Khi biết tới quy định bắt buộc phải có bình cứu hỏa trên xe ô tô, phản ứng tức thì của người sở hữu xe ô tô là lắc đầu không đồng tình. Bởi theo họ, bên cạnh việc lắp đặt bình cứu hỏa trên xe ô tô 4 chỗ ngồi gây ra sự bất tiện trong thao tác lái xe thì nó còn tiềm ẩn sự mất an toàn của một số loại bình chữa cháy không đủ tiêu chuẩn.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hướng dẫn các quy định sử dụng phương tiện chữa cháy cho xe ô tô.
Thậm chí, cũng có ý kiến cho rằng, khi đặt bình chữa cháy không đúng chỗ, không an toàn thì thay vì tác dụng cứu người, bình chữa cháy phát nổ ngay trong xe sẽ khiến chủ phương tiện gánh thương tích.
Không nhận được nhiều ý kiến đồng thuận
Khách quan nhìn nhận, về cơ bản nếu bình chữa cháy được sử dụng đúng nơi, đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Hay nói cách khác, trên thực tế đã có không ít đám cháy được khống chế ngay khi mới bùng phát nhờ công năng của bình chữa cháy.
Công cụ cứu hỏa này đã góp phần giảm thiểu rất nhiều những thiệt hại không đáng có. Thế nhưng, nếu xét một cách toàn diện thì để thiết bị chữa cháy có thể phát huy được tác dụng, người sử dụng nó phải hiểu và biết cách sử dụng theo đúng quy cách.
Tuy nhiên, tại các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ
bảo hộ lao động, bình chữa cháy thời gian gần đây lại ghi nhận được hiện tượng “cháy” hàng. Sẽ rất tốt nếu như hiện tượng này xuất phát từ tâm lý tự giác của người dân nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy.
Nhiều lái xe cho biết việc họ mua bình chữa cháy và lắp đặt trên phương tiện là do lo sợ bị phạt. Tâm lý đối phó này vẫn chưa nghiêm trọng bằng việc phần lớn trong số họ không hề có kiến thức về việc sử dụng bình chữa cháy.
Hay nói dễ hiểu hơn, ngoài việc yêu cầu chủ phương tiện bắt buộc phải lắp đặt bình chữa cháy trên xe, dường như quy định này “quên” không đề cập tới việc các chủ phương tiện cần phải có kiến thức về phòng cháy chữa cháy.
Anh Nguyễn Minh Đoàn, chuyên viên kỹ thuật của Gara ô tô Hải Yến (Hải Dương) cho biết: “Với đám cháy 3-4 lít xăng thì phải dùng bình chữa cháy bột loại 4 đến 8kg và phải thực hiện đúng kỹ thuật mới có khả năng dập tắt đám cháy, nên việc trang bị các bình chữa cháy nhỏ chỉ mang tính hình thức.
Bình dạng bột 4kg xuất xứ Trung Quốc có chiều dài 48cm và cân nặng 25kg quá to và nặng để bố trí ở một vị trí thích hợp bên trong xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ”.
Cũng theo chuyên viên kỹ thuật này, quy định bắt buộc mang bình chữa cháy trên xe 4 chỗ ngồi là điều hoàn toàn thiếu thực tiễn. Bởi phần lớn các dòng xe đều không thiết kế cho việc lắp đặt bình chữa cháy trên xe.
Hơn nữa, việc không quy định cụ thể vị trí lắp bình chữa cháy trong Thông tư sẽ dễ phát sinh những tình huống mất an toàn. Đơn cử như việc lắp đặt bình chữa cháy tại vị trí hộc cửa xe ô tô, nếu không chú ý bình chữa cháy hoàn toàn có khả năng va chạm gây nổ.
Hoặc giả sử, nếu để bình chữa cháy ở vị trí dễ lăn ra ngoài, chèn vào chân phanh cũng rất dễ gây ra tai nạn bất ngờ.
Nhân viên cửa hàng bán bình chữa cháy tại TP HCM lắp đặt bình chữa.
Cần xem xét trên khía cạnh pháp lý
Có điều đáng lưu ý là, trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ký gửi Bộ Công an góp ý kiến cho Thông tư 57, Bộ này đã đề nghị Bộ Công an xem xét lại cơ sở khi ban hành Thông tư. Nói cách khác, việc ban hành Thông tư 57 cũng chưa có sự nhất quán từ phía các cơ quan nhà nước.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng không có khuyến cáo các chủ phương tiện về việc bắt buộc phải có bình chữa cháy trên xe ô tô 4 chỗ ngồi mới cho phép đăng kiểm phương tiện.
Đó là về phía các cơ quan nhà nước, xét riêng việc thực hiện trang bị bình cứu hỏa cho xe ô tô hiện cũng đang gặp nhiều vướng mắc từ phía các chủ phương tiện và cơ quan chức năng.
Cụ thể, nếu đối chiếu theo quy định, hoạt động xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống cháy nổ thuộc thẩm quyền của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, kiểm tra và yêu cầu dừng phương tiện lại thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông.
Cần phải nhấn mạnh rằng, hai cơ quan này tách biệt nhau về chức năng, nghiệp vụ nên việc họ sẽ phối hợp khi tiến hành kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không lắp đặt bình chữa cháy ra sao hiện vẫn chưa có lộ trình triển khai.
Đồng quan điểm này, trả lời trước báo giới, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Nghi, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, chuyên gia trong lĩnh vực cháy nổ cho biết: “Mọi biện pháp cần có sự chuẩn bị, kể từ các hãng xe khi người ta thiết kế, nơi sản xuất ra bình chữa cháy cũng phải tính toán lại sao cho phù hợp, khi đó hiệu quả mới có.
Như thế chúng ta cần phải có thời gian, lộ trình từ thiết kế xe, chế tạo bình đến việc tập huấn cho người dùng… Chuẩn bị tốt thì chủ trương mới có hiệu quả. Trái lại, nếu làm vội vã, thiếu chuẩn bị nhiều khi đem lại hiệu quả ngược”.
Thiết nghĩ, mục tiêu xây dựng Thông tư là hướng tới việc qui định để đảm bảo an toàn cho người dân về tính mạng, tài sản và việc đảm bảo an toàn cháy nổ là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc ban hành cũng cần sự thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.
Ngoài ra, khi ban hành quy định, cơ quan chức năng cũng nên có những hướng dẫn cụ thể về vị trí, cách lắp đặt, chất lượng cũng như hướng dẫn, tư vấn cho người dân cách sử dụng… nếu thực hiện đầy đủ theo một lộ trình như vậy, tin chắc quy định lắp đặt bình chữa cháy trên xe ô tô sẽ không gây nhiều sự tranh cãi như hiện nay.
Không chỉ dừng lại từ những bất cập, sự lo lắng của người sử dụng phương tiện còn liên quan đến chất lượng bình chữa cháy có được đảm bảo khi mang trên xe ô tô khi mới đây nhất, ngày 6/1/2016, Phòng An ninh Kinh tế - Công an TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng đã khám phá, bắt giữ một cơ sở tư nhân có hành vi sản xuất bình chữa cháy giả tại quận Hoàng Mai – Hà Nội. Đáng lo ngại ở chỗ, theo chủ cơ sở này khai nhận, bản thân đã đi thu mua vỏ bình chữa cháy trôi nổi trên thị trường, sau đó mang về xưởng “mông má”, bơm thành phần hóa chất vào như bình mới và tiêu thụ ra thị trường với giá rẻ.
Sơn Bình