Một kết quả nghiên cứu cho biết, người ta có thể tránh được nhiều loại ung thư bằng một lối sống cân bằng và khoa học.
Một kết quả nghiên cứu cho biết, người ta có thể tránh được nhiều loại ung thư bằng một lối sống cân bằng và khoa học. Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 35% trường hợp ung thư là do nguyên nhân của chế độ ăn uống hàng ngày, 30% do thói quen xấu, 10% do yếu tố nội tiết di truyền... Như vậy, bệnh ung thư có thể phòng ngừa được nếu chúng ta thực hiện dinh dưỡng hợp lý, bỏ thói quen xấu có hại cho sức khỏe, tập thể dục thường xuyên.
Một kết quả nghiên cứu cho biết, người ta có thể tránh được nhiều loại ung thư bằng một lối sống cân bằng và khoa học.
Ăn uống cân bằng và đa dạng
Các bữa ăn cần có đủ các nhóm thực phẩm, trong đó thực phẩm có nguồn gốc thực vật đóng vai trò chính yếu. Giảm ăn các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò thay bằng các loại thịt trắng từ gà, cá, hải sản. Thường xuyên dùng rau quả tươi 500g/ngày - rau quả phân theo tỷ lệ 8 phần là rau, 2 phần là trái cây. Sữa và các loại thực phẩm chế biến từ sữa nên dùng hàng ngày.
Không nên ăn quá no, ăn chậm nhai kỹ. Hãy dành 20 phút cho mỗi bữa ăn. Khi nhai nhiều giúp thức ăn được nghiền kỹ, tiết dịch vị. Như thế thức ăn khi xuống dạ dày sẽ được tiêu hóa tốt và hấp thu nhiều chất bổ dưỡng.
Chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp; hạn chế thức ăn chiên, xào, rán hoặc nướng cháy. Thức ăn nấu chín ở nhiệt độ vừa phải, không dùng lại dầu mỡ đã qua chiên xào. Ưu tiên chất béo lành như dầu oliu, đậu nành, hướng dương... thay cho chất béo từ mỡ động vật.
Thực phẩm cần được bảo quản để tránh nấm mốc phát triển gây ung thư.
Duy trì cân nặng
Không nên phát triển tình trạng tăng cân nhưng cũng không nên để cơ thể gầy yếu.
Tiêu chuẩn cân nặng của 1 người là chiều cao trừ đi 105 hoặc độ cao trừ 100. Nếu bạn cao 1,55m, trừ 100, tức là 55kg, nghĩa là cân nặng của bạn tốt nhất đừng ít hơn hoặc quá 60kg; lý tưởng hơn nữa là bạn trừ đi 105 nghĩa là 50kg.
Người ta ước tính có tới 20-30% các loại ung thư phổ biến có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì, đặc biệt ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh, ung thư tử cung, ung thư đại tràng. Béo phì và thừa cân còn làm tăng nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân ung thư, ước tính ở nam là 16% và ở nữ là 22%.
Tập thể dục đều đặn
Một chế độ ăn uống cân bằng, tăng cân, giữ cân hay giảm cân phải luôn đi kèm với một giờ đi bộ mỗi ngày và một giờ tập thể dục trong tuần.
Loài người trải qua hàng ngàn năm để chuyển hóa từ vượn thành người, toàn bộ kết cấu của cơ thể đều nhằm phục vụ cho việc đi bộ, cho nên môn đi bộ là môn thể thao tốt nhất chứ không phải là golf, bowling hoặc bơi lội. Vì vậy hãy kiên trì đi bộ, liệu sức mà tập và bận cũng phải rèn luyện thể lực. Tập thể dục đều đặn làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng tới 50%, giảm nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên còn giúp cải thiện và kéo dài chất lượng sống của những bệnh nhân ung thư.
Bỏ thói quen xấu
Uống rượu: Các thức uống có cồn làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư khoang miệng, thanh quản, gan, vòm họng và thực quản.
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá gây ra khoảng 30% các loại ung thư. Trong khói thuốc lá có tới 60 chất gây ung thư, những người tiếp xúc với khói thuốc lá hít phải đều rất nguy hại, đặc biệt đối với trẻ em, ngoài nguy cơ mắc ung thư còn mắc các bệnh lý về đường hô hấp.
Sinh hoạt tình dục không lành mạnh: Nhiễm virut u nhú (HPV) gây ung thư cổ tử cung, âm đạo.
Xem nhẹ thiết bị
bảo hộ lao động: Khi tiếp xúc với hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, dioxin là những hóa chất được sinh ra từ quá trình sản xuất giấy, rác thải bệnh viện, nấu kim loại, thuốc diệt côn trùng, diệt nấm... cần có thiết bị bảo hộ phù hợp. Tỷ lệ mắc ung thư máu, ung thư dạ dày, ung thư phổi, não... ở những người tiếp xúc với hóa chất này cao hơn nhóm người không tiếp xúc.
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ
Ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng. Đối với nam giới thì ung thư dạ dày và ung thư thực quản chiếm ưu thế ở những người nghiện rượu, ung thư phổi có nhiều ở những khu công nghiệp và những người nghiện thuốc lá nặng. Đối với phụ nữ thì ung thư vú nhiều nhất, sau đến ung thư cổ tử cung.
Dự phòng bệnh ung thư bằng việc ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn, cai thuốc, bớt rượu... và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ đặc biệt quan trọng. Bệnh ung thư có thể phát hiện sớm dựa vào các xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện một số bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng... Phát hiện sớm ung thư có thể điều trị hiệu quả và ít biến chứng.
Cho tới nay, các ngành như sinh học phân tử, vật lý phóng xạ đã có những bước tiến đáng kể cùng với sự ra đời của các trang thiết bị y tế hiện đại, nhiều nghiên cứu khoa học cũng như các thuốc mới đã góp phần đáng kể trong việc điều trị ung thư, giúp chúng ta nhìn nhận ung thư một cách lạc quan hơn, tránh quan niệm sai lầm là ung thư không phòng và chữa được.
BS. Phạm ĐìnhTuấn/Nguồn SKĐS