Lao động tự do là người ngoại tỉnh đến mưu sinh tại các thành phố lớn theo thời vụ, hoặc thời gian ngắn là một phần tất yếu trong xã hội hiện nay. Những người này làm đủ nghề, mọi lúc, mọi nơi nhưng hầu hết đều đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày...
Muôn nẻo Mưu sinh
Bốn giờ sáng, Vận, cậu xe ôm tôi hay đi có mặt ở ngoài cổng bến xe Giáp Bát chờ khách. Cậu bé vừa qua tuổi 18 được mấy tháng, nhìn già đanh, khô quắt đã hành “nghề” xe ôm hơn bốn năm. Ở trọ trong khu Giáp Nhị, với vài anh em cùng cảnh, Vận kể rằng mỗi tháng trừ tiền nhà, tiền ăn, tiêu pha chút đỉnh cũng còn dư một chút gửi bố mẹ ở quê Hà Nam nuôi em ăn học. “Bọn em đều tự quản nhau cả thôi, nghề này sợ nhất là ốm và tai nạn. Nghỉ làm một vài hôm là cầm chắc đói, ở ngoài bến không phải nộp phí nhưng ít khách, nhiều hôm nhìn thấy có người vẫy mừng rơi nước mắt”, Vận nói.
Gần 60 tuổi, anh Nguyễn Xuân Mai, quê ở Xuân Hòa (Xuân Trường, Nam Định) có thời gian làm lao động tự do ở Hà Nội gần 10 năm. Mấy anh em đồng hương thuê chung một căn phòng trọ để ngủ nghỉ, ngày ngày xách túi đồ nghề ngồi chờ việc ở khu đô thị mới Định Công. Các anh làm đủ việc, thượng vàng hạ cám, cốt sao kiếm được tiền. “Nó không khác gì đi câu, có hôm cũng được mối khá, hôm ngồi chơi dài. Giá như ở quê có nghề gì có thể làm ra tiền, anh em tôi đỡ phải đi lên đây làm gì...” anh Mai thở dài nói.
Phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có bến xe Giáp Bát và một số bệnh viện, trường đại học, cho nên số lượng người lao động tự do tập trung làm việc khá đông. Những người này chủ yếu làm nghề xe ôm hoặc buôn bán hàng rong. Theo số liệu của Công an phường Giáp Bát, tổng số lao động đăng ký tạm trú trên địa bàn dao động khoảng ba nghìn người, trong đó lao động tự do có tới gần một nghìn. Nhưng để nắm thật chính xác, nắm đủ số lao động thì gần như là việc bất khả thi, bởi con số này biến động liên tục.
Mỗi năm Hà Nội tiếp nhận hàng triệu lượt người đến tạm trú để làm việc một cách tự phát và tự do. Hầu hết họ đều ở trọ trong những căn nhà tồi tàn, thiếu tiện nghi ở các quận vùng ven mỗi tối để tờ mờ sáng hôm sau tỏa ra khắp các con phố, khu dân cư… tìm việc làm. Nhất là trong những dịp nông nhàn, ruộng vườn mới thu hoạch xong là lúc người lao động lên thành phố đông nhất. Đây cũng là thời điểm cơ quan chức năng vất vả nhất trong việc kiểm tra, xác định nhân, hộ khẩu. Tất nhiên, phần lớn người lao động có giấy tờ đăng ký tạm trú tại nơi đến nhưng một số lượng không nhỏ chỉ có chứng minh thư để xác minh nhân thân, thậm chí chỉ để làm tin cho chủ nhà trọ. Ngoài ra, ngay chính bản thân người lao động cũng chưa chủ động khai báo tạm trú, tạm vắng.
Có nhiều lý do, như đi làm thời gian ngắn, ở không cố định hoặc chỉ vì… ngại mà nhiều người không đăng ký tạm trú. Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động như chăm sóc về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động… Đã có nhiều trường hợp người lao động tự do bị tai nạn, mất cắp, bị bóc lột sức lao động... Đó là chưa nói đến những tệ nạn xã hội mà người lao động tự do có thể là nạn nhân và cũng có thể là thủ phạm.
Cần nhiều sự quan tâm
Chìa cho tôi xem bàn tay còn lại bốn ngón, Quý (Thanh Liêm, Hà Nam) kể đó là hậu quả của một buổi phá dỡ công trình lấy sắt thép phế liệu. Trường hợp của Quý chỉ là một trong vô số vụ tai nạn mà người lao động tự do gặp phải. Không bảo đảm an toàn, không trang, thiết bị bảo hộ lao động… là điều dễ thấy nhất đối với đại đa số người lao động tự do và vì vậy tai nạn là điều khó tránh. Thực tế cho thấy, hầu hết người lao động tự do đều làm việc, sinh hoạt trong môi trường vô cùng thiếu thốn, thậm chí nhiều nguy hại đến sức khỏe, tính mạng. Nơi ăn, chốn ở của người lao động cũng là điều đáng quan tâm. Hàng chục người ở chung trong một căn phòng chật chội, thiếu tiện nghi để tiết kiệm tiền thuê nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất vệ sinh. Bữa cơm của họ thường ở những quán ăn giá rẻ ven đường, nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn…
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã phản ánh những lo ngại đối với việc bảo đảm quyền lợi của người lao động tự do trên địa bàn các thành phố lớn. Hầu hết các địa phương, chính quyền mới chỉ làm được cái gọi là nắm nhân, hộ khẩu để phục vụ công tác quản lý, giám sát chứ chưa có sự chăm lo thiết thực đến đời sống, chính sách do không có cơ chế, chính sách đặc thù. Thậm chí, để nắm rõ những biến động của lao động tự do trên địa bàn cũng đã là điều quá sức với không ít chính quyền địa phương. Việc “khoán trắng” cho ngành công an, trong khi lực lượng này chỉ nắm về nhân, hộ khẩu tồn tại nhiều bất cập. Việc người lao động tự do kiếm việc tại các thành phố lớn, với số lượng không hề nhỏ, là một hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa nên việc sớm có các biện pháp, chính sách bảo đảm quyền lợi của họ cần được các ngành chức năng xem xét một cách nghiêm túc, có trách nhiệm.
“Chúng tôi lên thành phố để kiếm thêm lúc nông nhàn thôi, tự làm tự ăn chứ có thấy ai hỏi han, giúp đỡ gì đâu. Biết là vì cuộc sống cả nhưng giá mà được quan tâm, giúp đỡ thì tốt hơn chứ, nhất là những lúc đau yếu, tai nạn...”.
NGUYỄN XUÂN MAI (Xuân Hòa, Xuân Trường, Nam Định)
“Trách nhiệm của chúng tôi là nắm tình hình nhân, hộ khẩu, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy, mọi biến động nhân, hộ khẩu chúng tôi đều phải nắm rõ, nắm chắc để bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự. Để quản lý tốt cũng như bảo đảm quyền lợi lao động, họ cần được quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan, ban ngành khác”.
ĐOÀN KHẮC XUÂN Phó Trưởng Công an phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội
"...Nhà tôi có chín phòng trọ, đa số là lao động tự do và sinh viên ở. Tôi thực hiện đầy đủ, thường xuyên quy định như đăng ký tạm trú, tạm vắng vì nếu không các anh cảnh sát khu vực nhắc nhở ngay. Nhưng cũng nói thật, cuộc sống của các em, các cháu khó khăn lắm, có đứa đi làm còn chả đủ tiền ăn, lại phải vay mượn về quê, tôi còn chẳng lấy tiền trọ...".
LÊ THỊ TUYẾT Tổ 16, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội