Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10215
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

Vì sao năm nay phải chú ý cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề và trong sản xuất nông nghiệp? Các báo cáo khảo sát đã chỉ ra một cách thực tế rằng, ở những nơi này, điều kiện làm việc của người lao động chưa được tốt, thường xảy ra mất an toàn lao động dẫn đến chết người hoặc hư hỏng tài sản. Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì các khu vực sản xuất kể trên thường có tỷ lệ tai nạn lao động nhiều hơn ở khu vực sản xuất khác, do thiếu quan tâm hoặc ít đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

 

Hằng ngày, trên thế giới, có khoảng 5.000 người bị chết vì các tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Hằng năm, trên thế giới xảy ra 270 triệu vụ tai nạn lao động và 160 triệu trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó  có nhiều trường hợp xảy ra do việc sử dụng các chất độc hại nguy hiểm, nhất là việc dùng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, có tới năm triệu người bị ngộ độc bởi thuốc trừ sâu, trong đó, 40 nghìn người bị chết, chỉ riêng lĩnh vực này chiếm tới 50% số ca tử vong liên quan bệnh nghề nghiệp.

Theo Cục An toàn lao động (Bộ LÐ-TB và XH) năm 2003, cả nước xảy ra 3.896 vụ tai nạn lao động, trong đó 469 vụ có người chết; tổng số người bị nạn là 4.089 người, làm 513 người chết, bị thương nặng 1.124 người, tình trạng mất an toàn lao động gây chết người vẫn rất nghiêm trọng và có xu hướng tăng. Không những thế, cả nước còn xảy ra 2.519 vụ cháy, nổ, làm chết 137 người, bị thương 262 người. Thiệt hại do tai nạn lao động và cháy nổ tới hàng trăm tỷ đồng. Một số vụ nghiêm trọng đã xảy ra trong năm 2003 như: Vụ cháy nổ tại Công ty Long Tre (Tây Ninh) 100% vốn nước ngoài, làm chết 11 lao động, bị thương 45 người; vụ nổ bình hóa chất làm bỏng 16 lao động ở Công ty TNHH Kim Anh (Sóc Trăng); vụ đổ máy biến thế 300T khi đang lắp đặt tại công trình xây dựng Nhà máy điện Phú Mỹ 3 ở Bà Rịa - Vũng Tàu làm chết một chuyên gia nước ngoài, bảy lao động Việt Nam bị thương nặng; vụ điện giật làm chết bốn người, bị thương năm người khác trong khi dựng cột anten ở Ðồng Tháp; cháy tòa nhà ITC ở TP Hồ Chí Minh, cháy thuốc nổ trên xe khách ở Ðại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh) làm chết, bị thương nhiều người... Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2003, có 7.552 vụ ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, làm chết 214 người, chưa kể hàng nghìn người bị ngộ độc thức ăn do ăn các bữa ăn giữa ca tại các doanh nghiệp. Các lĩnh vực sản xuất để xảy ra nhiều vụ  tai nạn lao động là xây dựng; lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện; khai thác khoáng sản; sử dụng thuốc trừ sâu...

Nguyên nhân để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, trước hết là do nhận thức của người lao động còn kém, chủ sử dụng lao động còn chưa đầu tư đúng mức cho công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn bất cập.

Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, hiện nay, điều kiện làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, trong các làng nghề, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở nước ta là chưa được tốt. Một số cơ sở sản xuất, người lao động phải làm việc trong điều kiện không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, các yếu tố ô nhiễm chủ yếu là bụi, hơi, khí độc hại, tiếng ồn khá cao, thường là vượt mức cho phép. Nhiều cơ sở sản xuất không có hệ thống kiểm soát ô nhiễm, không có hệ thống xử lý bụi, khí độc, tiếng ồn, người lao động vì miếng cơm manh áo phải chịu làm việc trong điều kiện thiếu an toàn. Không chỉ là tai nạn trong điều kiện làm việc ô nhiễm như vậy, người lao động còn mắc khá nhiều bệnh nghề nghiệp, làm tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng năng suất chất lượng hiệu quả của công việc hoặc của sản phẩm. Số liệu điều tra tại 145 làng nghề với 38.417 cơ sở sản xuất cho thấy, có tới 50-63% số người lao động phải mang vác nặng khi làm việc, 61-96% số người lao động làm việc phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại, trong khi đó, các phương tiện bảo hộ lao động và cải thiện môi trường lao động không có, hoặc nếu có thì không đúng quy cách, chưa được cung cấp đầy đủ, và số đông người lao động không được học và không biết gì về an toàn vệ sinh lao động.

Thứ trưởng LÐ-TB và XH Lê Duy Ðồng cho biết: Chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, điều đó, đòi hỏi phải coi trọng an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ, nhấn mạnh phải bảo hộ người lao động, Nhà nước, cộng đồng xã hội, chủ doanh nghiệp, người lao động phải coi trọng việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Trước hết, phải nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm điều kiện an toàn, từng bước cải thiện môi trường làm việc; đưa các quy định của pháp luật lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động vào quy định của doanh nghiệp, trở thành một yếu tố trong hoạt động đầu tư, liên doanh, tuân thủ trong suốt quá trình sản xuất, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, có chế tài xử phạt nghiêm minh đơn vị, hoặc cá nhân vi phạm dẫn đến tai nạn lao động làm chết, bị thương người lao động, thiệt hại tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người lao động.

Tin bài liên quan
Loading...