Kiểm tra trang thiết bị y tế tại Bệnh xá trên đảo Trường Sa.
Từ huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) về tới đất liền dài hàng trăm cây số, điều kiện thời tiết trên biển không thuận lợi, vì thế, Bệnh xá trên đảo đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho quân, dân và ngư dân trên các đảo.
Ðịa chỉ tin cậy
Ðến công tác tại đảo Trường Sa mới đây, chúng tôi rất ngạc nhiên vì trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khí hậu gió muối khắc nghiệt, lại thường xuyên có gió bão, nhưng toàn đảo vẫn phủ một mầu xanh mướt của những hàng cây. Ðể có được môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp và chính quy như thế, là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, nhất là đội ngũ y sĩ, bác sĩ làm việc nơi đây.
Bệnh xá đảo Trường Sa có các y sĩ, bác sĩ và nhân viên thuộc các chuyên ngành: Nội, ngoại trung, gây mê, hồi sức, điều dưỡng đa khoa. Từ rất lâu, nơi đây được coi như “địa chỉ đỏ” trong việc chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho quân, dân trên đảo và ngư dân yên tâm bám biển; cấp cứu kịp thời bệnh nhân từ các đảo khác chuyển tới. Trò chuyện với chúng tôi, Bệnh xá trưởng, Ðại úy Trương Ðức Cường tự hào chia sẻ: Các y sĩ, bác sĩ và nhân viên của Bệnh xá đơn vị tuổi đời còn trẻ, có vợ, con nhỏ ở đất liền, nhưng ai cũng ý thức niềm vinh dự, tự hào được làm nhiệm vụ ở vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; gác việc riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều người ra đảo chưa lâu, nhưng đã bắt nhịp với cuộc sống mới.
Thời tiết, khí hậu ở Trường Sa khắc nghiệt, cho nên thường xảy ra những tình huống cấp cứu người bệnh. Các y sĩ, bác sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng cho việc cứu người. Phần lớn các ca bệnh phức tạp hay cấp cứu đều từ các đảo chuyển tới. Trong điều kiện thường xuyên gặp thời tiết xấu, biển động, nên việc vận chuyển người bệnh lên đảo rất vất vả và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe người bệnh, nhất là các ca mổ cấp cứu như cắt ruột thừa, tai nạn lao động. Bằng kinh nghiệm và quyết tâm cao, các y sĩ, bác sĩ đã cứu sống rất nhiều người bệnh.
Ðối với những ca bệnh phức tạp, Bệnh xá kịp thời tổ chức hội chẩn bằng hình ảnh qua hệ thống Tele-medicine, được truyền hình trực tuyến giữa các bác sĩ chuyên môn giỏi trong các bệnh viện lớn ở đất liền với y sĩ, bác sĩ của Bệnh xá. Năm qua, Bệnh xá đã khám và điều trị hơn 2.400 ca bệnh; nhiều nhất là người dân sinh sống trên các đảo, với hơn 1.500 ca. Cấp cứu hơn 300 ca bệnh, trong đó có hai trường hợp bị chấn thương sọ não nặng, các trường hợp viêm ruột thừa, chấn thương ngực kín, gãy xương, áp xe nhu mô thận… Bên cạnh đó, Bệnh xá còn phẫu thuật hơn 300 ca bệnh phức tạp, liên quan viêm phúc mạc ruột thừa, khối u, tai nạn lao động.
Có được kết quả đáng khâm phục đó, là cả sự năng động, tài năng và y đức của những y sĩ, bác sĩ nơi đây. Mặc dù, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, trang thiết bị, máy móc phục vụ khám và điều trị bệnh dễ xuống cấp, dễ bị ăn mòn, giảm thời gian sử dụng do nguồn điện không ổn định, nhưng nhờ có sự chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, bảo dưỡng của cán bộ, nhân viên toàn Bệnh xá nên những năm qua, trang thiết bị y tế trên đảo (máy gây mê, máy thở, hệ thống Tele-medicine…) luôn được vận hành, khai thác tối đa hiệu quả.
