Chỉ từ tháng 7 trở lại đây, có ít nhất 5 vụ tai nạn sà lan trên sông và trên biển, từ đó rung lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với cơ quan quản lý nói chung cũng như chủ phương tiện nói chung.
Thực trạng đáng lo ngại
Vào khoảng 12h ngày 25/7, sà lan mang số hiệu SG-5251, trọng tải 93 tấn, chở cát lưu thông trên sông Sài Gòn, hướng từ cảng Lotus (quận 7) về cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức). Khi đến gần nóc hầm vượt sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, quận 2) thì trời có mưa kèm giông lốc.
Vào thời điểm này, một chiếc tàu khác có trọng tải lớn lưu thông chiều ngược lại đã tạo ra sóng lớn gây tràn nước, đánh chìm sà lan SG 5251. Lúc này trên xà lan có 3 người gồm: anh Huỳnh Văn Hùng (32 tuổi, quê Long An, lái tàu), chị Trần Thị Mỹ Hà (vợ anh Hùng) và cháu Huỳnh Trần Bảo Châu (con anh Hùng).
Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người dân gần đó đã dùng ghe nhỏ nhanh chóng ra hỗ trợ. Ba nạn nhân trên sà lan được cứu. Nguyên nhân ban đầu vụ việc được xác định do tàu chở quá tải trọng cho phép.
Tiếp đó, vào hồi 17h30 ngày 13/8, chiếc sà lan mang số hiệu SG – 0010 do tài công Lê Thanh Hùng điều khiển, chở theo đá vôi đang lưu thông từ Ba Hòn, tỉnh Kiên Giang về cảng Cát Lái, TP.HCM. Khi tới ngã 3 sông Nhà Bè thì bị tàu Thanh Liêm 09, thuộc sở hữu của công ty TNHH TMDV vận tải xăng dầu Thanh Liêm đâm phải.
Vị trí xảy ra tai nạn là nơi có đông tàu thuyền qua lại
Cú va chạm mạnh khiến chiếc sà lan gần như ngay lập tức bị chìm xuống lòng sông, trong tình thế nguy cấp tài công Hùng, cùng 3 người khác có mặt trên sà lan là các anh Dương Văn Ngọn, Vũ Hùng Thắng, Vũ Văn Hoạt đã phải nhảy xuống sông.
Chiếc xà lan chỉ còn nổi một phần nhỏ phía đuôi
Rất may mắn khi đúng thời điểm này ca nô của công ty cứu hộ cứu nạn Đại Minh đi ngang qua đây, thấy sự cố xảy ra những nhân viên công ty này đã lập tức tiếp cận hiện trường sự việc và vớt 4 người lên ca nô an toàn.
Tại hiện trường, chiếc sà lan gần như chìm hẳn dưới lòng sông, chỉ một phần nhỏ phía đuôi nhô lên khỏi mặt nước. Trong khi đó tàu Thanh Liêm 09 không bị hư hỏng nào đáng kể.
Gần đây nhất, vào lúc 8h27’ ngày 14/12, Vietnam MRCC nhận được thông tin: Sà lan ĐN 0906 của Công ty Thượng Hải (trụ sở tại Biên Hòa – Đồng Nai) bị mất liên lạc khi đang đi đến khu vực cửa Định An (tỉnh Bạc Liêu).
Theo đó trên sà lan đang có 5 thuyền viên, chở 1.274 tấn cọc bê tông trên hành trình từ TP Hồ Chí Minh đến Bạc Liêu. Sà lan được xác định bị mắc cạn và mất liên lạc vào khoảng 11h ngày 13/12 tại vị trí cách cửa sông Tranh Đề - Cửa Định An, khoảng 13 km. Đây cũng là cuộc gọi cuối cùng từ sà lan, trong khi khu vực này có gió cấp 6, cấp 7.
Đến 15h ngày 13/12, tại vị trí cách hàng phao luồng cửa Định An (Bạc Liêu) khoảng 2km. Thời điểm đó 5 người có mặt trên sà lan đã mặc áo phao và nhảy xuống biển rồi trôi dạt cho đến khi được tìm thấy. Như vậy, đến chiều ngày 16/12 vẫn còn ba thuyền viên mất tích.
Xác định tính chất nguy cấp của vụ việc, Vietnam MRCC đã lập tức điều động tàu SAR 272 chạy từ Vũng Tàu để thực hiện tìm kiếm cứu nạn sà lan ĐN 0906. Cùng thời điểm này, tàu SAR 413 đang chốt chặn tại Hòn Chông – Kiên Giang cũng được lệnh chạy về cửa Cửa Định An tham gia tìm kiếm.
Tính đến sáng ngày 15/12 đã có 7 tàu (gồm tàu SAR 413 và SAR 272 của Vietnam MRCC; tàu BP 18.13.01 của Biên phòng Sóc Trăng; tàu BP 44.04.02 và tàu BP 44.07.01 của Biên phòng Bạc Liêu; và 02 tàu cá) tham gia tìm kiếm dưới sự chỉ huy hiện trường của tàu SAR 413.
Biện pháp phòng chống tai nạn lao động
Do đặc thù địa lý của Việt Nam nhiều sông ngòi, kênh rạch và bờ biển chạy dọc đất nước, chính vì vậy vận chuyển bằng sà lan đã trở thành một phương tiện hiệu quả không kém gì vận chuyển đường bộ trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, việc giám sát kỹ thuật các phương tiện này trước khi rời cảng còn khá lỏng lẻo và bị bỏ ngỏ. Những sự việc đáng tiếc vừa liệt kê ở trên cho thấy mức độ quan trọng của việc
Bảo hộ an toàn lao động bằng phương tiện sà lan.
Để mang lại sự an toàn trong quá trình vận chuyển, các chủ phương tiện cần lưu ý kiểm tra các thông số kỹ thuật (đối với sà lan hiện đại) và kiểm tra các bộ phận kỹ thuật ( đối với sà lan đã cũ) trước khi cho sà lan lưu thông trên sông biển. Đối với các sà lan chở vật liệu xây dựng như gạch, cát, đá, bê tông, cần kiểm tra tải trọng sà lan để không vượt quá quy định. Ngoài ra cần huấn luyện cho các thuyền viên kỹ càng về các kỹ năng lao động trên sà lan bao gồm: kỹ năng phòng vệ bản thân, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, các sà lan tư nhân cần đăng ký phương tiện với cơ quan chức năng để hai bên có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác cứu hộ cứu nạn, kiểm soát tải trọng lưu thông trên sông nhằm giảm tình trạng rủi ro trong quá trình vận chuyển bằng đường thủy.
Thanh Vân