Một trong những căn bệnh lây nhiễm từ thịt heo có thể gây nguy hiểm cho con người là bệnh liên cầu khuẩn lợn- còn gọi là bệnh liên cầu lợn.
Bệnh liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm, có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó lợn (heo) và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị.
Một số triệu chứng của bệnh liên cầu lợn
Bệnh liên cầu lợn ở lợn rất khó phát hiện, thường phải qua xét nghiệm mới biết. Vi khuẩn liên cầu lợn có khắp nơi trong tự nhiên, ổ chứa là lợn nhà (đã thuần chủng). Cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim cũng có thể mang vi khuẩn liên cầu lợn. Những loài động vật này mang mầm bệnh nhưng chúng không gây bệnh, nếu có chỉ gây bệnh nhẹ, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng mới gây nguy hiểm.
Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Thông thường người bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, lợn chết hoặc ăn tiết canh lợn, thịt lợn bệnh, lợn chết chưa được nấu chín kỹ.
Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu, các dịch tiết ở lợn bệnh hoặc qua đường ăn uống. Các véc tơ có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.
Vi khuẩn gây hai bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, viêm nội tâm mạc... Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong. Cho dù bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…
Thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày. Khi khởi phát, người bệnh có các triệu chứng như sốt cao có thể kèm theo rét run; mệt, đau mỏi người; đau đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê. Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay và đầu các chi.
Bệnh liên cầu lợn khá hiếm gặp. Trong nhiều năm nay, Tây Ninh không có ca mắc bệnh này. Riêng năm 2013, toàn tỉnh có 1 ca xảy ra ở huyện Trảng Bàng. Người mắc bệnh là bà N.T.H, sinh năm 1969, ngụ xã Gia Lộc.
Điều đặc biệt là từ khi nhiễm bệnh đến lúc phát bệnh, bà H hoàn toàn không tiếp xúc với thịt lợn sống, xung quanh nhà bà cũng không có hộ nuôi lợn. Bà H là công nhân một xí nghiệp ở Campuchia. Mỗi tuần, bà làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, chỉ có chủ nhật được nghỉ. Mỗi ngày bà H đi làm đều có xe công ty đưa rước, ngay cả việc ăn uống cũng được chuẩn bị sẵn tại nơi làm việc. Lúc ở nhà, bà không trực tiếp nấu ăn mà do người thân phục vụ sẵn.
Qua khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, môi trường nhiễm bệnh của bà H vẫn chưa thể xác định được- do bà thường xuyên di chuyển từ Tây Ninh sang Campuchia và ngược lại.
Khi tìm hiểu nguyên nhân, cán bộ y tế phát hiện trên mu bàn chân của bà H có một vết trầy xước khoảng 2cm. Đây có thể là “cửa ngõ” lây bệnh cho bà nếu như tiếp xúc với các tác nhân gián tiếp như ruồi, gián, chuột mang mầm bệnh.
Bà H nhập viện ở Bệnh viện huyện Củ Chi và được chuyển lên Bệnh viên Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Bà được chẩn đoán: rối loạn vận động, hôn mê, truỵ mạch, sốt, chi yếu, giảm thính giác, viêm màng não, ban xuất huyết… do liên cầu lợn.
Sau gần 2 tuần điều trị, bà H được xuất viện về nhà nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi các di chứng như ù tai, nhức đầu, nói ngọng, bước đi không vững… Hiện tại, sức khoẻ của bà H đã suy yếu nên chưa thể tiếp tục làm việc.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân, nhất là những người có tiếp xúc với lợn cần thực hiện vệ sinh cá nhân (trang bị
bảo hộ lao động, rửa tay chân sau khi tiếp xúc...). Thịt lợn phải được nấu chín trước khi ăn và tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn còn sống.
Sau khi ăn thịt lợn hoặc tiếp xúc với lợn, nếu thấy có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, cần đến khám ngay ở cơ sở y tế. Khi giết mổ lợn hoặc tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh phải sử dụng đồ bảo hộ. Không được mua bán, giết thịt, ăn thịt lợn bệnh và chết.
Đặc biệt những người có vết thương hở không nên tiếp xúc với lợn hoặc tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn ở nơi tin cậy, có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Giữ vệ sinh và ăn chín là cách tốt nhất để phòng bệnh liên cầu lợn ở người.
Đối với người chăn nuôi lợn nên chọn con giống rõ nguồn gốc, thực hiện vệ sinh phòng bệnh, khử trùng tiêu độc, tiêm phòng các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Nguồn: Báo Tây Ninh online