Báo động doanh nghiệp coi thường ATVSLĐ tại Khánh Hoà
Trong khi công tác giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về việc chấp hành an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp ở Khánh Hòa dường như “đuối sức” (vì số lượng doanh nghiệp (DN) quá nhiều, trong khi lực lượng thanh-kiểm tra có hạn), thì nhiều DN không tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ, cộng thêm thực tế NLĐ xem nhẹ bảo vệ an toàn lao động cho chính mình trong quá trình làm việc.
Công nhân thi công không hề có trang thiết bị
bảo hộ lao động tại một công trình xây dựng trên đường Yersin (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: NHIỆT BĂNG
“Theo số liệu thống kê, điều tra tai nạn lao động của Bộ LĐTBXH, năm 2016, trên địa bàn Khánh Hòa chỉ có gần 100 DN trong tổng số gần 8.000 DN thực hiện báo cáo định kỳ và thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động” - “sổ đen” mà Sở LĐTBXH tỉnh nêu lên khiến nhiều người phải giật mình!
Kỳ 1: Sờ đâu cũng phát hiện “nhiều không”!
Sở LĐTBXH Khánh Hòa không thanh-kiểm tra thì thôi, còn “sờ” vào DN nào là phát hiện “nhiều không” ở đó, nhất là ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Thực tế này là trả lời cho con số đáng buồn: Năm 2016, toàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra 140 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 11 người, bị thương 129 người (tăng 42 vụ, tăng 6 người chết so với năm 2015).
Không thèm chấp hành
Tại Công ty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Khánh Hòa, qua thanh tra, Sở LĐTBXH phát hiện tính đến tháng 4.2017, DN này chưa thống kê, phân loại lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như vận hành máy sàn phân loại hạt điều; vận hành máy chao dầu hạt điều; tách hạt điều thủ công; vệ sinh công nghiệp trong các xí nghiệp chế biến; bốc xếp thủ công ở kho.
Ngoài ra, DN này cũng chưa thực hiện đầy đủ các chế độ cho người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ…; chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm; chưa thực hiện tự kiểm tra công tác ATVSLĐ; chưa bố trí bộ phận hoặc người làm công tác ATVSLĐ; chưa bố trí bộ phận hoặc người làm công tác y tế; chưa thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên (ATVSV).
Bên cạnh đó, việc thống kê lao động các ngành nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ (vận hành máy, thiết bị thuộc danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ do Bộ LĐTBXH ban hành)… hay tổ chức huấn luyện cho người quản lý phụ trách công tác ATVSLĐ, người làm công tác ATVSLĐ, người làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, NLĐ, người làm công tác y tế, ATVSV cũng bị Cty bỏ ngỏ.
Đáng nói hơn, DN này chưa báo cáo định kỳ về tình hình TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất ATLĐ nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm và cả năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh và chưa báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ cả năm với Sở LĐTBXH. Thực trạng đó cũng xảy ra tại các DN như Cty CP Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa, Cty CP Môi trường Đô thị Nha Trang, Cty CP Phát triển nhà Khánh Hòa… Trên thực tế, đây mới là con số “nổi”!
Không khai thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ
Tại Cty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa, tổng số các loại máy, vật tư, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ mà DN này đang sử dụng là 27 máy, thiết bị (2 palăng điện, 5 cầu trục 1 dầm, 20 bình chứa Clo lỏng). Trong đó, 23 máy, thiết bị được kiểm định, còn lại 4 bình chứa Clo không sử dụng, bỏ ở nhà kho.
Thế nhưng, số máy này lại được sử dụng trong “lặng thầm”, không khai báo với Sở LĐTBXH. Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Môi trường Đô thị Nha Trang sử dụng 3 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ là xe nâng người. Thế nhưng, qua thanh tra, Sở LĐTBXH phát hiện cả 3 thiết bị này đều chưa được kiểm định và việc sử dụng cũng không khai báo. Tương tự, theo quy định, máy vận thăng là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, thế nhưng, Cty CP Phát triển nhà Khánh Hòa khi sử dụng chưa kiểm định định kỳ và khai báo với Sở LĐTBXH. Hay 3 xe nâng người tại Cty CP Môi trường Đô thị Nha Trang cũng chưa được kiểm định.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của PV Báo Lao Động tại nhiều công trình cao tầng đang thi công, nhiều NLĐ không sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động. Nhìn hình ảnh họ đứng lơ lửng, lêu nghêu trên cao mà ớn lạnh. Lúc 14h40 ngày 29.4, camera của PV ghi lại cảnh một số CN thi công trên tầng thượng của một tòa nhà cao tầng trên đường Yersin (TP.Nha Trang) trong tình trạng đầu đội mũ vải, không dây đeo an toàn, không bao tay…
Ông Mai Xuân Trí - Phó GĐ Sở LĐTBXH - cho biết, nguyên nhân của thực trạng TNLĐ gia tăng thời gian qua là do nhiều DN không thực hiện đúng các quy định về pháp luật ATVSLĐ, không thực hiện trang bị bảo hộ đầy đủ cho NLĐ, không định kỳ bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị máy móc theo quy định... Về phía NLĐ thì do chưa chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định làm việc an toàn tại nơi làm việc...