Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10723
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Bi kịch "xuất khẩu lao động" vùng biên
Không cần tay nghề, hộ chiếu mà chỉ cần chạy vạy một khoảng tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng và đặc biệt phải là nữ giới, độ tuổi từ 18 đến 35, bất kỳ ai cũng có thể… “xuất khẩu lao động sang Trung Quốc” làm CN với mức lương trên 10tr/tháng.

Lời cam đoan ngọt ngào của cặp đôi môi giới Xuyến-Thế khiến chị Nguyễn Thị Hương (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thêm vững tin vào giấc mơ hão huyền “xuất khẩu lao động” nhưng rồi chị phải trả giá bằng thân phận vợ lẽ hay nói đúng hơn là “chiếc máy đẻ” với bao nỗi nhục nhã, ê chề nơi đất khách…
 
Người phụ nữ và giấc mơ xa xứ
 
…Gần 5 năm trước, từ thân “gái một con” mơn mởn xuân sắc nhưng vừa chia tay với chồng ngay sau sinh con, kinh tế lại chật vật, Hương phải đi làm thuê cho các chủ rẫy nhằm trang trải cuộc sống.     
 
Khoảng tháng 6-2010, qua câu chuyện từ những người bạn cùng làm rẫy, chị biết bà Xuyến (quốc tịch Việt Nam) và chồng tên thường gọi là Thế (quốc tịch Trung Quốc) cứ cách khoảng 2-3 tháng, thường đến các xã vùng biên giới tại huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) thu mua gỗ trắc, thú rừng… mang sang Trung Quốc bán, sau đó mua hàng điện tử, quần áo, thuốc chữa bệnh... về bán lại tại Việt Nam.
 
 
Chị Nguyễn Thị Hương đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Plei Kần, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Thanh Luận

Qua vài lần gặp gỡ, hai vợ chồng có ý tốt muốn giúp chị thay đổi cuộc sống hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bày tỏ tính “thương người” của mình, Thế hứa hẹn muốn giúp Hương “đổi đời” bằng cách giới thiệu chị đi “xuất khẩu lao động sang Trung Quốc”. Khi ra nước ngoài, chị sẽ được dạy nghề để làm công nhân tại các nhà máy, nhận đãi ngộ với chế độ lương bổng, bảo hộ lao động tốt nhất.

Khoảng cuối tháng 7-2010, chị Hương cùng con gái được vợ chồng “thương gia” Xuyến Thế dẫn đi. Sau gần 4 ngày quần mình trên nhiều chuyến xe khách khác nhau, cả 4 người đến được huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Vừa xuống xe chưa được nghỉ ngơi, Hương tiếp tục đi xe ôm khoảng 40 km nữa để đến bản Nà Lốc, xã Bản Lầu vì theo lời vợ chồng Xuyến-Thế thì chỉ ở đây Hương mới có thể gặp được người chủ tiếp nhận, bố trí công việc tốt cho chị.
 
Món hàng bên kia biên giới
 
Mới sáng tinh mơ, Xuyến lay mẹ con Hương dậy ăn sáng và gặp chủ nhận lao động. Người mà vợ chồng giới thiệu với cương vị chủ xưởng may lớn bên Trung Quốc nhưng hình ảnh đập vào mắt Hương là một gã đàn ông tên Chen hơn 45 tuổi, mập cao, tay xâm trổ chằng chịt lộ rõ hung dữ khiến chị sợ hãi.
 
Suốt bữa ăn, vợ chồng Xuyến-Thế chỉ nói chuyện với người chủ bằng tiếng Trung Quốc còn mẹ con Hương cắm cúi ăn vừa vì đói, lại vừa né tránh ánh mắt sắc lạnh của gã cứ chốc chốc lại nhìn xéo qua chị và cười nhếch mép… Chiều chập choạng tối hôm đó, Chen dẫn mẹ con Hương và vợ chồng Xuyến-Thế lội bộ suốt hơn 3 giờ theo hướng Tây từ bản Nà Lốc, men theo những đoạn đường đồi núi để đến bên kia biên giới...
 
