“Dù trong thời bình, nhưng máu của người lính thợ Nhà máy Z131 vẫn đổ…”, Đại tá Hoàng Hữu Mùi, Giám đốc Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) - đơn vị sản xuất vũ khí đạn, vật liệu nổ, đồ dùng huấn luyện quân sự… chia sẻ với chúng tôi trong một lần đến nhà máy công tác mới đây.
Nỗi đau riêng trong tình đồng đội
Tại Thư viện của nhà máy, chúng tôi gặp nhân viên Nguyễn Thị Hòa, vợ của liệt sĩ Phạm Ngọc Chương, thợ vận hành và sửa chữa điện thuộc Xí nghiệp vật liệu nổ. Bên chiếc bàn nhỏ cạnh cửa ra vào dùng làm việc, chị kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cái ngày định mệnh ấy trong nuối tiếc, hai mắt chị đỏ hoe:
- Tôi không thể nào quên được cái giờ khắc kinh hoàng của buổi sáng nghiệt ngã ngày 24-3-2006 ấy. Ngày ấy đã cướp đi người thân yêu nhất của tôi và con. Rồi chị tâm sự tiếp trong nghẹn nghẹn.
- Khi đó tôi là thợ nguội và làm việc dưới xưởng thì nghe hung tin có sự cố ở dưới Xí nghiệp vật liệu nổ. Có luồng điện chạy dọc sống lưng khi nghĩ đến điều tồi tệ có thể đến với chồng tôi. Tôi cố gạt điều đó ra khỏi đầu để tiếp tục làm công việc quen thuộc hàng ngày, nhưng không thể. Do sốt ruột nên tôi đãng trí hỏi mượn điện thoại của chị bạn để gọi cho chồng. Nghe thế chị ấy bảo tôi là ngớ ngẩn, không nhớ rằng tắt di động là quy định bắt buộc về công tác an toàn ở xí nghiệp vật liệu nổ. Tôi định chạy lên văn phòng để hỏi tình hình thì mọi người cản, không cho đi. Tiếp đó, tôi nghe phong thanh có người bị tai nạn phải đưa đi viện. Tôi định theo mọi người đến viện xem sự thể thế nào thì bị cản lại, mọi người bảo tôi ở lại “trông coi công việc”. Từ đó tôi sinh nghi, lòng như có lửa đốt. Quá trưa, mọi người mới đưa tôi sang bệnh xá của Nhà máy ở cách đó không xa. Khi đến gần tôi ngửi thấy mùi hương trầm thoang thoảng bay tới. Điều đó cho tôi linh cảm về sự chẳng lành lúc trước là có cơ sở và tôi ngất đi không còn biết gì nữa.
|
Công nhân Nhà máy Z131 trong dây chuyền sản xuất đạn
|
Sau này, khi tiếp xúc với các anh ở Phòng Chính trị của nhà máy, tôi được Thượng tá Hoàng Quốc Quang, Phó giám đốc kiêm Chủ nhiệm Chính trị cho biết rõ về nguyên nhân sự việc hôm ấy:
- Trong quá trình làm việc, chi tiết vỏ bao cao su bọc kín khớp nối trong bơm đẩy keo nhũ bị hỏng nên keo nhũ chui vào khớp nối và phát sinh ma sát, sinh nhiệt, gây nổ cục bộ làm Phạm Ngọc Chương, thợ vận hành hy sinh.
Giờ thì cái ngày định mệnh đã trôi qua hơn 7 năm, thời gian ấy đã làm nỗi đau của chị Hòa phần nào nguôi ngoai. Được sự quan tâm chia sẻ, động viên kịp thời của Ban giám đốc và đồng đội trong nhà máy, chị Hòa cũng đã phần nào quen dần với sự thiếu vắng hình bóng người chồng vẫn thường đầu ấp má kề. Chị được Ban giám đốc Nhà máy tạo điều kiện làm nhiệm vụ ở thư viện thuộc phòng Chính trị. Ngày giỗ anh và mỗi khi tháng 7 về, trong chị lại rộn lên sự nuối tiếc, nhớ thương.
