Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10736
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Cả đời cúi mặt làm than, cận kề nguy hiểm rình rập
Có mặt tại vỉa khai thác than số 8, xã Cuối Hạ (Kim Bôi – Hòa Bình) giữa trưa nắng gắt mới thấu hiểu được cuộc sống vất vả của những người làm cái nghề phu than cơ cực này. Giữa tiếng máy nổ, máy khoan ầm ĩ, mù mịt khói bụi, những người thợ Cuối Hạ vẫn miệt mài làm việc. Họ bất chấp không khí ngột ngạt, nguy hiểm đến tính mạng, chấp nhận làm những phu than “ba không”...

Cả đời cúi mặt làm than

Từ lâu, nghề than đã trở thành cái nghiệp nuôi sống nhiều gia đình ở xã Cuối Hạ. Có thời điểm, cả xã có vài chục lò than hoạt động ngày đêm. Ít năm gần đây, việc khai thác tại các hầm lò diễn biến khá phức tạp, số lượng các lò than hoạt động trên địa bàn vẫn còn nhiều. Cũng vì lẽ đó, dù biết tác hại của khí thải ở các lò than ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình, nhưng nhiều người vẫn quyết theo nghề để mưu sinh.

Anh Bùi Văn Thủy (xóm Vọ, xã Cuối Hạ) đưa chúng tôi đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của người lao động. Đến dãy nhà dựng cột thép lợp tôn, xung quanh quây bằng những tấm ni-lông, bên trong là một dãy phản được kê tạm bợ làm chỗ ngủ. 

Anh Thủy chia sẻ: “Trước đây, tôi vốn là công nhân làm ở vỉa than số 8, sau do sức khỏe yếu nên được bố trí làm ở bộ phận hậu cần. Mọi người phải ra ngoài khu hầm than, chỗ anh em chúng tôi làm việc, mới thấy hết nỗi cực nhọc của cái nghề này. Nhưng vất vả vẫn còn hơn là không có việc. Vì có việc thì mới có thu nhập để lo cuộc sống gia đình”.

Tại khu khai thác than, những công nhân cả nam và nữ đang oằn mình xúc những xẻng than nặng lên xe tải. Bất chấp cái nắng nóng, lưng áo đẫm mồ hôi, tất cả họ vẫn miệt mài, khẩn trương với công việc. Bỗng có tiếng hô to từ trong khu cửa hầm vọng  ra: “Chú ý, khu vực này nguy hiểm”. Ngay lập tức, mọi người dừng công việc và tản ra xa khu cửa hầm. 

Chị Nguyễn Thị Liên (45 tuổi) đưa chiếc khăn lau mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, tâm sự: “Cực lắm các cô à. Gia đình tôi có hai cháu đang độ tuổi ăn học. Vợ chồng tôi chủ yếu làm nông nghiệp, mỗi khi xong vụ, tôi lại đến xin làm tại hầm than này, làm việc để kiếm thêm chút tiền lo cho các con ăn học. Tất cả cũng vì con cái cả thôi, chứ mấy ai muốn gắn bó với cái nghề cực nhọc này, có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng bất cứ lúc nào”.

Được biết, những công nhân ở đây trung bình đều làm việc từ 8 đến 10 tiếng/ngày, họ được chủ trả 100.000 - 200.000 đồng/người/ngày tùy theo năng suất lao động. Nếu ai bị ốm mệt, sẽ phải nghỉ việc mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào . Công việc vất vả, nguy hiểm như vậy nhưng trang thiết bị bảo hộ lao động của những công nhân nơi đây lại cực kỳ thiếu thốn, họ chủ yếu là tự trang bị. Trước điều kiện làm việc cực nhọc, tiền công ít ỏi, những người bám nghề phu than còn phải ngày ngày đối mặt với việc hầm lò có thể nổ sập bất cứ lúc nào.

Anh Quách Công Phương (xóm Pang, nạn nhân thoát chết trong vụ nổ hầm lò) buồn rầu nói: “Tôi đi làm than từ khi 15 tuổi, công việc khai thác than trong hầm lò là loại công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm bậc nhất. Tuy nhiên, tính ra ngày công cũng chẳng đáng là bao. Lời lãi nhiều cũng chỉ là chủ lò thôi. Chúng tôi cũng chỉ đủ ăn trong khi đó nguy hiểm luôn rình rập, nếm vị đắng chát của mồ hôi”.
 
 
Ảnh: Hoàng Hà

Cận kề nguy hiểm rình rập

Số liệu thống kê của Phòng LĐTB&XH huyện Kim Bôi, tính từ năm 2010 đến hết tháng 5/2015 tại xã Cuối Hạ khiến không ít người giật mình. Theo đó, ở địa phương này tổng số có tới 7 vụ nổ khí metan tại các hầm lò, làm chết 14 người, 5 người bị thương nặng. Điều đặc biệt, hầu hết các vụ nổ khí này tập trung chủ yếu tại vỉa 8 thuộc xóm Vọ. 

