Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10560
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Câu chuyện về tàu chợ, đường sắt cao tốc và metro
Dù rất bận nhưng Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN)- TS Nguyễn Hữu Bằng cũng dành thời gian cho chúng tôi. Câu chuyện giữa ông với chúng tôi chủ yếu là sự hoài niệm về một thời đã qua, những gian khó nhọc nhằn… cuối cùng lại quay về ước mơ xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) và metro.
 
Ông còn nhớ lần đầu tiên đi tàu hỏa?
 
- Đó là năm 1969, khi tôi đỗ đại học GTVT, từ Quảng Bình tôi đi ô tô ra Vinh, rồi từ Vinh ra Hà Nội bằng tàu chợ. Thời đó, miền Bắc mới có tàu hoả từ ga Vinh tới Hà Nội. Một chuyến tàu chợ rất đông. Đến ga Hà Nội, tôi phát hiện mình bị mất một chiếc dép cao su. Ở quê, lại chiến tranh, gia đình nghèo, vì đỗ đại học tôi mới được cha mẹ mua cho đôi dép cao su. Đó là món quà đỗ đại học của gia đình nên tôi rất quý và tiếc mãi về sau. Tôi đã ở lại trên tàu, chờ cho mọi người xuống hết để tìm chiếc dép bị mất.
 
Chắc hẳn, mỗi lần ông bước lên tàu, các kiểm soát viên, người phục vụ… đều nhận ra ông? Họ sẽ phục vụ ông đặc biệt hơn?
 
- Hôm rồi, tôi đi tàu về Quảng Bình giỗ mẹ, không ai biết tôi cả. Chỗ tôi ngồi gần toa-lét, nước chảy lênh láng, cửa buồng ngủ không đóng được. Muốn đóng cửa chắc phải cần sức đàn ông. Khay nước dưới bình nóng lạnh ở đầu toa, dù mới ở ga xuất phát mà đã rất bẩn. Tôi bước sang một toa khác, hai toilet một cửa đóng, một mở, cái mở thì nước lênh láng... Trong phòng dành cho nhân viên, họ đã xếp cho hai hành khách ngồi để… cải thiện. Đi thực tế mới biết, nhân viên của mình nói vậy thôi chứ nhiều cái làm không tốt.
 
Sau chuyến đi đó, tôi đã yêu cầu các lãnh đạo của hai Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, không cần phải đi đâu xa, chỉ cần kiểm tra ngay ở hai đầu ga Hà Nội và Sài Gòn. Ngay tại ga Hà Nội, tôi đã chứng kiến tất cả những chuyện như vậy, tại sao phải đi đâu, kiểm tra nhiều làm gì.
 
Tổng giám đốc toàn ngành mà phải đi kiểm tra nhà vệ sinh trên tàu, nghe đề xuất từ cái áo bảo hộ lao động có dải phản quang, đèn màu làm tín hiệu cho nhân viên gác ghi... Ông có nghĩ lỗi nằm ở khâu quản lý?
 
- Đúng là do hệ thống quản lý cấp dưới quá yếu. Những khuyết điểm này không phải bây giờ mới có, nó đã tồn tại nhiều năm, nhà vệ sinh bẩn, cửa không đóng được, nhân viên bao khách lậu, thiếu lịch sự… là trách nhiệm của trưởng tàu. Nhưng họ chưa làm được. Có những ông trưởng ga, mỗi ngày thu hàng chục triệu từ bán vé, thậm chí hàng tỷ nhưng không dám chi một trăm đồng vì sợ trách nhiệm.
 
Để khắc phục tâm lý đó, ông dự định làm cách nào?
 
- Giao quyền và để họ chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã và đang nỗ lực thay đổi. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, so với nhiều ngành nghề khác, ĐSVN vẫn có sự tụt hậu. Cần phải sòng phẳng mà nói rằng, trong mấy chục năm vừa qua, Nhà nước, Bộ GTVT ít quan tâm tới đường sắt. Rất buồn là nhiều người cứ nghĩ đường bộ sẽ thay thế được đường sắt... Sau thời gian dài ít được chú và ít được quan tâm đầu tư, đường sắt vốn đã lạc hậu lại càng tụt hậu. Muốn đổi mới ngành đường sắt, cần phải đổi mới về cả kỹ thuật và cách thức phục vụ. Chúng tôi luôn xác định phải đi tắt đón đầu, phải làm một tuyến đường sắt hiện đại ngang tầm thế giới.
 