Cũng tại Phòng Chính trị của Nhà máy, chúng tôi còn gặp Trung tá QNCN Nguyễn Thị Kim Oanh. Cũng giống như chị Hòa, khi nhắc đến chồng thân yêu, Trung tá QNCN Võ Văn Thắng, Trưởng phòng cơ điện hy sinh ngày 14-5-2006 thì hai hàng nước mắt của chị lại lăn dài trên gò má. Chị kể:
- Buổi trưa ngày nghỉ cuối tuần hôm ấy anh Thắng gọi điện về hẹn 17 giờ sẽ ăn cơm ở nhà, sau đó vợ chồng và con sẽ sang nhà ông bà ngoại chơi. Đang nấu cơm, tôi thấy có rất đông người ở nhà máy đến thăm, một việc chẳng mấy khi có từ xưa nay vào những ngày thường. Linh tính cho tôi biết, chắc là có điều chẳng lành sắp ập đến với tôi và các con. Rồi chị tâm sự tiếp trong tiếng nấc, chiếc khăn tay liên tục đưa lên hai gò mà hằn những vết sâu của sự chịu đựng và nhớ thương.
- Khi nghe hung tin anh hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tôi đã ngất đi. Sau này mọi người mới cho tôi biết nguyên do. Trong quá trình trực ca, thấy bơm đẩy keo nhũ xì khói, chồng tôi vội chạy về buồng hô mọi người rời khỏi vị trí, đồng thời nhanh chóng dùng vòi phun nước vào bơm đẩy để dập khói thì bơm đẩy keo nhũ phát nổ và lây sang máy nhũ tương cao năng.
Hành động hy sinh anh dũng của anh Thắng được mọi người trong dây chuyền 2 của xí nghiệp vật liệu nổ nhớ mãi, quý trọng và luôn học tập noi theo. Còn chị, từ khi anh hy sinh, chị một mình làm việc, thay anh nuôi hai con khôn lớn. Hiện cháu lớn của anh chị đã sắp học xong đại học. Nhờ có sự quan tâm và sự chia sẻ tận tình của những người lính thợ trong nhà máy, cũng như chị Hoa, chị đã vượt qua nỗi đau tuột cùng không mong muốn ấy.
Đồng lòng vượt gian khó
Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc Hoàng Hữu Mùi ngậm ngùi, từ ngày nhà máy được thành lập đến nay (15-6-1966), đã có 8 cán bộ, công nhân viên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong thời bình, máu của những người lính thợ nhà máy vẫn đổ - đó là một thực tế nhiều người không nghĩ tới và chưa biết. Bởi sản xuất vật liệu nổ là một công việc rất nguy hiểm nếu không muốn nói là cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng người lao động. Có muôn vàn lý do để dẫn đến sự cố. Tuy nhiên, mặc dù biết là nguy hiểm đấy, mặc dù biết sẽ có những mất mát, hy sinh tính mạng đấy nhưng vì trách nhiệm với nền quốc phòng và an ninh quốc gia, vì sự hưng thịnh và phát triển bền vững của cả dân tộc, những người thợ nơi đây đã gạt khỏi đầu những lo toan và tính toán thiệt hơn để cho ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Và có một điều thật đáng mừng là, từ khi hai sự cố kể trên xảy ra, đến nay nhà máy không có bất kỳ một vụ mất an toàn nào. Chỉ riêng trong năm 2013 này thôi, Nhà máy đã đầu tư hơn 11,5 tỉ đồng để trang bị thêm các thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động; phòng chống độc hại, cải thiện điều kiện cho người lao động được tốt hơn, an toàn hơn. Đây cũng là việc làm để máu những người lính thợ Z131 không bao giờ phải đổ trên những thỏi thuốc, những quả mìn và những viên đạn.
