Trong câu chuyện trên quãng đường đến các phân xưởng sản xuất của Nhà máy X61 (Binh chủng Hóa học), Đại tá Nguyễn Hữu Xá, Chính ủy nhà máy thông tin với chúng tôi một chi tiết thú vị, anh cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, nhà máy luôn hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, sửa chữa hằng năm trước một quý”. Vậy đâu là lời giải bài toán "thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm" của nhà máy mà đồng chí Chính ủy đề cập?
Làm chủ chính mình là sức mạnh chiều sâu
Tháng Tám nắng rát mặt, cộng thêm cái nóng giữa hè hơn 36 độ nhưng dưới khuôn viên Nhà máy X61 khá dễ chịu. Những hàng cây xanh rợp bóng mát tỏa xuống con đường nội bộ dẫn vào các nhà xưởng khiến không khí dịu hẳn. Đại tá Nguyễn Hữu Xá kể rằng: Nhà máy vốn tiền thân là Tổ sửa chữa lưu động được tách ra khỏi Kho Khí tài 61 để thành lập xưởng khí tài hóa học mang phiên hiệu X61. Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, ngày 21-4-1995 Bộ Tổng tham mưu ra quyết định chuyển xưởng khí tài hóa học X61 thành Xí nghiệp 61, đồng thời tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sữa chữa, sản xuất, nghiên cứu cải tiến trang bị, khí tài phòng hóa của xí nghiệp. Sau một số lần thay đổi về tổ chức biên chế, đến ngày 26-5-2015 Bộ Quốc phòng đã có quyết định đổi tên Xí nghiệp 61 thành Nhà máy X61. Lịch sử xây dựng và phát triển của nhà máy gắn liền với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ khi lúc ban đầu còn rất nhiều khó khăn đến một nhà máy vững mạnh ngày nay.
Vận hành máy móc hiện đại trong dây chuyền sản xuất khí tài hóa học đòi hỏi những người thợ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất.
Ở Nhà máy X61, các phân xưởng hoạt động liên tục để hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất thiết bị, khí tài phòng hóa. Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Phân xưởng sản xuất các chi tiết cao su thuộc Xưởng sản xuất khí tài hô hấp. Trên mặt bằng trải rộng được quy hoạch thành từng khu, từng nguyên vật liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra được sắp đặt theo một quy trình chặt chẽ, khoa học. Những người thợ làm việc rất khẩn trương, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Trong các công đoạn chính để sản xuất các chi tiết mặt nạ trùm, những người thợ chủ yếu thao tác bằng cách điều khiển các nút bấm tự động. Thượng tá Vũ Văn Khay, Phó giám đốc nhà máy cho biết: Các sản phẩm hoàn thiện phải trải qua một quá trình kiểm tra kỹ thuật nghiêm ngặt tại Phòng KCS. Việc thực hiện KCS được tiến hành từ khâu bán thành phẩm. KCS chặt chẽ ở tất cả các khâu. Sản phẩm sản xuất được KCS qua 3 cấp (cấp xưởng, cấp nhà máy, cấp trên). Do đó chất lượng sản phẩm xuất xưởng luôn ổn định, đáp ứng tốt yêu cầu kỹ thuật.
Những năm qua, Nhà máy đã được đầu tư mới nhiều dây chuyền công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất cao cả về số lượng, chất lượng và chủng loại theo nhu cầu của binh chủng và toàn quân. Một điều mà các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy nhà máy rất tự hào trong câu chuyện với chúng tôi đó là nhà máy sản xuất nhiều sản phẩm trang bị, vật tư kỹ thuật bằng chính các nguồn nguyên liệu khai thác trong nước, thay thế nguyên liệu, sản phẩm nhập ngoại. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước và quân đội. Những năm qua, nhà máy đã tập trung cao về nhân lực, vật lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất trang bị hóa học như bộ mặt nạ phòng độc MV-5, bao tiêu độc cá nhân, hộp phát khói, lựu đạn khói, thùng phát khói, ống trinh độc… Song song với đó, nhà máy đã hoàn thành việc tiếp nhận, sửa chữa, bàn giao cho các đơn vị nhiều lượt xe (sửa chữa, điêzen hóa, cải hoán) và khí tài lẻ các loại.
