Con người chúng ta luôn có ước mơ được bay lên cao, làm chủ bầu trời giống như loài chim. Nhưng điều tôi muốn nói đến không phải là bay trên các cỗ máy mà là việc cảm nhận từng luồng gió, từng đợt không khí và điều khiển chúng để bay lên.
Con người chúng ta luôn có ước mơ được bay lên cao, làm chủ bầu trời giống như loài chim. Nhưng điều tôi muốn nói đến không phải là bay trên các cỗ máy mà là việc cảm nhận từng luồng gió, từng đợt không khí và điều khiển chúng để bay lên. Tất cả chỉ có thể có khi bạn tham gia bộ môn thể thao dù lượn (Paragliding), trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu làm thế nào con người có thể dựa vào gió để bay lên giống như loài chim.
Đơn giản hơn tàu lượn, dù lượn chỉ sử dụng một chiếc dù được bơm đầy khí giúp giữ hình dạng khí động học, không có khung gầm và động cơ nên dễ dàng cho vào balo như một chiếc dù thông thường. Có thể bạn nghĩ dù lượn giống với nhảy dù, nhưng có một sự khác biệt rõ rệt đó là các phi công nhảy dù từ trên cao xuống mặt đất, trong khi các vận động viên dù lượn cất cánh từ mặt đất và dựa vào gió để bay lên cao. Nhưng điều gì đã làm cho dù lượn khác biệt và nó được phát minh ra như thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần tiếp theo.
Lịch sử dù lượn
Năm 1954, Walter Neumark có ý tưởng khi cho rằng có thể cất cánh bằng chân khi chạy trên một con dốc với một đôi cánh bằng vải. Sau đó một vài vận động viên leo núi đã dùng cách này để lao xuống núi cho nhanh tay vì leo xuống tại dãy núi Anpơ, Thụy Sĩ.
Năm 1961, Pierre Lemoigne – một kỹ sư pháp cải tiến chiếc dù của lính dù (para-commander) bằng cách cắt bớt một phần phía trước và bên hông của một dù tròn, và có thể kéo lên cao nhờ dây thừng, ngày nay được gọi là dù kéo (parasailing).
Năm 1964, Domina Jalbert – một người Mỹ phát minh ra chiếc dù vuông thể thao mà ngày nay các vận động viên môn rơi tự do vẫn dùng. Khi bay dù căng lên giữ biên dạng cho cánh dù tương tự như biên dạng cánh máy bay, được gọi là dù vuông thể thao “parafoil”, các loại dù sau này dùng phương pháp bơm căng bằng không khí như vậy gọi là loại dù “ram air”
Từ những năm 1960, dù lượn đã phát triển hệ thống treo phức tạp hơn và hệ thống lái giúp điều khiển thay vì phụ thuộc vào luồng gió, tuy nhiên tất cả chúng đều dựa trên thiết kế ban đầu của Jalbert. Dần dần dù lượn thu hút được rất nhiều người quan tâm, tham gia và trở thành một môn thể thao cuốn hút.
Cấu tạo dù lượn
Một bộ thiết bị dù lượn bao gồm: vòm dù, đai ngồi và hệ thống dây đai, dù dự phòng, các thiết bị điện tử, nón bảo hiểm, tất cả nặng khoảng 12-18 kg. Trong đó quan trọng nhất là vòm dù (cánh dù), một cánh dù được bơm đầy khí có diện tích khoảng 25-35 m2, sải cánh từ 8-12 m, nặng từ 3-7 kg. Nó gần giống như một chiếc dù bình thường nhưng có hình elip thay vì hình tròn. Một cánh dù thông thường có giá từ 2000-3000 USD.
Dù được làm từ 2 tấm vải nylon, có đặc tính nhẹ bền không thấm nước và chịu nhiệt tốt, ở giữa là khoảng trống và có các tấm vải xếp dọc giống như một hệ thống xương sườn. Giữa các tấm vải này là xoang khí, các xoang khí này được may hở phía trước và kín phía sau để hút không khí vào giúp bơm phồng cánh dù và dữ hình dạng của dù giống như một chiếc cánh máy bay.
