Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10715
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Cảnh sát giao thông: Nghề và chính sách
Trong suy nghĩ của không ít người dân hiện nay, cảnh sát giao thông (CSGT) gắn liền với những tiêu cực. Tuy nhiên, nếu được chứng kiến công việc của các chiến sỹ đang làm trên đường, chắc chắn mọi người sẽ hiểu rõ hơn được nghề và nhìn nhận chính sách tương ứng với nghề của CSGT.
 
 
Chiến sỹ CSGT đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn và bảo đảm TTATGT

Làm việc xuyên đêm
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, để hạn chế được 3 tiêu chí tai nạn giao thông như trong thời gian vừa qua, một trong những nguyên nhân là nhờ có sự tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, do lực lượng CSGT còn mỏng, nên để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, anh em phải căng kéo, bám đường và nếu chia bình quân (chỉ tính riêng quốc lộ), mỗi chiến sỹ phải đảm đương 70km đường và chia nhau trực 24/24h.
 
Chia sẻ với ngành công an, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chia sẻ: “CSGT thường xuyên phải tham gia các chiến dịch an toàn giao thông, theo tôi, nếu làm cao điểm từng đợt thì được, chứ bắt anh em phải làm suốt như thế này thì không ổn”.
 
Đánh giá về lực lượng CSGT hiện nay, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho biết: “Biên chế hiện nay còn thiếu, các chiến sỹ liên tục phải làm thêm ngoài giờ, làm đêm. Chưa kể có việc đột xuất, hay những hôm có sự kiện lớn thì thời gian làm việc còn nhiều hơn. Ở các nước trên thế giới, khu vực đường xá bụi bặm, ô nhiễm, CSGT được trang bị khẩu trang, kính râm, hạ tầng được đầu tư tốt hơn, nhiều tuyến đường có hệ thống giám sát giao thông, chiến sỹ không phải đứng đường. Còn ở ta, trang thiết bị cho lực lượng còn thiếu, nên dùng sức người là chính”.
 
Giải thích rõ hơn về công việc của CSGT, đồng chí Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ-đường sắt (Cục CSGT đường bộ, đường sắt) chia sẻ: "Ở các địa phương, mỗi ngày các chiến sỹ phải làm việc 8 giờ/ca trực, chia làm 2 kíp trực, mỗi kíp 4 giờ. Kíp 1 từ 6h-10h và từ 14h-18h, kíp 2 từ 10h-14h và từ 18h-22h. Thông thường, mỗi chốt trực có 2 người, nên thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ, làm việc vào ban đêm. Chưa kể, khi xảy ra tai nạn giao thông thì CSGT luôn là người đến đầu tiên trong bất cứ điều kiện thời tiết khắc nghiệt nào”.
 
Nghề nguy hiểm
 
Đại tá Phạm Trung Hòa, Trưởng Khoa CSGT (Học viện Cảnh sát nhân dân) phân tích: “Do nhiệm vụ, các chiến sỹ CSGT thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng, tốt có, xấu có. Tôi rất đau xót khi vài năm gần đây có rất nhiều vụ việc các chiến sỹ CSGT bị hành hung, dọa giết và không ít chiến sỹ bị hy sinh khi làm nhiệm vụ”.
 
Điển hình, tại Hà Nội, chiến sỹ CSGT bị đối tượng vi phạm giao thông vác luôn chiếc máy cắt cỏ mang theo hòng sát hại. Và người chiến sỹ ấy đã bị chém đứt gân tay, gãy xương tay phải, rách mũi, rách má trái, gãy răng, sức khỏe bị tổn hại 28%.
 
Đau lòng hơn, ở Thừa Thiên-Huế, chiến sỹ CSGT đã hy sinh khi bị xe máy của đối tượng vi phạm đâm thẳng vào người. Hay trên đường đi tuần tra, chiến sỹ CSGT ở Đắk Lắk đã bị xe tải chạy ngược chiều tông trực diện khiến tử vong tại chỗ.
 
Theo Đại tá Phạm Trung Hòa, nghề CSGT không hề “an nhàn” như nhiều người vẫn tưởng: “Cùng với duy trì TTATGT, lực lượng CSGT còn tham gia vào việc triệt phá nhiều vụ buôn lậu, bắt giữ các đối tượng phạm pháp hình sự. Các tỉnh, thành phố có địa bàn giáp ranh, chung tuyến đường, CSGT còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để đấu tranh các chuyên án, đón lõng, bắt giữ các đối tượng buôn lậu, triệt phá nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, ma túy”.
 
Không chỉ thường xuyên đối mặt với sự hiểm nguy, CSGT còn dễ mắc các bệnh về hô hấp, thấp khớp hơn rất nhiều ngành nghề khác do đặc thù công việc của họ là thường xuyên phải làm việc ở nơi có nồng độ khói bụi cao, mức độ ô nhiễm môi trường lớn.  
 
Theo kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Bá Toại (Trường ĐH Xây dựng Hà Nộ), thì nồng độ bụi tại TPHCM vượt ngưỡng cho phép từ 5 đến 15%, nồng độ SO2 vượt từ 10 đến 30%, đặc biệt, các chất gây ung thư từ không khí như chì, 282-C39 benzene, NO2 vượt ngưỡng nhiều lần. Không khí ở Hà Nội luôn chìm trong bụi và khói xe, bởi tốc độ tăng bình quân các phương tiện giao thông tăng cao theo mỗi năm từ 15-20%, góp phần lớn vào việc phát thải độc hại.  
 
 
Do đặc thù công việc, các chiến sỹ CSGT luôn phải đối mặt với các nguy hiểm khi thi hành nhiệm vụ

Nói về các bệnh mà CSGT hay gặp phải, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Do phải thường xuyên làm việc ở ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm, bụi khói, dầm mưa dãi nắng nên các chiến sỹ CSGT rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp, thấp khớp...".
 
 
Còn theo Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật-Bảo hộ lao động, CSGT thường mắc các bệnh như viêm khớp, bệnh tai mũi họng, viêm xoang, việm tai, vẹo vách ngăn... CSGT khi làm việc thường xuyên phải chịu đựng căng thẳng, nên cũng mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp.
 
 Cần có chế độ bồi dưỡng phù hợp cho CSGT
 
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, tổng số tiền phạt lỗi giao thông thu về trong 11 tháng của năm 2013 đã nộp ngân sách hơn 2.000 tỉ đồng. Số tiền xử phạt này hiện nay theo quy định phải nộp cho Bộ Tài chính. Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế để bồi dưỡng cho CSGT làm việc trong ngày nghỉ, ngoài giờ... vì hiện nay, chế độ cho các CSGT rất ít ỏi.
 
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề xuất, nếu chuyển tiền phạt về Bộ Công an để cân đối, điều hòa sẽ thuận lợi hơn. Bộ trưởng cho rằng, có nguồn kinh phí này sẽ tăng bồi dưỡng cho CSGT trực tuần tra, đồng thời bù thêm vào xăng xe, mua thêm camera, xe tuần tra, máy đo độ cồn…
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu theo hướng số tiền phạt nêu trên để lại địa phương 30%, còn 70% đưa lên Trung ương và chi cho lực lượng Công an.
 
Luật Lao động ban hành ngày 18/6/2012, quy định rõ tại Điều 97: "Làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày”.
 
Việc chi bồi dưỡng xứng đáng cho CSGT là hết sức cần thiết, bởi họ phải làm việc trong môi trường có tính đặc thù riêng, hết sức vất vả, đồng thời cũng để CSGT tận tụy, tận tâm và trách nhiệm hơn với nghề.
 
Thanh Liêm
Tin bài liên quan
Loading...