|
Thượng úy QNCN Nguyễn Mạnh Vững, Tổ trưởng tổ Công nghệ cơ, Phòng kỹ thuật (đứng thứ 4 từ phải sang) cùng đồng đội rút kinh nghiệm chế tạo vũ khí.
|
Mấy năm gần đây khi thế giới gặp cơn khủng hoảng tài chính, nền kinh tế trong nước cũng lâm vào khó khăn. Với chủ trương cắt giảm đầu tư công, quyết tâm giảm tỉ lệ lạm phát… Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Mức tiêu thụ hàng hóa chậm đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ giải thể, chấp nhận lui khỏi thương trường vốn được ví như chiến trường khốc liệt. Một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước cũng lâm vào tình trạng này, người lao động thiếu việc làm, thu nhập thất thường. Thế nhưng, trong bối cảnh bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa đó thì những người lính thợ Nhà máy Z131 không chỉ đứng vững mà còn vượt lên, chăm lo tốt đời sống người lao động. Đặc biệt, như Giám đốc Hoàng Hữu Mùi tâm sự, hằng năm Nhà máy có từ 450 đến 500 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; doanh thu của Nhà máy ước đạt 1.000 tỷ đồng, trong đó có 80% là hàng kinh tế; bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 9 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Nhà máy có Trường mầm non riêng, có chỗ ở cho người lao động với chi phí tượng trưng chỉ 10.000 đồng/người/tháng.
Bây giờ, nhà máy đang độc quyền cung cấp hàng chục loại mô hình học cụ giáo dục quốc phòng cho cả nước; độc quyền cung cấp vỏ Attomat an toàn chống cháy cho ngành than; cung cấp bánh răng, chi tiết thiết bị cho ngành xi măng… Bên cạnh những sản phẩm này, Nhà máy còn chủ động nghiên cứu, ứng dụng KHCN tiên tiến vào sản xuất, chế tạo được nhiều loại sản phẩm quốc phòng. Các sản phẩm chủ lực của nhà máy được trao giải “Sao vàng đất Việt”; “Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn”; giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình nghiên cứu về vũ khí; giải Nhì “Giải thưởng sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam” (VIFOTECH)... Những con số biết nói ấn tượng kể cùng những sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần khắc phục khó khăn vươn lên mạnh mẽ của tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy Z131, qua đó thể hiện bản lĩnh lính thợ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.
Cầm quả đạn bắn tập M79 cắt bổ có hơn 40 chi tiết nhỏ xíu mà Thượng úy QNCN Nguyễn Mạnh Vững, Tổ trưởng tổ Công nghệ cơ của Phòng kỹ thuật đưa, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Quả đạn M79 thật to là thế, nhưng bằng trí tuệ các anh đã cho ra sản phẩm nhỏ và nhẹ gấp nhiều lần nhưng lại có tính năng, kỹ chiến thuật như đạn thật. Sản phẩm này đã được nhận giải thưởng VIFOTECH năm 2012.
Rời Nhà máy Z131 trong tiếng còi tầm buổi chiều hè oi bức, ngột ngạt vì cơn dông sắp đến. Những ngôi nhà cao tầng liền kề kiểu cách đẹp lạ bởi khuôn viên phía trước đầy hoa, cây xanh. Chúng chẳng có gì khác biệt như những biệt thự cao cấp ở các khu đô thị mới ngự trên đất “rồng cuộn hổ ngồi” mà Lý Công Uẩn lựa chọn. Điều đó khiến mọi người dễ lầm tưởng bởi nơi ở của những người thu nhập cao. Nhưng không, chỉ khi tìm hiểu và biết, đó là nhà ở của các lính thợ Nhà máy Z131 thì trong tôi rộn ràng khó tả bởi bao cảm xúc về những người lính thợ ở thị trấn Bãi Bông này.