Lời hứa hẹn có công việc ổn định với mức lương cao chưa thấy đâu nhưng khi nhác thấy ánh điện từ 1 căn nhà xây một cách tạm bợ giữa miền quê heo hút, Xuyến nói mọi người đã đến nơi Hương mừng lắm. Chị đang rất cần nghỉ ngơi nhằm xoa dịu nỗi sợ sệt, pha lẫn lo lắng khi cơ thể đã quá mệt mỏi và đứa con gái cứ ho lên xù xụ vì lạnh…
 
*
*     *
 
“Mày dậy đi!”-Chen giật phăng tấm chăn mỏng phá tan giấc ngủ mẹ con Hương. Bàng hoàng thức giấc, cô con gái khóc ré lên sợ hãi rồi nép sát dụi đầu sau lưng mẹ. Chị choàng tỉnh, gương mặt trắng bệch vì sợ hãi, luống cuống chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
 
Bằng giọng lơ lớ lúc nói tiếng Việt, Chen nạt nộ: “Mặc áo khác cho đẹp hơn vào và đi theo tao!”. Dù phần nào chị dự đoán điều không tốt sẽ đến với mình nhưng như vẫn đang hy vọng tình người vẫn còn chút gì xót lại, mắt Hương lấm la, lấm lét liếc nhìn xung quanh hòng tìm vợ chồng “thương gia” Xuyến-Thế nhờ cầu cứu nhưng quanh quất chẳng thấy đâu. Chen phẩy tay cười khẩy. Hắn gằn giọng chậm rãi nhưng âm thanh như rít qua kẽ răng: “Nó đi rồi. Tao mua mày về để làm việc. Trả xong nợ, mày muốn đi đâu thì đi”.
 
Phận “dâu lẻ” hay “chiếc máy đẻ” trên đất khách
 
Chen dẫn mẹ con Hương đến một căn phòng có một nhóm 5 phụ nữ ngồi bệt trên nền đất, tựa lưng vào bức tường loang lổ trông chán nản, cùng quẫn. Vừa nhìn thấy Chen, họ cúi gằm mặt xuống không ai nói gì. Đẩy cả mẹ con vào phòng, hắn quay ra sân gọi điện thoại kèm theo những tràng cười có cung bậc thay đổi liên tục, thật đáng sợ.

Một lát sau, Chen vào hẳn trong phòng cùng 4 người đàn ông lạ mặt. Hắn hướng tay về phía Hương và những người khác rồi nói một tràng tiếng Trung Quốc. Những gã đi cùng Chen cứ nhìn lần lượt từng phụ nữ trong căn phòng vừa chỉ trỏ, vừa nói cười.
 
Người đàn ông khoảng 46-47 tuổi, dáng thấp nhỏ thó nãy giờ mãi cứ chăm chú nhìn Hương bỗng quay hẳn sang nói chuyện với Chen. Gã lại cười lớn, gật đầu và hất hàm hỏi chị: “Mày về làm vợ ông Zhang đây hay ở lại làm việc cho tao?”-dù hỏi thế nhưng hắn chẳng cần nghe câu trả lời mà đã quay bước ra ngoài sân.  
 
Mẹ con Hương đang hoảng loạn cực độ, chị bật khóc tức tưởi vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau khi buông tiếng thở dài ngán ngẩm, một người phụ nữ ngồi bên góc tường bỗng cất giọng trọ trẹ miền quê Hà Tĩnh khuyên: “Mi nỏ biết mô. Hắn nói rứa là may cho mi. Tau mong mà chưa được đây nì. Thà làm vợ mấy thằng già còn đỡ hơn làm đĩ kiếm tiền về cho hắn chỉ có chết!”. Đã đến nước này thì mẹ con Hương đành nhắm mắt để mặc cho số phận đẩy đưa…
 
*
*     *
 
…Nói là “làm vợ” nhưng khi về nhà chồng Zhang ở xã Xichou (tên địa phương mà chị đọc theo cách phiên âm là Sòng Chó), Hương chỉ được nấu cơm, quanh quẩn làm việc trong bếp và đặc biệt nhiệm vụ “giải quyết sinh lý” cho đàn ông trong gia đình.
 
Trước nghịch cảnh xem thân phận con người đôi khi còn thua loài cầm thú của gia đình “chồng”, Hương, từ “gái một con” mơn mởn xuân sắc với ước mong được “xuất khẩu lao động” để đổi đời nhưng thực sự chỉ mang thân phận thua cả đầy tớ, không được bất kỳ quyền gì trong gia đình thậm chí không được đi ra khỏi nhà nếu không có Zhang hay người nhà đi cùng. Đứa con gái chị mang theo họa hoằn “năm thuở, mười thì” mới được “người chồng” mua cho túi bánh, vài cây kẹo ngọt… về phát kiểu như đang ban ơn, bố thí.
 