Người dân xóm Vọ còn nhớ như in ngày 30/12/2010 tại vỉa khai thác số 8 đã xảy ra vụ tai nạn nổ khí metan làm 3 người chết tại chỗ. Chỉ hơn 1 năm sau cũng chính tại đây lại tiếp tục xảy ra một vụ tương tự khiến 1 người tử vong. Đỉnh điểm của sự hoang mang xảy ra vào  khoảng 10 giờ sáng, ngày 29/10/2013 cũng tại “vỉa 8 tử thần” này. Vụ nổ khiến 2 người tử vong tại chỗ, 4 người còn lại được cấp cứu. 

Liên tiếp những vụ nổ khí metan xảy ra, người dân bắt đầu hoảng sợ nhưng vì miếng cơm manh áo nhiều người vẫn phải làm liều. Anh Bùi Văn Hưng, một nạn nhân chia sẻ: “Đúng là đã xảy ra rất nhiều vụ nổ khí metan nhưng nhiều người vẫn chưa sợ. Vừa rồi vào ngày 24/4/2015 cũng tại vỉa số 8, xóm Vọ lại xảy ra một vụ nổ khí metan làm 4 anh em bị thương rất nặng”. 

Theo tìm hiểu, mỏ than xóm Vọ, xã Cuối Hạ thuộc quyền quản lý của Công ty CP khoáng sản Kim Bôi. Tuy nhiên, mới đây do khai thác không đạt hiệu quả, công ty đã có đơn xin dừng khai thác. Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện tình trạng, những người thuộc địa bàn khác về khu vực khai thác lén lút. 

Dù nhiều lần UBND xã và các ngành chức năng đã đình chỉ, tổ chức lực lượng truy quét, thu hồi máy móc, phương tiện khai thác, dùng đá lấp, đánh sập cửa hầm, lò khai thác… nhưng các nhóm này vẫn không chịu bỏ cuộc. Đặc biệt, các đối tượng này còn đào hố cho máy móc xuống đó rồi lấp đất lên để tránh sự tuần tra của chính quyền. Ban ngày họ trốn lên rừng, khi đêm đến lại cho máy lên và khai thác. 

Ông Bùi Thanh Hiệu, phó chủ tịch xã Cuối Hạ cho biết: “hiện nay toàn xã có khoảng 60 – 70 % người dân làm nghề phu than, những người dân trong xã đều làm thủ tục hành chính, khai báo thông tin đầy đủ, còn những người khu vực khác thì đa phần không khai báo tạm trú, tạm vắng. Qua sự phản ánh của người dân, nhiều lần xã đã cử công an viên đến kiểm tra tại các hầm lò khai thác không tuân thủ đúng quy định. Tuy nhiên, hầu hết đều bị xóa hiện trường, những đối tượng vi phạm liên tục bỏ chạy lên đồi, gây nhiều khó khăn cho chính quyền trong công tác quản lý”.

Tại hầm than, một công nhân một tay cầm chiếc đèn dầu, tay còn lại cầm chiếc xẻng, không có bất cứ đồ bảo hộ lao động nào đi vào sâu bên trong hầm. Chứng kiến cảnh làm việc của những người phu than ở đây, chúng tôi không khỏi ái ngại cho số phận và cầu mong mọi sự bình an luôn đến với họ. 

Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, anh Bùi Văn Thủy  giải thích: “Chúng tôi là người lao động làm thuê, không được học, trang bị kiến thức về an toàn lao động, chủ yếu là người cũ dạy người mới. Ngày mới vào nghề này, tôi được các đàn anh đi trước nhắc nhở trong quá trình làm việc phải luôn cẩn trọng, không được phép lơ là, bởi chỉ một chút lơ là thì tai nạn có thể xảy ra ngay. Biết là thế nhưng nhiều khi mệt quá cũng xao nhãng đi, may là chưa có sự cố gì lớn xảy ra. Thôi thì mặc kệ cho số phận vậy”.

Việc bất chấp nguy hiểm tham gia khai thác than trái phép và nguy hiểm hơn với hình thức làm công “3 không”, không ký hợp đồng, không có bảo hộ lao động, không nghỉ lễ đang ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Vì sự an toàn tính mạng của người lao động, rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm điều kiện làm việc của công nhân nơi đây. Có như vậy, mới hạn chế được những vụ tai nạn thương tâm từng xảy ra ở Cuối Hạ.
Tin bài liên quan
Loading...