Ông muốn nói về dự án ĐSCT?
 
- Đó có lẽ là một sự kiện nóng nhất của năm nay. Mặc dù chưa được Quốc hội chấp thuận, nhưng chúng tôi không buồn mà thấy nhiều cái được. Đó là sự quan tâm của toàn xã hội với đường sắt. Khi chúng tôi trình ra Quốc hội là chỉ xin chấp thuận về chủ trương đầu tư, chưa cụ thể vốn, chưa cụ thể về nguồn, càng chưa nói tới chuyện hoàn trả vốn vay... nhưng nhiều câu hỏi lại xoáy sâu vào những vấn đề quá chi tiết, chúng tôi chưa thể trả lời được.
 
Trung Quốc mới làm tàu điện ngầm cách đây 2 năm. Trước đây họ cũng nghĩ rằng không cần thiết phải làm ĐSCT, nhưng giờ Trung Quốc có mạng ĐSCT nhiều nhất thế giới. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho ĐSVN tiếp tục nghiên cứu hai đoạn ĐSCT là TP.HCM- Nha Trang và Hà Nội- Vinh. Tuy nhiên, có làm ĐSCT hay không, điều này phải đợi kết quả nghiên cứu cụ thể, trình các cơ quan có thẩm quyền rồi mới quyết định.
 
Từ trước tới giờ, có đề xuất nào của ông không được thực hiện?
 
- Năm 2002, tôi đã đề xuất xây dựng tàu điện ngầm trên trục đường Láng - Hòa Lạc, từ khách sạn Daewoo đến Sơn Tây. Nhưng khi đó nhiều người không ủng hộ và cho là nghĩ xa quá. Năm 2003, tôi sang Bắc Kinh, ông bộ trưởng đường sắt bên đó nói, làm tàu điện ngầm tới đâu thì đất đai nơi đó đắt gấp 10 lần so với trước đó, thu vốn từ quỹ đất thừa sức để đầu tư lại cho tàu điện ngầm.
 
 
Hơn 100 năm nay, đường sắt Việt Nam vẫn sử dụng khổ ray 1m.
 
Theo ông, bây giờ Việt Nam làm tàu điện ngầm có muộn không?
 
- Không bao giờ là muộn. Tuy nhiên, hiện có hai quan điểm là đi từ từ, và đi thẳng đến hiện đại. Nếu chúng ta không tiến thẳng đến hiện đại, thì bao giờ mới tiến kịp các nước phát triển. Điều kiện hiện nay, cho phép chúng ta làm được việc này, học tập kinh nghiệm, công nghệ của các nước tiên tiến.
 
Quản lý ngành Đường sắt, luôn mơ tới ĐSCT, metro, nhưng bước chân ra cửa vẫn còn đi tàu chợ, cảm giác của ông thế nào về thực trạng của ngành mình và nói rộng hơn là của đất nước?
 
- Vì sao các dự án của mình cứ nói mà không làm được, các dự án giao thông đô thị lúc nào cũng chậm trễ? Bởi không có ở đâu hệ thống giao thông của một thành phố lại "được" nhiều người chỉ huy như vậy. Đơn cử như dự án đường sắt nội đô có tới 4- 5 chủ đầu tư… Muốn làm cái gì, riêng chuyện đi họp, đi xin ý kiến cũng đã… hết ngày, hết tháng, thậm chí hết năm. Để đỡ nhìn thấy tàu chợ, để thấy đường sắt tiến bộ nhanh hơn, đóng góp nhiều cho đất nước phải thay đổi cách tổ chức, tổ chức xây dựng, tổ chức quản lý và khai thác. Hiện nay, Hà Nội và TP.HCM đang chuẩn bị khởi công xây dựng đường sắt trên cao nhưng ít ai nghĩ đến việc sẽ phải khai thác chúng như thế nào sau khi hoàn thành.
 
Theo lộ trình, năm 2015, ĐSVN sẽ cổ phần xong các Cty vận tải đường sắt. Tuy nhiên liệu có tư nhân đủ mạnh để tham gia kinh doanh khai thác đường sắt hay không, trong khi đường sắt là ngành đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng thu hồi vốn chậm.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Thu Thuỷ - Phạm Bùi (thực hiện)
 
Theo baoxaydung.com.vn
Tin bài liên quan
Loading...