Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10539
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Làm trái chức năng gây thiệt hại cho hàng vạn NLĐ
Theo Quyết định số 1629 của Bộ LĐ-TB-XH, nghề “may công nghiệp” được xếp loại IV trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhưng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) VN lại không công nhận những công nhân vận hành máy may công nghiệp trong ngành giày là lao động nặng nhọc


 
Môi trường sản xuất giày bị ô nhiễm đa yếu tố

- Những nguy cơ nguy hiểm phổ biến trong môi trường lao động của lao động sản xuất giày là cháy nổ (49,7%), trơn trượt (33%), vật văng bắn (31,3%).

- Cường độ lao động rất cao, tư thế làm việc không thuận lợi, thao tác lặp đi lặp lại, gắng sức thể lực lớn là những yếu tố nguy cơ của rối loạn cơ xương. Sau ca lao động, có 25% than phiền chóng mặt, 33% than phiền đau đầu, 27% khó ngủ, 21% cảm giác yếu cơ chân tay, 16% khó tập trung chú ý, 15% khó nhớ, 12% tê các ngón chân tay.

- Môi trường lao động của nữ công nhân sản xuất giày bị ô nhiễm đa yếu tố: tiếng ồn, bụi, thiếu ánh sáng, đặc biệt là hơi khí độc như những dung môi hữu cơ.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động, Tổng LĐLĐ VN)

Ngày 15-5-2002, BHXH tỉnh Bình Dương có công văn đề nghị BHXH VN giải thích rõ nghề may công nghiệp trong ngành sản xuất giày có phải là lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định để giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ). Trả lời công văn trên, ngày 20-6-2002, ông Hà Văn Chi - Trưởng Ban Quản lý Chế độ chính sách của BHXH VN- đã ký công văn số 1420 khẳng định: “Bộ LĐ-TB-XH không quy định công việc may giày là công việc nặng nhọc, độc hại” và “không áp dụng để giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ đang làm công việc này”.

May công nghiệp chỉ là may... vải (!?)

Nhận thấy không thỏa đáng, ngày 7-8-2002, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương đã có công văn số 618 đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xác định lại nội dung trên. Phúc đáp, Vụ Bảo hộ Lao động thuộc Bộ LĐ-TB-XH đã khẳng định: “NLĐ trực tiếp làm công việc may các loại sản phẩm (vải, len, da, giày...) trong dây chuyền may công nghiệp ở các doanh nghiệp... thì được xếp vào công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm loại IV” và “đề nghị Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện để đảm bảo đúng chế độ, chính sách cho NLĐ”.

Không thể thực hiện vì hai văn bản hướng dẫn khác nhau, ngày 8-11-2002, BHXH tỉnh Bình Dương lại gửi công văn số 237 hỏi lại BHXH VN. Cương quyết bảo vệ quan điểm của mình, ngày 17-12-2002, ông Hà Văn Chi lại ký công văn 3314 nêu rõ: “may trong dây chuyền may công nghiệp chỉ áp dụng đối với NLĐ trực tiếp may các loại sản phẩm là vải; công việc may giày chưa được quy định là nghề nặng nhọc, độc hại”.

Tác hại của một công văn cố chấp

Thay vì đề nghị cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về BHXH là Bộ LĐ-TB-XH ra văn bản hướng dẫn, BHXH VN đã tự mình trao đổi và thống nhất với Tổng Công ty Dệt may VN để đề ra danh mục 16 nghề thuộc “may công nghiệp” là lao động loại IV và được hưởng chế độ lao động nặng nhọc, độc hại, từ đó hình thành công văn số 131 gửi đi BHXH các địa phương. Theo đánh giá của các chuyên gia Vụ Bảo hộ Lao động thì việc làm trên của BHXH VN là trái với chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời đã bỏ sót đối tượng là hàng trăm ngàn lao động may công nghiệp trong ngành da giày.

Từ hướng dẫn trên, không những đông đảo lao động may giày ở Bình Dương không được hưởng quyền lợi chính đáng mà trên 40.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất giày, da của tỉnh Đồng Nai cũng bị “vạ lây”. Trước đó, theo đề nghị của Công ty Pouchen VN, Sở LĐ-TB-XH và BHXH tỉnh Đồng Nai đã phối hợp khảo sát công việc may giày da của công ty và xác định danh mục 12 công việc được hưởng chế độ nặng nhọc, độc hại. Danh mục này được BHXH Đồng Nai áp dụng cho các doanh nghiệp khác trong tỉnh. Tuy nhiên sau đó, BHXH Đồng Nai nhận được thông tin của Bình Dương về những văn bản yêu cầu của BHXH VN nêu trên nên không thực hiện chi trả cho NLĐ ở Đồng Nai nữa.

Quy định trong văn bản 131 của BHXH VN không chỉ làm cho NLĐ may giày thiệt thòi vì mất phụ cấp nặng nhọc, độc hại, mà lao động nữ khi thai sản còn mất đi 1 đến 2 tháng trợ cấp (lao động nữ được nghỉ thai sản từ 5 đến 6 tháng nếu là lao động nặng nhọc, độc hại thay vì 4 tháng khi làm công việc bình thường). Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, thanh tra chính sách lao động của Bộ LĐ-TB-XH đã có kiến nghị trình lãnh đạo bộ để có hướng xử lý trong thời gian sớm nhất.
Nhật Anh

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Ông Nguyễn Xuân Nga - Phó Trưởng Ban Kinh tế Chính sách Xã hội Tổng LĐLĐ VN:

BHXH VN không thể tự đề ra chính sách

Quy định “may công nghiệp” là lao động nặng nhọc, độc hại nên hiểu là quy định chung cho một nghề, một công việc cụ thể chứ không phân biệt nó nằm trong ngành nào. BHXH VN không nên hiểu một cách máy móc dẫn đến thiệt hại quyền lợi cho NLĐ. Hơn nữa, BHXH VN là cơ quan thực hiện chính sách, không thể tự đề ra chính sách, chức năng này thuộc về Bộ LĐ-TB-XH.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Công - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động thuộc Tổng LĐLĐ VN:

Lao động may giày phải được xếp vào loại nặng nhọc, độc hại

Căn cứ vào những tiêu chí để xác định nghề lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB-XH quy định thì lao động may giày phải được xếp vào loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ít nhất là nhóm IV. Theo tôi, những lao động nữ còn phải được xếp vào nhóm V vì những ảnh hưởng của công việc đối với sức khỏe của họ sẽ rất lâu dài.
Tin bài liên quan
Loading...