Sự cố gắng không mệt mỏi và trình độ chuyên môn tốt của tập thể các y sĩ, bác sĩ, nhân viên Bệnh xá, đã tạo sự tin tưởng tuyệt đối, giúp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và ngư dân yên tâm công tác, lao động và sinh sống giữa trùng khơi. Nhiều cán bộ, chiến sĩ khẳng định, Bệnh xá thực hiện rất tốt công tác quản lý, thường xuyên tổ chức khám sức khỏe cho bộ đội, chú trọng theo dõi sức khỏe chiến sĩ mới... Do vậy, quân số khỏe của bộ đội luôn đạt gần 100%, bảo đảm không có trường hợp nào do sức khỏe mà ảnh hưởng nhiệm vụ.
Xây dựng nếp sống khoa học
Tạo nếp sống vệ sinh khoa học, bảo đảm quân số khỏe, là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng bệnh. Phong trào xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, thoáng mát, do Bệnh xá đảo phát động được các đơn vị quân đội, nhân dân sinh sống trên đảo Trường Sa nhiệt tình hưởng ứng. Phát huy nội lực cải tạo doanh trại, nhà ở, vườn cây bảo đảm vệ sinh môi trường; mua thùng rác, xử lý chất thải theo quy định.
Ðại úy, bác sĩ Trương Ðức Cường cho biết: Với phương châm “phòng bệnh là chính”, các y sĩ, bác sĩ và nhân viên Bệnh xá tích cực tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức cho bộ đội và nhân dân trên đảo các phương pháp vệ sinh phòng bệnh. Kết hợp chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh, động viên các đơn vị chủ động vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng, chống dịch bệnh, diệt côn trùng, diệt muỗi trên đảo. Phối hợp thường xuyên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa tiêm chủng phòng uốn ván, bại liệt, viêm não cho trẻ nhỏ trên đảo.
Ở đảo Trường Sa, có rất nhiều cây (nghệ, gừng, riềng, mơ tam thể, mơ lông, chó đẻ răng cưa…) được dùng làm thuốc nam, do các y sĩ, bác sĩ vận động, hướng dẫn bộ đội và người dân trồng để kết hợp giữa thuốc tây y và thuốc nam trong điều trị bệnh, bồi bổ sức khỏe. Nhiều người sử dụng các loại cây này đã đẩy lùi được bệnh lý mãn tính; có người dùng thường xuyên như một thứ “thực phẩm chức năng”, giúp tăng cường sức khỏe hơn.
Ðược biết, thời gian tới, Bệnh xá đảo Trường Sa tập trung tổ chức huấn luyện năm kỹ thuật cấp cứu cho chiến sĩ, huấn luyện các phương pháp cấp cứu người bị nạn trên biển cho Ðội tìm kiếm cứu nạn trên biển của đảo. Ðồng thời, phổ biến cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho những người lao động ngoài trời, trong điều kiện thời tiết nắng nóng và trang thiết bị bảo hộ lao động hạn chế.
Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Trung tá Trịnh Công Lý đánh giá: Những năm qua, Bệnh xá trên đảo đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác khám, chữa bệnh cho quân, dân và ngư dân, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh. Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo nhận thức đầy đủ về ý nghĩa phong trào thi đua xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Sự đoàn kết, gắn bó giúp tập thể Bệnh xá luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, hết lòng phục vụ vì sức khỏe bộ đội, nhân dân, bảo đảm quân y sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Bài và ảnh: VĨNH KHANG
ۣng chất thải y tế dồn về nhiều hơn, một ngày có gần 20 chuyến xe vận chuyển về.
Anh Hùng chia sẻ, lò hấp hơi xử lý chất thải y tế nguy hại mới được đưa vào sử dụng trong mấy năm gần đây. Ưu điểm của lò hấp so với lò đốt là không phát sinh khí thải ra môi trường. Tất cả nước thải sau xử lý dồn về bể chứa sau đó khâu xử lý tiếp rồi mới thải ra môi trường. So với lò đốt, quy trình của lò đốt này khép kín hơn, giảm thiểu được sức lao động cho công nhân.
Kể về những vất vả kỷ niệm trong công việc, anh Hùng trầm ngâm, với những người làm công việc này, vất vả nhất là làm ca đêm, từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Mỗi người hầu như tuần nào cũng có hai buổi làm ca đêm. Việc đứng máy liên tục không ngơi nghỉ. “Môi trường làm việc có tính chất độc hại nên công ty đã trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho nhân viên. Anh em đều chấp hành nghiêm chỉnh nội quy và quy trình” - anh Hùng khẳng định.
ĐỨC MINH