“Giữa năm 2011, tôi bị buộc phải phá thai nhi đang mang trong bụng chỉ vì kết quả siêu âm là… con gái”-ngồi trên giường bệnh, Hương thì thào trong nỗi uất nghẹn, căm phẫn. Đầu năm 2014, sau hơn 4 tháng Hương lại mang thai, gia đình Zhang bắt chị tiếp tục đi… siêu âm. Vì từng là mẹ nạn nhân từ trò siêu âm giới tính này đồng thời biết rất rõ “án tử hình” đang treo lơ lửng trên đầu đứa con thứ 3 của mình, Hương chống đối quyết liệt, thậm chí nhiều lần bày tỏ ý định tự sát nhưng không đành lòng khi bỏ lại đứa con gái còn quá nhỏ.
 
Đối với Hương, ngoài con gái, đứa bé chị đang mang trong bụng dù chị vẫn không rõ ai mới thật sự cha nhưng là con của chị. Chị dù chết cũng sẽ bảo vệ đến cùng. May mắn cho Hương và có lẽ lần này, thần chết từ chối đứa bé vô tội khi kết quả siêu âm xác định thai nhi mang giới tính nam. Nhờ kết quả này, chị Hương-một người mẹ mang thai được gia đình “chồng” Zhang ban cho quyền… sinh con; đứa trẻ được họ ban cho cơ hội được hít thở, được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
 
Những vị du khách tốt bụng

 

Nhiều người lao động nhẹ dạ trở thành nạn nhân của những công ty XKLĐ "ma". (Ảnh minh họa)

Theo Hương, suốt gần 5 năm sống cơ cực tại Xichou, chị thấy rất nhiều phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc làm dâu cũng lâm vào hoàn cảnh sống lay lắt, gần giống như cuộc sống của chị. Song, cả Hương lẫn mỗi người chị được gặp đều không ai dám chào hỏi nhau dù chỉ là cử chỉ đơn giản nhất. Họ sợ vì nếu sự việc bị bất kỳ thành viên gia đình Zhang thấy được, các chị sẽ được họ mạnh tay “ban cho” những trận đòn roi, ngập ngụa trong đau đớn liên miên.
 
Cuối tháng 7 vừa qua khi đang chăm con, bất ngờ Hương phát hiện một nhóm hơn 10 khách du lịch “người Tây” đi chơi ngang qua nhà “chồng” bằng xe đạp. Chị không còn nhớ lúc đó mình suy nghĩ thế nào nhưng cứ lao vào bế thốc đứa trẻ mới sinh hơn 1 tuổi lên tay và kéo thêm đứa con gái chạy theo nhóm du khách.
 
Ban đầu, họ chỉ liếc nhìn ái ngại thậm chí cảm thấy bực bội khi bị người phụ nữ lem luốc, tay ẵm, tay kéo 2 đứa trẻ lẽo đẽo theo sau suốt hơn cả cây số. Vừa ẵm con chạy theo, Hương dùng tất cả hơi sức còn lại kể về sự cố cuộc đời qua tiếng Việt kể cả diễn tả bằng điệu bộ… với hy vọng nhóm người phần nào hiểu được sự việc. Biết đâu, họ sẽ tìm cách giúp đỡ, giải thoát cho chị về lại Việt Nam.
 
Hương thật sự may mắn khi trong nhóm du khách “người Tây” vẫn có người hiểu loáng thoáng, bập bẹ một vài từ tiếng Việt. Vì vậy, họ phần nào hiểu được bi kịch cuộc đời chị đang cần được giúp đỡ. Sau khi trao đổi với nhau, mỗi người góp một ít tiền, thức ăn mà họ mang theo đưa cho mẹ con Hương và thuê xe đưa chị đến khu vực biên giới giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam)-tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhờ vào số tiền nhóm người tốt bụng trợ giúp, Hương tiếp tục nhờ người dẫn đường đưa 3 mẹ con trở về Việt Nam theo đường tiểu ngạch và mua vé xe khách quay lại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
 
“Tôi đưa được 2 con về đến Ngọc Hồi là thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát ra từ cõi chết. Nhưng rồi sức khỏe suy sụp sau một chặng đường dài nên phải vào bệnh viện điều trị. Nhiều người bệnh ở đây hiểu được những khốn khó của tôi nên đã hỗ trợ tôi từng bát cháo, an ủi trên tình cảm đồng bào. Mẹ con tôi đang thực sự sống lại rồi”-chị Hương nói cảm ơn khi đang ẵm trên tay cậu con trai hơn 1 tuổi đầu nhưng vẫn chưa được đặt tên vì chẳng biết bố là ai…
 
…Ngoài sân bệnh viện, trời lại tiếp tục đổ xuống cơn mưa nặng hạt như đang muốn rửa sạch tất cả những gì bên kia biên giới đã làm ô uế thân phận người phụ nữ này… 
 
Thanh Luận/Báo Gia Lai
Tin bài liên quan
Loading...