Con người trong khi lao động sản xuất luôn phải tiếp xúc với những yếu tố nguy hiểm, có hại, có nguy cơ gây nên tai nạn, bệnh tật, thậm chí chết người. Để bảo vệ sức khỏe, chúng ta phải sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) phù hợp. Lợi ích của vấn đề rất rõ nhưng việc thực hiện ra sao không hề đơn giản.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước chỉ có khoảng 40 tỉnh, thành phố có sơ sở sản xuất, kinh doanh PTBVCN. Loại hàng được các doanh nghiệp tập trung sản xuất là quần áo, găng tay, khẩu trang và giày vải thông thường. So với danh mục 128 loại trang bị PTBVCN cần được sử dụng trong lao động (do Viện Khoa học kỹ thuật
bảo hộ lao động đưa ra), số loại hiện đang sản xuất quá nghèo nàn. Việt Nam chưa sản xuất được các mặt hàng đòi hỏi yêu cầu công nghệ cao, phức tạp như để chống điện từ trường, phóng xạ, chấn thương sọ não, mũ dùng trong hầm mỏ, kính chống bức xạ, hóa chất. Chất lượng các mặt hàng này chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Theo đánh giá chủ quan của các chủ sử dụng lao động, PTBVCN họ trang bị cho công nhân chỉ có 48,93% đạt chất lượng tốt. Đây chính là nguyên nhân khiến người lao động không muốn sử dụng PTBVCN, nếu có thường là đối phó.
Một số mặt hàng tiêu dùng không an toàn cho người sử dụng
- Khẩu trang chống bụi: Trên thị trường hiện có nhiều loại khẩu trang khác nhau nhưng do không được kiểm soát nên hầu hết chúng không có, hoặc khả năng lọc bụi thấp.
- Quần áo quân phục chất liệu Oxphor: Những người sử dụng bộ quân phục được may bằng chất liệu trên trong thời gian dài là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nấm ngoài da.
PGS-TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam cho biết: PTBVCN là mặt hàng đặc chủng nên phải có biện pháp quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất, lưu thông đến sử dụng. Việt Nam chỉ sản xuất được PTBVCN thông thường và một ít loại đặc chủng, còn đa phần là nhập khẩu. Số sản xuất nhiều loại có chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn quy định, không có chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật. Điều hết sức nguy hiểm là hàng giả không rõ xuất xứ được bày bán khá thoải mái. Qua kiểm tra tại 12 TCty thuộc Bộ Công nghiệp, trung bình 65% mặt hàng PTBVCN đang được sử dụng không có chứng chỉ chất lượng. 45% số cơ sở thuộc khu vực sản xuất tư nhân, hợp tác xã không trang bị đủ PTBVCN cho công nhân viên. Hiện tượng cấp phát PTBVCN bằng tiền cho công nhân giảm hẳn, nhưng cấp phát hiện vật không đạt chất lượng, không phù hợp với công việc, không thay thế kịp thời khi bị hư hỏng vẫn tương đối nhiều. Trường hợp người lao động được cấp phát PTBVCN nhưng không chịu sử dụng hoặc sử dụng chiếu lệ còn khá phổ biến, nhất là trong khu vực sản xuất mà ở đó chỉ bằng cảm giác trực quan, người lao động không thấy hết tác hại của các yếu tố nguy hiểm.
Rõ ràng, những thống kê trên khiến chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về vấn đề này. Bởi cùng với tốc độ phát triển nền kinh tế mạnh như hiện nay, ngoài mặt tích cực là chủ yếu, nước ta không tránh khỏi vấn đề tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có nguy cơ gia tăng.
PGS-TS Nguyễn An Lương cho biết thêm: Nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn là do công tác thực hiện đăng ký chất lượng hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh PTBVCN chưa được làm tốt. Cụ thể: có đến 50% số nơi được kiểm tra hoàn toàn không tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa với cơ quan quản lý chuyên ngành. Các chính sách đối với việc hỗ trợ và thu hút các doanh nghiệp tham gia mặt hàng này chưa cụ thể, rõ ràng và chỉ dừng lại ở chủ trương nên chưa phát huy tác dụng...
Ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động là cơ quan nghiên cứu đầu ngành trong việc tìm các giải pháp hạn chế tai nạn lao động và sản xuất PTBVCN. Những năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu được hoàn thành nhưng cơ chế đưa kết quả nghiên cứu vào áp dụng thông qua xây dựng và ban hành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đang là vấn đề cần được tháo gỡ. Ta hiện chỉ có 74 TCVN trong lĩnh vực PTBVCN nhưng số này chưa tạo thành hệ thống đầy đủ và đồng bộ. Với 29 loại ngành nghề khác nhau, yêu cầu phải có số loại phương tiện cần được trang bị lên tới hàng trăm loại. Điều này đồng nghĩa với việc cần có TCVN phù hợp với chúng.
Hiện nước ta có khoảng 44 triệu người lao động. Con số này sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới. Như vậy tiềm năng tiêu thụ PTBVCN là rất lớn. Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người nên mỗi chúng ta hãy tự ý thức được vai trò của PTBVCN trong lao động, sản xuất, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.