Khi sáng kiến là động lực phát triển
Đâu là “đòn bẩy” để nhà máy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ những năm qua?-chúng tôi đặt câu hỏi này với Thượng tá Phạm Văn Vỹ, Giám đốc nhà máy. Anh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân đưa đến kết quả đó nhưng ban giám đốc rất tâm đắc với phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và luôn coi đây là động lực phát triển. Ở Nhà máy X61, mọi cán bộ, nhân viên đều có thể đề xuất, tham gia phát huy sáng kiến và kết quả các sáng kiến đều được trân trọng, nếu có giá trị thực tiễn sẽ được đưa vào ứng dụng. Có rất nhiều sáng kiến đã phát huy tốt hiệu quả đem lại giá trị kinh tế cao, tiết kiệm công sức cho bộ đội. Để minh chứng cho điều này anh giới thiệu chúng tôi qua Xưởng Sửa chữa Xe-máy đặc chủng.
Kỹ sư Nguyễn Việt Nga người "sở hữu" nhiều sáng kiến kỹ thuật.
Ở Xưởng Sửa chữa Xe-máy đặc chủng, Đại úy Nguyễn Việt Nga, Quản đốc xưởng là người khá đặc biệt. Gặp Nguyễn Việt Nga chúng tôi ấn tượng ngay từ cái tên gọi. Anh cho biết, tên của anh chính là kỷ niệm tình hữu nghị trong sáng những ngày cha anh được học tập, trưởng thành ở đất nước Liên Xô ngày trước. Nga dáng dong dỏng cao, riêng đôi mắt toát lên sự tự tin. Hiện tại anh đang “sở hữu” nhiều sáng kiến rất có giá trị, trong đó nổi bật là “thiết bị chắn sóng xung kích bảo vệ hệ thống lọc độc tập thể trong các công sự” do anh và đồng nghiệp Nguyễn Văn Ngân nghiên cứu, chế tạo. Hệ thống này có chức năng lọc không khí nhiễm độc, nhiễm xạ, cung cấp không khí sạch cho những người hoạt động trong công sự. Sáng kiến được Binh chủng Hóa học cấp chứng chỉ và đưa vào sản xuất, trang bị cho các đơn vị trong binh chủng.
Đặng Thành Vương, một người thợ sửa chữa ô tô có nhiều sáng kiến.
Không được đào tạo bài bản qua trường lớp như Nguyễn Việt Nga, nhưng Đặng Thành Vương, một thợ sữa chữa ô tô cũng “sở hữu” bảng thành tích rất đáng nể. Nhìn công việc mà Vương thao tác mới thấy anh là một trong những thợ lành nghề hiếm có. Vương dáng người thấp đậm, rất từ tốn, điềm đạm. Công việc anh làm đã thay cho phần “thuyết trình” của anh. Những chi tiết mà anh sửa chữa đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối nên lúc nào cũng phải tập trung cao độ. Sáng kiến đặc biệt nhất của Nguyễn Thành Vương phải nhắc đến đó là “Bàn ép thủy lực tháo bơm con phanh ô tô và giá tháo lắp hộp số” mang lại giá trị kinh tế cao, giảm nhiều công sức cho người lao động.