Hệ thống dây đai bao gồm nhiều dây làm bằng vật liệu tổng hợp, được bố trí dưới vòm dù với các chức năng khác nhau. Ngoài nhiệm vụ giữ vòm dù, các vận động viên có thể sử dụng hệ thống dây đai để điều khiển hướng hoặc tốc độ của dù lượn.
Phi công được gắn chặt vào đai ngồi bằng một hệ thống dây buộc ngang hai đùi, bụng và ngực; đai ngồi gắn vào vòm dù nhờ hai móc kim loại. Đai ngồi có lớp mút xốp dày bảo vệ lưng và mông phi công, phía sau có túi đựng balô dù và phía dưới có ngăn đựng dù phụ. Phi công có thể ngồi trên đai vài ba tiếng mà vẫn thấy thoải mái.
Ngoài ra các thiết bị
bảo hộ lao động như mũ bảo hiểm, găng tay, giầy cao cổ, một bộ quần áo chuyên dụng là rất cần thiết. Không những tránh được lạnh khi bay lâu trên cao mà còn tránh xây xước khi rơi vào bụi cây hoặc bị kéo lê trên mặt đất.
Các thiết bị điện tử đi kèm
Máy bộ đàm, liên lạc vô tuyến - Radio
Máy bộ đàm là thiết bị rất cần thiết khi chơi dù lượn, giúp các thành viên liên lạc với nhau, hỗ trợ nhau khi leo núi và khi bay. Họ có thể trao đổi về tình huống thời tiết, các sự cố, cảnh báo, và những báo cáo về lộ trình bay, điểm đáp...
Thường các radio được dùng là những radio có tần số FM, VHF hay UHF vừa thu vừa phát, thông dụng nhất là những máy bộ đàm có tần số 144-148 MHz. Để quá trình bay diễn ra thuận tiện hơn, các loa nghe thường nằm trong mũ bảo hiểm, các nút bấm để nói được thiết kế trên mũ luôn hoặc nằm nơi ngón tay để việc bấm – nói dễ dàng hơn.
Máy đo độ leo - độ cao
Các công nghệ tiên tiến ngày nay giúp cho các phi công không những chỉ biết được dù đang bay lên hay xuống mà còn biết dù bay lên hay xuống bao nhiêu mét mỗi giây nhờ vào thiết bị đo độ leo, với những bộ cảm biến điện tử rất nhạy cảm bên trong.
Máy đo độ leo cũng tích hợp máy đo độ cao, giúp hiển thị độ cao và có thể chọn hiển thị độ cao so với mặt đất hay độ cao so với mực nước biển. Công dụng chính của máy đo độ leo là giúp phi công tìm ra và duy trì đường bay luôn nằm trong cột khí nóng hay khu vực tạo lực nâng rồi điều khiển dù để đạt độ cao như mong muốn.
Máy định vị toàn cầu – GPS
Là thiết bị rất cần thiết cho những phi công bay khoảng cách xa. Máy giúp phi công ghi lại bằng các vector đồ họa toàn bộ đường bay nhằm dẫn đường hay ghi lại các điểm nút địa danh mà dù đã bay qua. Sau khi kết thúc chuyến bay, phi công có thể xem lại đường bay và cả những thông số liên quan đến đường bay đó như tốc độ (tốc độ mặt đất), độ cao, ngày giờ… phi công sẽ rút ra được những kinh nghiệm và khả năng của mình.
Việc lưu lại bản đồ bay này có thể được thực hiện trên máy tính với nhiều máy GPS khác nhau, Ban Giám Khảo của các giải đấu cũng qua đó có thể chấm giải một cách khách quan hơn. Phi công cũng có thể tải vào máy những nơi không được phép bay qua như khu quân sự, khu vực dân cư, nhiều dây điện cao thế hay đánh dấu những nơi được ban giám khảo qui định phải bay qua, hay đường bay yêu cầu đối với những phi công không thông thuộc địa hình mới.
