Khi mắc bệnh liên cầu lợn, khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốt nhiễm trùng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 12 ca mắc bệnh liên cầu lợn (trong đó có 1 ca tử vong), tăng 9 ca so với cùng kỳ; các bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc với lợn. Trước tình hình đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đang tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh liên cầu lợn đến người dân.
Theo đó, ngành Y tế Bến Tre tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống bệnh liên cầu lợn tại cộng đồng, tập trung vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn, buôn bán thịt lợn tươi sống; không giết mổ hay tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; thực hiện ăn chín uống chín, không ăn tiết canh và các thực phẩm tái, sống từ lợn, đồng thời sử dụng bảo hộ lao động khi tham gia chăn nuôi, giết mổ lợn, chế biến thực phẩm từ lợn.
Bác sĩ Đỗ Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre cũng khuyến cáo những trường hợp có tiền sử tiếp xúc, ăn thịt lợn chưa nấu chín mà có biểu hiện bất thường như sốt cao, đau đầu, nôn ói… cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Đỗ Tấn Hồng, bệnh liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn thường có trong đường hô hấp gây ra. Bệnh rất dễ lây lan từ lợn sang người và vô cùng nguy hiểm. Khi mắc bệnh, khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốt nhiễm trùng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Ngoài ra, bệnh để lại các di chứng nặng nề cho người bệnh như mù mắt, có dấu hiệu ù tai giảm thính lực, điếc…
Theo bác sĩ Hồng, có hai nguyên nhân gây bệnh là qua tiếp xúc và qua đường ăn uống. Nếu tiếp xúc với lợn khi tay có vết thương, vết trầy xước… khả năng lây bệnh là rất cao. Bên cạnh đó, việc ăn các thức ăn từ thịt lợn chế biến chưa được nấu chín cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 300 nghìn con lợn, vì vậy nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn rất lớn. Qua kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng và ngành Thú y, khoảng 60% số lợn trong đàn có mang mầm bệnh./.
Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN