Chỉ được thi công trở lại khi đã xiết chặt các biện pháp đảm bảo ATLĐ
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động làm 4 người chết và 3 người bị thương xảy ra tại dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower vào cuối tháng 7/2009, vừa chính thức được đoàn kiểm tra liên ngành Sở Xây dựng công bố.
Theo ông Bùi Văn Chiểu – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Trưởng đoàn kiểm tra, nguyên nhân được xác định là do ý thức chấp hành các quy định đảm bảo an toàn lao động của người lao động còn kém; trình độ của các cán bộ quản lý các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát trong công tác quản lý an toàn lao động còn có nhiều hạn chế, cá biệt một số bộ phận chưa đạt yêu cầu; trong công trình có sử dụng nhiều công nghệ, thiết bị tiên tiến, chưa có ở Việt Nam (công nghệ cốppha, giàn giáo…) tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ thi công chưa được các bên tham gia thực hiện dự án quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bên.
Hơn nữa, công tác lập thiết kế, biện pháp thi công chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật Việt Nam, ở đó biện pháp thi công xây dựng chưa được nhà thầu chính (Keangnam Enterprises) kiểm tra, phê duyệt.
Theo đó, ngày 31/7/2009, trong văn bản số 5817/SXD-GĐCL của Sở Xây dựng gửi UBND TP Hà Nội, Sở này cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm tra liên ngành, Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu phải nghiêm túc, khẩn trương thực hiện một số nội dung. Đó là, chủ đầu tư và nhà thầu chính xem xét lại toàn bộ các nhà thầu phụ về năng lực và kinh nghiệm thi công, đặc biệt xem xét năng lực các cá nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý kỹ thuật thi công; quản lý an toàn lao động trên công trường và các cá nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý thi công của nhà thầu chính; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị công nghệ mới tại dự án, đặc biệt đối với các thiết bị thi công của hệ cốppha, giàn giáo.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư, nhà thầu chính xem xét, phê duyệt Biện pháp thi công theo quy định tại Quyết định số 55/2009/QĐ-UBND ngày 17/3/2009 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại TP Hà Nội. Các nhà thầu phụ chấn chỉnh lại việc trang bị
bảo hộ lao động, huấn luyện theo định quy định pháp luật về an toàn lao động.
Mặt khác, Sở xây dựng cũng yêu cầu chủ đầu tư phải có bộ phận thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, phát hiện những công việc, những khu vực có nguy cơ mất an toan lao động trên công trường, để có những biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tai nạn lao động.
Chủ đầu tư và các nhà thầu phải báo cáo UBND TP Hà Nội và các cơ quan quản tý nhà nước có liên quan về công tác quản lý an toàn lao động trên công trường. Chủ đầu tư ra quyết định tạm đình chỉ thi công một số hạng mục công trình trong dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower nếu có dấu hiệu mất an toàn lao động. Các công trình trong dự án chỉ được thi công sau khi chủ đầu tư và các bên tham gia thực hiện dự án đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Từ những sai phạm nghiêm trọng trong việc để mất an toàn lao động tại dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower, Sở Xây dựng cũng đã giao Thanh tra Xây dựng TP Hà Nội xử lý vi phạm hành chính chủ đầu tư và các bên tham gia thực hiện dự án theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP.
Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower do Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina làm chủ đầu tư, nhà thầu chính là Công ty Keangnam Enterprises LTD. Các nhà thầu phụ là Công ty CP xây dựng số 1 (Cofico), Công ty CP xây dựng số 1 Hà Nội (HACC1), Công ty Seoyong (Hàn Quốc). Riêng nhà thầu phụ là Công ty Seoyong thuê Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình làm nhà thầu phụ về nhân công. Các vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian (ngày 21/7/2009, ngày 22/7/2009 và ngày 27/7/2009) tại các hạng mục công trình do Công ty CP xây dựng số 1 (Cofico) và Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình thi công.