Cất cánh
Để điều khiển dù lượn đúng cách thì ngoài hiểu biết về kỹ thuật, các vận động viên còn phải nắm rõ nguyên lý hoạt động của gió cũng như các cột khí nóng. Có 2 kiểu cất cánh là xuôi gió và ngược gió. Khi ít gió hay khi không có gió, phi công phải cất cánh xuôi, có nghĩa là phi công phải chạy về phía trước, mặt nhìn về nơi xuất phát của gió để có thể bơm căng cánh dù và chạy lấy đà. Khi gió vừa đủ mạnh, phi công có thể cất cánh ngược, mặt của phi công nhìn vào dù rồi dùng động tác đưa dù lên đỉnh đầu và xoay người lại để lấy đà cất cánh.
Sau khi đã cất cánh, dù lượn dựa vào những dòng không khí để tạo lực nâng. Giống như cánh của một chiếc máy bay không khí thổi qua mặt trên và mặt dưới của cánh dù tạo sự chênh lệch áp suất, từ đó tạo nên lực nâng khí động lực học giúp dù lượn bay trong các dòng không khí.
Tuy nhiên dù lượn có điểm khác biệt là bay dựa vào các cột khí giống như loài chim, nhờ đó các vận động viên có thể ở trên không hàng giờ đồng hồ và bay những quãng đường hàng trăm cây số. Có 3 dạng cột khí thường gặp:
Thermal: là loại khí nóng bốc lên từ mặt đất. Khi mặt trời đốt nóng không khí gần mặt đất, chúng nở ra và bốc lên cao. Các vận động viên có thể tìm thấy các cột khí này gần các địa hình có đá màu tối, sông hồ hay đường nhựa hoặc khu đông dân cư... Khi tìm thấy một cột khí dạng này, các vận động viên có thể bay vòng tròn bên trong nó cho đến khi đạt độ cao mong muốn.
Ridge lift: thường gặp khi gió thổi đến các vùng đồi núi. Khi gió thổi tới các vách núi sẽ di chuyển lên trên theo sườn núi và tạo lực nâng tùy thuộc và sức gió và độ dốc của sườn núi. Tuy có lực nâng không lớn như loại cột khí thermal nhưng các cột khí ridge lift thường kéo dài hàng cây số, dọc theo các dãy núi lớn.
Wave lift: gần giống với ridge lift, nhưng thường gặp ở phía bên kia ngọn núi. Khi gió thổi qua một dãy núi và sang sường núi bên kia, nó cũng tạo ra một lực nâng gọi là wave lift. Wave lift có lực nâng lớn hơn rất nhiều so với ridge lift, một dù lượn có thể đạt đến độ cao 10.000 m khi tận dụng các cột không khí này.
Điều khiển
Việc điều khiển một chiếc dù lượn thực tế không quá phức tạp, các sợi dây đai điều khiển được nối vào mép sau của cánh dù đến tay người vận động viên. Tùy thuộc vào cách kéo các sợi dây này cánh dù sẽ thay đổi góc nghiêng và hình dạng, từ đó làm thay đổi hướng cũng như tốc độ.
