Vụ sập hầm lò than tại xóm Đồi (xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) hôm 18/11 khiến 3 người chết (tính đến sáng 20/11) thêm một hồi chuông báo động về sự mất an toàn lao động không chỉ riêng lĩnh vực khai thác khoáng sản. Mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ về việc bảo hộ lao động cho công nhân làm việc, song có vẻ như chế tài không mạnh nên chưa đủ sức răn đe các chủ sử dụng lao động và với cả người lao động.
Đảm bảo an toàn cho người lao động là việc làm cần thiết.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, trên cả nước có tới 3.416 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.499 người bị nạn. Cụ thể: Số vụ TNLĐ chết người là 257 vụ, số vụ TNLĐ có từ hai người bị nạn trở lên: 34 vụ, số người chết: 277 người, số người bị thương nặng: 680 người, nạn nhân là lao động nữ: 1.074 người. Trong đó có 10 địa phương “cộm cán” xảy ra nhiều nhất TNLĐ dẫn đến chết người (chiếm 42,96% tổng số người chết do TNLĐ) bao gồm: TP Hà Nội, Bình Dương, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, TP.HCM, Quảng Bình, Long An, Bình Định, Hà Nam.
Cứ ngỡ công nhân các mỏ than mới là những đối tượng gặp nhiều nguy hiểm nhất, dễ bị chôn vùi khi sập hầm lò và khả năng sống sót là rất hiếm. Song, thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tỷ lệ số vụ TNLĐ của ngành xây dựng lại mới “chiếm ưu thế”, với hơn 30% tổng số vụ TNLĐ. Vẫn biết, ngành xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập kinh tế quốc dân, lực lượng lao động chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại, cần thiết đảm bảo chặt chẽ quy trình an toàn lao động theo các quy định của pháp luật.
Nguyên nhân của đa số các vụ TNLĐ được cho là tập trung ở mấy vấn đề: lực lượng lao động của nhiều ngành chủ yếu là lao động phổ thông ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và ý thức an toàn lao động. Chính vì ý thức tự bảo vệ mình chưa tốt là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng. Một nguyên nhân khác cũng được cơ quan chức năng chỉ ra trong hầu hết các vụ TNLĐ là chủ sử dụng lao động đã xem nhẹ, hay nói một cách gay gắt hơn là coi thường tính mạng người lao động, không trang bị
bảo hộ lao động cho công nhân viên, không đảm bảo kiểm tra định kỳ các thông số độc, hại, nguy hiểm nơi làm việc, để tiết giảm chi phí.
Nghiên cứu của giới khoa học chuyên ngành chỉ ra rằng, trong quá trình lao động có thể tồn tại một hoặc nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại. Do vậy, nếu không được phòng ngừa, ngăn chặn, chúng có thể tác động vào con người gây chấn thương, gây bệnh nghề nghiệp, làm giảm sút, làm mất khả năng lao động, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì thế, việc chăm lo cải thiện điều kiện lao động an toàn là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động.
Đó chính là lý do mà Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo hộ lao động, nhằm đảm bảo an toàn thân thể người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất, hoặc không để xảy ra tai nạn trong lao động. Từ đó đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không bị mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh tật khác do điều kiện lao động không tốt gây ra. Một đất nước có tỷ lệ TNLĐ thấp, người lao động khỏe mạnh, không mắc bệnh nghề nghiệp và một xã hội luôn luôn coi con người là vốn quý nhất, người lao động luôn được bảo vệ sẽ là một đất nước phát triển cường thịnh và là một xã hội văn minh.
Chủ trương đường lối đúng đắn đó của Đảng, Nhà nước đã được cụ thể hóa bằng những quy định trong Luật Lao động và các văn bản dưới luật. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động (chủ sử dụng lao động) và người lao động, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng lao động hoặc lao động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện việc bảo hộ lao động theo quy định. Các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội có trách nhiệm phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền của người lao động làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh. Mọi người lao động có quyền yêu cầu và có nghĩa vụ thực hiện những quy định về an toàn lao động. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện làm việc an toàn của người lao động.
Luật pháp cũng quy định rõ: Việc sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại máy, thiết bị, vật tư, năng lượng, điện, hoá chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, phân bón; việc thay đổi công nghệ, nhập khẩu công nghệ mới phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động. Kiểm tra định kỳ để đảm bảo nơi làm việc đạt các thông số cho cho phép về không gian, độ thoáng, độ sáng, tiêu chuẩn vệ sinh, hơi, khí độc, bụi, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Trong trường hợp nơi làm việc, máy, thiết bị có nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, phải thực hiện ngay những biện pháp khắc phục nguy cơ đó hoặc phải ngừng hoạt động.
Không chỉ riêng về mặt lý luận, ngay thực tiễn cũng đã chỉ ra rằng, bảo hộ lao động là chăm lo đời sống, hạnh phúc của người lao động, là yêu cầu thiết thực của các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội ngày càng phồn vinh và phát triển. TNLĐ không xảy ra thì Nhà nước và xã hội sẽ giảm bớt được những tổn thất trong việc khắc phục hậu quả và tập trung đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng. Nếu người lao động được bảo vệ tốt sẽ an tâm, phấn khởi sản xuất, năng suất lao động cũng theo đó tăng lên, tạo ra nhiều thặng dư cho xã hội.
Đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không bị mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh tật khác do điều kiện lao động không tốt gây ra. Một đất nước có tỷ lệ tai nạn lao động thấp, người lao động khỏe mạnh, không mắc bệnh nghề nghiệp và một xã hội luôn luôn coi con người là vốn quý nhất, người lao động luôn được bảo vệ sẽ là một đất nước phát triển cường thịnh và là một xã hội văn minh.
Lê Anh Đức