- Chúng ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ để xây chùa, để học thiền, để truyền bá thiền học nhưng chúng ta lại phá vỡ sự yên tĩnh thông thường của con người, đấy có phải là ngốc nghếch không? Bản chất của thiền học là tạo ra sự yên tĩnh tinh thần, chúng ta rất tôn trọng Phật giáo, tôn trọng thiền học nhưng lãng quên việc tôn trọng sự yên tĩnh, ông Nguyễn Trần Bạt chia sẻ.
Làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui? Ảnh: Hồng Vĩnh.
Một góc nhìn khác, chúng ta rất yêu nhà máy nhưng không quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Không ai đặt ra câu hỏi về hiện tượng ấy cả. Tại sao chúng ta không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, không quan tâm đến người tiêu dùng mà lại quan tâm đến công nghiệp hóa, quan tâm đến nhà máy. Công nghiệp hóa để làm gì? Để chế tạo sản phẩm. Chế tạo sản phẩm để làm gì? Để bán. Bán cho ai? Bán cho con người. Chưa đề cao con người, không quan tâm đến sản phẩm phục vụ con người, nhưng lại quan tâm đến công nghiệp hóa, không quan tâm đến sự yên tĩnh xã hội nhưng lại quan tâm đến thiền học, quan tâm đến Phật giáo, điều đó có vô lý không? - ông Nguyễn Trần Bạt bày tỏ quan điểm riêng.
Xuân Ba: Anh Bạt ạ, nếu có người nói anh… chém gió thì anh có giận không? Chúng sinh có cảm giác một khoảng cách giữa những cao đàm khoát luận từ một tòa sen và thực tế phũ phàng?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi nói chân lý, nói lẽ phải, nói sự thật. Nếu không nói những điều như tôi nói thì không có công cụ tạo ra sự yên tĩnh. Người ta còn đang nhốn nháo vì người ta chưa thức tỉnh về những điều mà tôi nói. Nếu anh đến đây gặp tôi mà tôi cũng nói những điều nhộn nhạo như những người khác nói thì đến làm gì? Có thể hôm nay mọi người thấy tôi nói những chuyện cao sang, trời ơi đất hỡi, nhưng nếu người ta đi tìm sự thật đích thực thì người ta sẽ phải đến chỗ tôi hoặc na ná như tôi. Còn thích bình dân các tư tưởng cũng được thôi. Nhưng anh nên nhớ bình dân hóa là một trong những nguyên do kéo lui sự tiến bộ. Người ta có bình dân hóa đức Phật không? Có bình dân hóa Chúa Giêsu không? Đức Phật hay Chúa Giêsu có bận comple thắt nơ được không? Chân lý buộc phải có một bộ áo khoác phù hợp với nó. Chân lý không giả vờ giả vịt để mặc những bộ quần áo thường dân. Chân lý là cái con người phải vươn lên để gặp nó chứ chân lý không cúi xuống để chiếu cố đến mọi người.
Ông Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Nguyễn Hiếu.
Xuân Ba: Nhưng sốt ruột thuộc phạm trù và lĩnh vực của số đông cứ nhăm nhăm đi tắt với những đón đầu, thưa anh?
