Còn TS.BS Trần Hải Yến, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cho biết, những lao động làm việc trong môi trường nói trên ít nhiều đều mắc bệnh lý về mắt nếu không có bảo hộ lao động, kính mắt bởi vùng mắt rất nhạy cảm lại phải điều tiết liên tục trong môi trường ô nhiễm, khả năng nhiễm bệnh rất cao. Triệu chứng đầu tiên dễ nhận thấy là nhức mắt, mỏi mắt, đau mắt đỏ, các bệnh dị ứng về mắt, đau mắt hột...
TP Hồ Chí Minh hiện có gần 10 triệu dân. Mỗi ngày, thành phố thải ra khoảng 6.000-6.500 tấn chất thải rắn đô thị, trong đó, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 5.500 tấn/ngày. Số chất thải rắn sinh hoạt được thu gom mỗi ngày là khoảng 4.900-5.200 tấn và 700-900 tấn trong số đó được tái chế. Số chất thải rắn không được thu gom bị xả thẳng vào hệ thống kênh rạch, môi trường xung quanh. Theo thống kê, lực lượng thu gom rác dân lập đảm nhiệm thu gom hơn 60% lượng rác sinh hoạt ở TP Hồ Chí Minh nhưng chỉ 67,4% số lao động này được trang bị
bảo hộ lao động và hơn 90% số đó tự trang bị cho chính bản thân. Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, phụ trách Bộ môn Y học gia đình (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), có một thực trạng đáng buồn hiện nay là quy định về chăm sóc sức khỏe và các chế độ khác về y tế dành cho lao động vệ sinh môi trường không được nêu rõ. Các công trình nghiên cứu về loại hình lao động này cũng quá ít.
Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, lực lượng thu gom rác dân lập ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố được hỗ trợ đồ bảo hộ lao động theo địa bàn hoạt động (đường dây rác), không dựa trên cơ sở số lượng lao động thu gom rác.
Thu gom rác là công việc thường xuyên tiếp xúc với độc hại, nhưng hiện người thu gom rác ở các tổ chức dân lập vẫn chưa được hỗ trợ chế độ độc hại như công nhân của các công ty công ích. Họ không tiếp cận được các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT của người thu gom rác dân lập lần lượt chỉ đạt 5,1% và 16,7%. Trong số ít những người mua bảo hiểm nói trên, chỉ có 4,4% mua BHYT theo nghiệp đoàn, 12,1% mua qua hợp tác xã, 28,6% được hỗ trợ theo diện chính sách xã hội. Sở dĩ họ không tham gia mua BHYT là do không đủ điều kiện (19,9%), không biết về BHYT (21%), cảm thấy không cần thiết (20,7%)... Đáng nói hơn là gần 100% người thu gom rác dân lập chưa được tham gia BHXH, dù nhiều người có thâm niên làm việc đã lâu.
Cần chung tay, góp sức của cả cộng đồng
PGS.TS.BS Nguyễn Thi Hùng khẳng định, tất cả những công nhân làm vệ sinh môi trường phải được trang bị bảo hộ lao động đặc biệt, kèm theo chế độ an sinh xã hội đầy đủ. "Trước hết, phải có phương tiện bảo hộ tiêu chuẩn, những trang thiết bị, dụng cụ, xe chở rác chuyên dụng theo đúng tính chất, đặc thù nghề nghiệp, không thể tự chế để phục vụ cho nghề này", bác sĩ Hùng khẳng định. Các cơ quan chức năng cũng phải thường xuyên tuyên truyền giúp họ nắm vững kiến thức về sức khỏe để chủ động phòng tránh và theo dõi tình hình sức khỏe bản thân.
Còn theo TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, các cơ quan chức năng phải quan tâm và mua BHYT cho các lao động làm việc trong lĩnh vực này. Về lâu dài, cần tổ chức các chương trình thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho họ. Các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cũng nên quan tâm hơn nữa tới công nhân vệ sinh môi trường bởi chính họ đang chịu thiệt thòi cả về vật chất, tinh thần, lẫn sức khỏe để bảo đảm chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Bác sĩ Hiệp kiến nghị, thời gian tới, Nhà nước, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương xây dựng mô hình phòng khám, chữa bệnh chuyên khoa để có thể theo dõi, thăm khám tốt hơn cho các lao động nghèo.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nên tập trung giúp người thu gom rác tiếp cận với các loại hình và dịch vụ an sinh xã hội để bảo đảm sức khỏe, cuộc sống. Để làm được điều đó, cần đưa người thu gom rác dân lập trở thành thành viên của một tổ chức để dễ dàng tiếp cận các dịch vụ kể trên. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng năng lực đối thoại, giao dịch các tổ chức với chính quyền, chủ nguồn rác thải để bảo đảm chất lượng dịch vụ thu gom và quyền lợi của người thu gom. Chính quyền cần công nhận địa bàn hoạt động như tài sản của người thu gom rác dân lập nhằm bảo vệ quyền lợi và dễ dàng cho việc quản lý khi sang nhượng. Mặt khác, cần xác lập các cơ chế khuyến khích, chế tài hành chính một cách công bằng, hợp lý đối với các đối tác thuộc Nhà nước, tư nhân khi tham gia hoạt động vệ sinh môi trường. Các chuyên gia cho rằng, cần thí điểm mô hình quỹ hỗ trợ rủi ro như một nguồn hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp (cho vay hoặc hỗ trợ 100% đối với trường hợp đặc biệt) để giúp họ vượt qua những khó khăn, rủi ro.
Việc xã hội hóa thu gom rác thải đem lại nhiều mặt tích cực, vừa góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, vừa huy động được tất cả mọi thành phần tham gia, nhất là các đối tượng nghèo, giúp họ cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, để công tác xã hội hóa thực sự hiệu quả, rất cần các cơ quan chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm và quan tâm đầy đủ về chế độ, chính sách đối với nhóm đối tượng lao động trong môi trường đặc biệt này.