Đại tá Nguyễn Hữu Xá cho biết thêm, thời gian qua, Hội đồng sáng nhà máy và binh chủng đã xét, công nhận 68 sáng kiến. Tiêu biểu như sáng kiến “Bộ thiết bị sửa chữa và kiểm tra độ kín mặt trùm MV-5”, “Cải tiến hệ thống điều khiển tủ sấy”, “Cải tiến, phục hồi thiết bị đo kiểm tra hệ số lọt qua hộp lọc độc cá nhân EO-16 sang đo hộp lọc độc MV-5”, “Bộ đồ gá sản xuất xô 10 lít xe APC-14”; “Thiết bị điều khiển hàn lắp lựu đạn khói”; “Thiết kế chế tạo thiết bị cắt dải cao su”; “Thiết kế chế tạo thiết bị xử lý bụi khi trình nạp than hộp lọc tập thể”; Biên soạn 8 quy trình công nghệ, 10 bộ quy trình hiệu chuẩn; chỉnh sửa 7 bộ quy trình công nghệ sản xuất 7 loại sản phẩm ống trinh độc và lựu đạn khói… Tổ chức đánh giá nội bộ áp dụng 2 tiêu chuẩn ISO về chất lượng và môi trường (ISO 14001:2010 và ISO 9001:2008).
Một tập trung… nhiều đột phá
Giám đốc nhà máy-Thượng tá Phạm Văn Vỹ cho biết, nhà máy cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong đó có nhiều vấn đề khiến Đảng ủy, Ban giám đốc rất trăn trở như làm thế nào để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề an toàn lao động, quy trình chuẩn để sản xuất đảm bảo chất lượng, nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ… Và tất cả những vấn đề đó, được tập thể ban giám đốc tập trung bàn bạc, tháo gỡ từng bước.
Có những công đoạn hoàn thiện khí tài phòng hóa khá tỉ mỉ đòi hỏi những người thợ phải làm thủ công.
Điều đầu tiên ban giám đốc nhà máy quyết tâm thực hiện đó là làm thay đổi nhận thức về an toàn lao động cho cán bộ, nhân viên, người lao động. Để có một người thợ đứng máy tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, kỷ luật lao động như hiện nay có thể coi là một cuộc cách mạng thay đổi nhận thức, thói quen. Trước kia một người thợ có thể không đeo khẩu trang, không mang bảo hộ lao động ở một công đoạn nào đó thì nay chuyện đó không còn nữa. Tất cả đều phải tuân thủ quy tắc an toàn và tuân thủ chặt chẽ bảo hộ lao động khi bắt đầu công việc. Từ khi nhà máy nhập về nhiều dây chuyền sản xuất, sửa chữa khí tài mới, ban giám đốc đã thống nhất thực hiện việc đưa đi đào tạo và tự đào tạo đội ngũ từ quản lý đến những người thợ. Khi sản phẩm đưa ra thị trường, nhà máy tổ chức khảo sát thực tế, tiếp thu ý kiến về chất lượng, mẫu mã sản phẩm tại các đơn vị trong toàn quân, để có những điều chỉnh phù hợp.
Trước mỗi nhiệm vụ, mỗi giai đoạn quan trọng, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đã đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó trọng tâm là ổn định tổ chức, xác định tốt tư tưởng, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Nhà máy triển khai thi đua toàn diện với quyết tâm: “Một tập trung, hai đột phá”; “Một tập trung, ba đột phá”, trong đó xuyên suốt là tập trung giữ vững chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất, sửa chữa. Đột phá được xác định là nâng cao chất lượng huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật; xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật, rèn luyện kỷ luật (chú trọng kỷ luật công nghệ), bảo đảm an toàn tuyệt đối trong sản xuất, đổi mới phương pháp, tác phong công tác. Cùng với việc đơn vị duy trì chặt chẽ kỷ luật lao động, thông qua công tác tuyên truyền, kết hợp khen thưởng, xử phạt cán bộ, nhân viên, người lao động đã từng bước thay đổi thói quen, từng bước chuyên nghiệp hóa. Đơn vị cũng đặc biệt nhấn mạnh coi trọng xây dựng đơn vị điểm, cá nhân tiên tiến và nhân rộng gương người tốt, việc tốt.
Với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, người lao động, Nhà máy X61 đang không ngừng vươn lên, trở thành một trong những đơn vị sản xuất, sửa chữa trang bị khí tài hóa học, vật tư kỹ thuật đầu ngành của Binh chủng Hóa học và toàn quân.
Bài và ảnh: TUẤN HƯNG