Cũng gần giống như việc câm cương một chú ngựa, nếu bạn muốn rẽ sang phải chỉ cần giật dây điều khiển bên phải. Khi đó vận tốc mép cánh bên phải sẽ chậm hơn mép bên trái và làm cho dù đổi hướng. Ngoài việc điều khiển bằng dây, các vận động viên có thể điều khiển dù lượn bằng trọng lực của chính mình. Bằng việc nghiêng người sang hai bên sẽ làm thay đổi hướng di chuyển của dù. Việc kết hợp cả 2 cách điều khiển đem lại sự kiểm soát tốt hơn, giống như việc giữ thăng bằng trên xe máy vậy. Dưới đây là một số kỹ thuật cơ bản:
Coring: là kỹ thuật dùng để bay trong một cột khí nóng. Khi tìm thấy cột khí nóng, vận động viên sẽ điều khiển cho dù bay theo hình vòng tròn phía trong của biên dạng cột khí nóng và giữ đường bay này sao có cho lực nâng tốt nhất. Bay theo biên dạng của cột khí nóng là một lý thuyết đơn giản: bay vòng tròn siết chặt hơn, nhỏ hơn sẽ ít nâng hơn, bay với đường bay tròn rộng hơn sẽ nâng nhiều hơn. Vùng bên ngoài bên cạnh cột khí nóng thường không tạo ra lực nâng và dù sẽ mất lực nâng và mất cao độ khá nhanh, và ngay trong những cột khí nóng có những dòng không khí quẩn bên trong làm cho dù có khi mất cân bằng, chòng chành như con thuyền trên sóng lớn, có khi làm xẹp dù khi vào những cột khí nóng có lực nâng quá mạnh.
Ridge soaring: là kỹ thuật dùng để bay dọc theo sườn các dãy núi lớn. Kỹ thuật này dựa vào các cột khí gần các sườn núi để tạo lực nâng, tuy nhiên cần kỹ thuật và khả năng nắm bắt dòng không khí tốt. Do gần các sườn núi nên dòng không khí không ổn định, nếu không cẩn thận rất dễ va vào các vách núi.
Cross-country: hay còn gọi là bay việt dã hoặc bay đường trường. Khi đã thuần thục kỹ năng bay trong dòng khí nóng, phi công sẽ lợi dụng các dòng khí nóng liên tiếp để bay những quãng đường rất xa, có thể lên đến hàng trăm cấy số. Khi bay đường trường, phi công không những phải có những kỹ năng bay trong cột khí nóng mà còn phải hiểu luật bay, qui tắc bay, có bản đồ bay chỉ rõ những khu vực không được bay vào, vùng cấm bay, trần bay tối đa…
Big ear: là kỹ thuật hạ cánh. Bằng cách làm xẹp một phần ở cả hai bên đầu mút cánh dù, diện tích cánh dù sẽ được giảm nhưng lại làm tăng lực cản khiến dù bay chậm hơn và giúp vận động viên có thể hạ cánh. Khi hạ cánh vận động viên tiếp đất trong tư thế chạy về phía trước, tuy nhiên trong trường hợp hạ cánh mà không có đà chạy thì vận động viên phải tiếp đất theo kiểu lính nhảy dù để giảm nguy cơ chấn thương.
Dù lượn ở Việt Nam
Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tại Cung thiếu nhi Hà Nội, lớp dù đầu tiên của Câu lạc bộ hàng không - Quân chủng Không quân đã ra đời. Từ đó hàng năm đều có những khoá huấn luyện và thực hành kế tiếp nhau cho phép nhiều thanh niên Hà Nội thực hiện niềm đam mê bay lên trên không trung. Đến năm 2006, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Lê Hoàng Bách (Mékong Paragliding) - nhóm những người yêu thích môn này tại Hà Nội đã có được tài liệu và trang thiết bị của môn dù lượn để tập luyện, và nhóm dù lượn Hà Nội được hình thành.
Dù lượn là một môn thể thao khá mới mẻ ở Việt Nam, rất phù hợp cho các bạn muốn tự do bay lượn, thả mình trên không chung và điều khiển những dòng không khí. Tuy nhiên việc chơi dù lượn ở Việt Nam cùng còn gặp nhiều khó khăn, như trang thiết bị tốn kém (khoảng 2000-5000 USD cho một bộ thiết bị cơ bản), số lượng người chơi ít, chưa có trường lớp đào tạo cơ bản... Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về bộ môn thể thao này ở Việt Nam thì có thể tham khảo các website: vietwings, hanoiparagliding.
Tham khảo HowStuffWorks, Wiki