năm xưa, trải qua gần hai chục năm, đến nay đã có thêm hàng trăm lượt TNXP đến và gắn bó với Bạch Long Vĩ. Quân số của Liên đội TNXP hiện nay có gần 60 người với tuổi đời còn rất trẻ và nhiều người chưa có gia đình, người trẻ nhất 21 tuổi. Tất cả họ ra đây với tinh thần tự nguyện và mong muốn góp sức xây dựng và bảo vệ đảo, làm cho Bạch Long Vĩ ngày càng giàu đẹp.

Tôi gặp Nguyễn Thị Huế, quê quận Kiến An, Hải Phòng, “hoa hậu” của Liên đội TNXP. Năm nay Huế 22 tuổi, là con gái duy nhất trong gia đình 5 anh em. Cô đã ra đảo được gần 4 năm. Cuộc sống và công việc vất vả trên đảo tuy có làm Huế già dặn hơn so với tuổi nhưng không thể làm mờ đi nét sắc sảo, khỏe khoắn vốn có của cô gái đất Cảng. Huế tâm sự: “Em thích cuộc sống ở đây, thích cách mọi người đối xử với nhau. Hiện tại em chưa có ý định trở về với đất liền… Nếu tìm được tình yêu thực sự, em sẽ ở lại đây luôn”.

Có lên đảo, được trực tiếp nghe TNXP tâm sự mới biết cuộc sống nơi đây còn vất vả ra sao khi mà có lúc điện thiếu, nước thiếu, đồ dùng sinh hoạt chủ yếu đều phải chờ tàu từ đất liền mang ra. Được nhìn họ làm việc mới thấm thía những khó khăn mà họ đang gặp phải khi ngày đêm xây dựng, canh giữ, bảo vệ vùng biển Tổ quốc, sự hy sinh thầm lặng nơi đầu sóng, ngọn gió của họ thật lớn lao. Nhìn vào tấm bảng phân công nhiệm vụ và thành tích thi đua được ghi chi tiết theo ngày, theo tuần của Liên đội TNXP, có lẽ ai ai cũng thầm cảm phục và ngưỡng mộ. Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ tuần tra biển đảo, lao động sản xuất, TNXP còn tham gia vào tất cả những nhiệm vụ mà chính quyền địa phương giao phó.


Hai ngày trên đảo tôi có dịp tiếp xúc nhiều với Phan Mạnh Tùng, Tổ trường tổ TNXP 2. Chàng trai quê Ninh Bình nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm và giới thiệu về đảo. Tùng cho biết, sau khi thi trượt đại học, cậu đăng ký ra đảo luôn. Thời gian đầu, đối mặt với cuộc sống thiếu thốn, thiên nhiên khắc nghiệt, Tùng hơi sốc và đã có lúc tưởng như không trụ được. Thế nhưng, được sự động viên của gia đình, bạn bè, giờ đây Tùng đã trở thành một chàng trai rắn rỏi, mạnh mẽ. Mong muốn của Tùng sau này sẽ được đi học đại học để trở thành kỹ sư chuyên ngành thủy sản, có điều kiện giúp huyện đảo phát triển kinh tế.
Mấy ngày trên đảo tuy thật ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho chúng tôi cảm nhận được cuộc sống tươi đẹp đang sinh sôi nảy nở trên mảnh đất cằn. Những TNXP không bao giờ chịu lùi bước trước sóng gió, bão táp… Họ như những rừng phi lao thẳng tắp, như những cây xương rồng ngày đêm miệt mài đâm rễ sâu vào lòng đất mang đến màu xanh vĩnh cửu. Tất cả cảm xúc của chúng tôi được dành trọn trong đêm giao lưu văn nghệ đáng nhớ, ý nghĩa giữa đoàn nhà báo, Liên đội TNXP và các đơn vị trên đảo. Bài hát “Bạch Long Vĩ, đảo thân yêu” vang lên đầy tự hào như lời tỏ tình, lời gắn bó máu thịt của tuổi trẻ chúng tôi với hòn đảo này. Chúng tôi tay trong tay, cùng hát múa bên lửa trại, cùng trò chuyện tâm tình, sẻ chia và cùng nhau nâng ly rượu mừng… Để đọng lại là những giọt nước mắt rớt rơi trong nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện.

Quá khứ, hiện tại và tương lai, lớp lớp TNXP Việt Nam hiến dâng, cống hiến tuổi trẻ để xây dựng Bạch Long Vĩ ngày càng giàu đẹp, vững chắc. Như sóng biển, từng đợt vỗ mãi vào bờ không ngừng nghỉ…
Tin bài liên quan
Loading...