Nguyễn Trần Bạt: Nhân loại đã tiếp cận đến chân lý cao siêu hơn những gì tôi nói nhiều. Nhiều nhà triết học vĩ đại hơn tôi một triệu lần. Nhiều người thiêng liêng cao quý hơn tôi hàng nghìn lần và nhiều dân tộc đã tiếp cận được những điều như thế thì tại sao bắt tôi mặc bộ quần áo
bảo hộ lao động cho những chân lý ấy để cho nó có vẻ quần chúng. Chân lý là cái mà con người cần phải tìm đến, chân lý không có nghĩa vụ tìm đến từng người. Vì người ta vẫn có thói quen là chờ chân lý đến gõ cửa nhà mình, cho nên chân lý trở thành kẻ ăn xin đối với nhiều đối tượng. Tôi không gõ cửa bất kỳ ai để xin người ta sử dụng các chân lý, tôi cũng không phải là người tạo ra chân lý, tôi chỉ là người nói về nó. Tôi không có quyền mặc cho chân lý bất kỳ bộ quần áo bảo hộ lao động nào cho nó có vẻ dân dã. Sở dĩ tôi sử dụng ngôn ngữ gần với bình dân là vì tôi chỉ có trình độ sử dụng cái ngôn ngữ ấy thôi. Tôi không phải là người đủ trí tuệ để sử dụng hệ thống ngôn ngữ cao hơn thì tôi buộc phải sử dụng cái ngôn ngữ vừa phải. Con người đi tìm chân lý chứ chân lý không đi tìm con người. Và khoảng thời gian cần có để thức tỉnh là cần thiết cho bất kỳ ai và bất kỳ dân tộc nào. Đừng sốt ruột.
Xuân Ba: Và phải có những phương tiện để khuyến khích những tín đồ hành hương tới thánh địa chân lý?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi cũng không nghĩ rằng quá ít. Nhưng cũng có thể nó ít thật vì người ta không khuyến khích nó. Không có một dân tộc nào làm thơ nhiều như Việt Nam. Chúng ta có cả câu lạc bộ thơ ở phường, người ta khuyến khích làm thơ, thơ con cóc cũng làm, cho nên có nhiều nhà thơ. Nhưng người ta không khuyến khích sinh hoạt tư tưởng, vì thế cho nên chúng ta có ít nhà tư tưởng. Vai trò của nhà nước rất quan trọng. Nhà nước khuyến khích cái gì thì cái đấy trội. Ít nhà tư tưởng thì cũng có cái khó mà nhiều quá thì cũng có cái khó bởi vì khi đó sẽ có nhiều nhà giả tư tưởng. Mọi cái đều có cái khó của nó cả.
Xuân Ba: Anh từng nói, những thay đổi phải bắt đầu từ nơi quyền lực bắt đầu, vậy có thể tạo ra thay đổi bằng cách tạo sức ép?
Nguyễn Trần Bạt: Sức ép là cách mà con người tác động vào quyền lực chứ cũng không phải là tác động đến chỗ khác. Sức ép mà tác động vào chỗ không quyền lực thì cũng không có ích gì. Sức ép là phương tiện chứ không phải mục tiêu, mục tiêu là sự thay đổi. Sức ép cũng có nhiều loại, nói những điều như tôi nói cũng là một loại sức ép. Mỗi một người tạo ra sức ép bằng cách của mình. Các nhà báo thì tạo sức ép kiểu báo chí, còn tôi là một người nghiên cứu thì tôi tạo sức ép kiểu nghiên cứu. Phải có sức ép thì mới chứng tỏ xã hội đang sống chứ không phải đã chết. Sức ép không phải xuất phát từ sự khuyến khích của tôi hay của các anh, sức ép là do tác động của các chính sách vĩ mô đến đời sống con người. Cho nên tôi muốn các ký giả phải đến chỗ những người hưởng thụ các chính sách, ví dụ sinh viên, người sử dụng lao động. Và muốn hỗ trợ xã hội thì phải xông đến cả chỗ tạo ra nguồn gốc của quyền lực nữa, nhất là trong vấn đề giáo dục.
Xuân Ba: Theo anh, Bác Hồ rất nhiều lần nói về giáo dục, điều tâm đắc của anh là gì?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi không thuộc tuýp sưu tầm xem Bác Hồ nói những gì về giáo dục. Nhưng tôi nghĩ rằng Cụ là người tự học, nhưng Bác biết nhiều thứ hơn rất nhiều người được học đầy đủ. Và như vậy thông điệp mà Bác Hồ muốn nói với thế hệ trẻ là: tự học là chính. Tôi cũng là một người tự học.
