Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10561
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Báo động mất an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá tại Nghệ An
Trong những năm gần đây, nhu cầu về nguồn cung ứng vật liệu để xây dựng cơ sở hạ tầng có chiều hướng gia tăng khiến hoạt động khai thác đá phát triển mạnh ở các địa phương.

Không thể phủ nhận việc các doanh nghiệp khai thác đá đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn thời điểm nông nhàn. Mặc dù vậy, vấn đề lớn đặt ra đối với lĩnh vực khai thác đá là an toàn vệ sinh lao động đối với người trực tiếp làm việc tại các mỏ đá. Bởi đây là công việc vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
 
Thực tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra nhiều vụ sập mỏ đá có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thương vong lớn. Hơn một năm trước, ngày 1/4/2011, vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở Nam Thành, Yên Thành đã gây hậu quả hết sức nặng nề. 18 người lao động làm việc tại mỏ đá này đã vĩnh viễn ra đi, 6 người bị thương nặng và mang thương tật suốt đời.
 
Vụ tai nạn gây nhức nhối trong dư luận này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động và những nguy cơ tiềm ẩn tại các mỏ khai thác đá. Điều đáng nói, vụ tai nạn sập mỏ đá ở Lèn Cờ không phải là vụ đầu tiên.
 
Còn nhớ, 4 năm trước, vụ tai nạn ở mỏ đá Hoàng Mai cũng đã làm 3 người chết, 7 người bị thương. Qua kết luận của cơ quan chức năng, cả 2 vụ tai nạn tại mỏ đá Hoàng Mai và mỏ đá Lèn Cờ đều có cùng kiểu khai thác “hàm ếch”, nghĩa là khai thác từ dưới lên, làm hệ thống đá bị mất chân, độ liên kết kém nên đá bị sụt xuống.
 
 

Hiện trường vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ngày 1/4/2011

Hiện nay, có không ít doanh nghiệp, đơn vị khai thác đá trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, trên địa bàn cả nước nói chung không có đủ những điều kiện bắt buộc về an toàn lao động nhưng vì một lý do nào đó vẫn tìm cách “phù phép” và có được giấy phép khai thác. Lợi nhuận thu được từ việc khai thác đá khiến cho nhiều chủ doanh nghiệp, đơn vị khai thác đá phớt lờ các quy định về phổ biến, giám sát kỹ thuật khai thác và trang bị các phương tiện bảo hộ tối thiểu cho người lao động.
 
Trong khi chọn lối khai thác theo kiểu “ăn xổi”, khoan lỗ, đặt mìn từ dưới chân núi, tạo ra các “hàm ếch”, nhiều mỏ khai thác đá lại không hề có các biển báo khu vực nguy hiểm cũng như các điểm tránh trú ẩn an toàn cho công nhân khi nổ mìn.
 
Trong giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản có quy định doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật an toàn theo tiêu chuẩn, có phương án sử dụng vật liệu nổ trong khai thác, đồng thời doanh nghiệp phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành là 6 tháng một lần. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít doanh nghiệp khai thác thực hiện nghiêm túc quy định này.
 
Bên cạnh đó, người lao động trực tiếp làm việc tại các mỏ đá phần lớn là những người nghèo. Ngoài nghề nông, lúc thời vụ nông nhàn, rảnh rỗi, họ không thể kiếm được một nghề nào khác đành chấp nhận làm công nhân theo kiểu “thời vụ” ở các mỏ đá tư nhân.
 
Một mặt chủ các doanh nghiệp khai thác đá chưa chú trọng huấn luyện kỹ thuật khai thác, trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân nhưng mặt khác, nhận thức của bản thân người lao động về vai trò của công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh sản xuất, phòng chống tai nạn cho chính bản thân cũng còn hạn chế. Do thiếu nhận thức, không ít người lao động đã bỏ qua các nguyên tắc an toàn, khoa học trong quá trình khai thác, miễn sao khai thác được nhiều sản phẩm để có được nhiều tiền.
 
Một nguyên nhân quan trọng khác ảnh hưởng đến sự an toàn trong quá trình khai thác ở các mỏ đá thời gian qua là sự phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác đá giữa các cấp, ngành địa phương còn chưa rõ ràng, thống nhất, thiếu các chế tài xử lý vi phạm, nhất là những vi phạm về kỹ thuật an toàn trong thiết kế và thi công khai thác đá. Đặc biệt, chính quyền ở các địa phương có mỏ đá còn chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyện đá để cho tình trạng khai thác trái phép, không phép kéo dài xảy ra.
 
Để không còn những vụ tai nạn thương tâm do sập mỏ đá cũng như đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội ở những địa phương có các mỏ đá, công tác quản lý cả về tài nguyên và hoạt động khai thác cần được chú trọng hơn. Các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương có các mỏ đá trên địa bàn cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra, rà soát mức độ bảo đảm an toàn của các mỏ đá, kiên quyết dừng khai thác, rút giấy phép và không cấp phép mới đối với những mỏ không an toàn trong khai thác.
 
Bên cạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh đối với người lao động trực tiếp sản xuất, cần nâng cao trách nhiệm đối với chủ khai thác mỏ dá. Cần phải có những chế tài, quy định cụ thể, chi tiết về việc chủ sử dụng lao động phải huấn luyện kỹ thuật, trang bị những phương tiện bảo hộ tối thiểu cho người lao động. Nhất là, phải có người có chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác đá thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình khai thác. 
 
Đặc biệt, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khai thác theo nguyên tắc khoa học, tránh tái diễn tình trạng khai thác kiểu “hàm ếch” từ dưới lên làm hổng chân đá. Những bài học từ một số vụ sập mỏ đá thời gian qua cần được các cơ quan chức năng, chủ các doanh nghiệp khai thác đá và bản thân người lao động thấm thía, nghiêm túc tiếp thu, tránh những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra.
 
P.V Theo Công an Nghệ An
 
Tin bài liên quan
Loading...