Quan điểm về giáo dục của Hồ Chí Minh là nâng cao dân trí phổ thông, cho nên Bác khuyến khích bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục. Tức là Bác quan tâm đến sự có học của xã hội. Còn ở tầng cao thì Bác quan tâm đến chuyện khai thác một cách có hiệu quả những người được giáo dục, được đào tạo. Ví dụ, giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Lê Văn Thiêm, giáo sư Ngụy Như Kon Tum, giáo sư Nguyễn Văn Huyên, giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Trần Hữu Tước... đấy là những người Cụ Hồ kéo từ nước ngoài về. Tức là tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải phổ cập giáo dục để nâng cao dân trí, phải sử dụng một cách trân trọng những đỉnh cao của trí tuệ người Việt. Đấy là thông điệp của Bác.
Xuân Ba: Anh cảm nhận và diễn dịch thông điệp ấy thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng, là một lãnh tụ thì phải như thế, phải quan tâm đến tính chất phổ cập, quy mô xã hội của giáo dục, của dân trí, đồng thời phải quan tâm đến sản phẩm cao cấp của nền học vấn nhân loại. Bây giờ mà mọi người đều quan tâm đến chuyện ấy thì không có chuyện bắt giáo viên ký hợp đồng với ông hiệu trưởng mà lại không công bố ông hiệu trưởng phải ký hợp đồng với ai. Đã trân trọng con người thì sự trân trọng ấy là cội nguồn của mọi chính sách. Không nên làm những việc lăng nhục như đi xin tiền tết cho họ chẳng hạn... Nhiều người trong chúng ta sử dụng người khác như một ví dụ để quảng bá về sự từ thiện của mình chứ không phải là tình yêu của mình đối với con người. Con người có trước chính trị, con người cao hơn chính trị. Chính trị là do những người cầm quyền tạo ra, còn con người được tạo ra bởi đấng Tối Cao. Vừa rồi, chúng ta mới thực thi chính sách hỗ trợ người nghèo trong khủng hoảng kinh tế mà đã phát hiện ra tham nhũng trong khu vực ấy rầm rầm, rộ rộ. Một hệ thống sử dụng con người có chất lượng như thế mà đòi hỏi có giáo dục đẳng cấp quốc tế thì có vô lý không?
Tóm lại cuộc ngồi hôm nay, với tư cách là một người nghiên cứu tôi mong giới nghiên cứu và các ký giả các anh nữa, phải sớm có những chương trình khảo cứu. Nên tiệm cận một cách khoa học tới 3 đối tượng mà tôi đã nói. Đó là tiếng nói thực sự của những người nắm giữ quyền lực chính trị trong xã hội Việt Nam, tiếng nói của người sử dụng lao động và tiếng nói của sinh viên. Hiện nay báo chí không nhắc đến 3 loại tiếng nói này mà chỉ có mỗi sự cãi cọ của những trí thức đã về hưu với những người đang nắm quyền quản lý. Cái đó phản ánh một cuộc chiến tranh lạnh giữa các thế hệ phụ trách giáo dục chứ chưa hề phản ánh sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục.
Xuân Ba: Xin cảm ơn học giả Nguyễn Trần Bạt.
“Tôi không bắt những điều tôi nói phải mặc bộ quần áo bảo hộ lao động vì như thế là vô lý, là không công bằng. Chân lý không thèm giả vờ giả vịt. Chân lý mà phải giả vờ giả vịt thì không còn là chân lý nữa, người ta không tín nhiệm nó vì thái độ của nó nữa”. Ông Nguyễn Trần Bạt
Quan điểm về giáo dục của Hồ Chí Minh là nâng cao dân trí phổ thông, cho nên Bác khuyến khích bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục. Tức là Bác quan tâm đến sự có học của xã hội.
Ông Nguyễn Trần Bạt
X.B