CHỈ THỊ CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động
phòng chống cháy nổ trong các đơn vị thuộc ngành xây dựng
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, nhiều dự án xây dựng đã được triển khai với nhiều công nghệ xây dựng mới, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng được đưa vào hoạt động đã thực sự cải thiện điều kiện lao động, phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định trong chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị trong Ngành tổ chức thực hiện pháp luật và các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ; nhiều đơn vị đã tổ chức thực hiện nghiêm túc nên không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, tai nạn lao động chết người hoặc cháy, nổ; một số đơn vị nhiều năm liền giữ được tuyệt đối an toàn đối với người lao động, trang thiết bị, máy móc và công trình. Tuy nhiên, trong năm 2004 và những tháng đầu năm 2005, tình hình tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn lao động nghiêm trọng và tai nạn lao động chết người xảy ra vẫn còn nhiều. Hầu hết các đơn vị đều đầu tư vốn vào các dự án phát triển nhà ở và thi công các khu chung cư cao tầng nên nguy cơ xảy ra tai nạn ngã cao rất lớn. Nguyên nhân là do các đơn vị chưa thực hiện đầy đủ pháp luật về bảo hộ lao động cũng như các văn bản chỉ đạo của Bộ; thiếu sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra sát sao về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ; công tác huấn luyện, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, hướng dẫn về pháp luật bảo hộ lao động và những biện pháp cụ thể cho người lao động chưa được tiến hành thường xuyên; bộ máy làm công tác bảo hộ lao động chưa được kiện toàn; chế độ thống kê báo cáo chưa nghiêm túc; sử dụng lao động thời vụ không ký hợp đồng lao động, không qua đào tạo còn khá phổ biến. Nhận thức và ý thức chấp hành nội quy an toàn lao động của người lao động còn nhiều yếu kém, do đó không thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm về công tác an toàn lao động - phòng chống bệnh nghề nghiệp - phòng chống cháy nổ. Tình trạng chạy theo tiến độ hoặc khoán trắng công việc còn xảy ra ở nhiều nơi. Các vụ tai nạn do ngã cao, do vật liệu rơi, đè, đổ sập đà giáo; tai nạn khi làm việc ở những vị trí cheo leo hoặc những nơi làm việc nguy hiểm nhưng thiếu cảnh giới vẫn còn tái diễn.
Để chấn chỉnh tình hình nêu trên và để tăng cường công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị đối với tính mạng, sức khỏe người lao động, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp tập trung thực hiện những việc sau đây:
1. Kiện toàn Hội đồng bảo hộ lao động của các Tổng công ty, Công ty; có phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho mỗi thành viên trong Hội đồng.
Các Tổng công ty nhà nước và Công ty nhà nước độc lập có quy mô lớn, địa bàn hoạt động rộng phải thành lập Phòng hoặc Ban An toàn lao động; những đơn vị hoạt động độc lập có dưới 300 lao động phải bố trí ít nhất 01 cán bộ chuyên trách bảo hộ lao động. Cán bộ làm công tác bảo hộ lao động phải có hiểu biết về kỹ thuật, quy trình công nghệ trong thi công xây lắp (trong doanh nghiệp xây lắp), sản xuất vật liệu xây dựng (trong doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng), được đào tạo chuyên môn hoặc bổ túc chuyên môn, kỹ thuật bảo hộ lao động, có am hiểu pháp luật, chế độ chính sách về bảo hộ lao động.
2. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật cũng như các quy định, quy phạm đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ trong quá trình làm việc đối với người lao động.
3. Việc tuyển chọn lao động phải thông qua tổ chức khám sức khỏe theo đúng quy định. Đối với người làm công việc ở trên cao hoặc làm việc nặng nhọc, độc hại; đơn vị phải bố trí người có thể lực và sức khỏe phù hợp, sau đó cứ 06 tháng phải tổ chức khám lại và phân loại sức khỏe để tiếp tục sử dụng cho thích hợp.
Tuyệt đối không được sử dụng người có thể lực và sức khỏe không phù hợp, lao động hợp đồng theo vụ, theo việc, lao động không qua đào tạo nghề vào làm việc ở những vị trí nguy hiểm (tháo lắp giàn giáo, làm việc trên cao, nơi cheo leo, nguy hiểm các công trình cao tầng, hầm sâu, giếng chìm...).
4. Phải ký kết trực tiếp hợp đồng lao động với người lao động theo mẫu hợp đồng đã quy định; trong hợp đồng lao động phải ghi đầy đủ, rõ ràng các nội dung về: tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động... nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ.
5. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo chất lượng, phù hợp với công việc của từng người lao động, đồng thời bắt buộc người lao động phải sử dụng trong khi làm việc.
6. Phải có biện pháp đảm bảo an toàn lao động chi tiết đối với từng loại công việc đồng thời phải tổ chức huấn luyện cho người lao động về các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động trước khi giao việc. Nội dung huấn luyện cho người lao động bao gồm: nội quy, quy trình, quy phạm an toàn lao động với các hình thức: huấn luyện định kỳ, huấn luyện lại, huấn luyện khi tuyển dụng, trước khi giao việc, khi chuyển từ công việc này sang công việc khác. Sau khi huấn luyện phải tiến hành kiểm tra, sát hạch; chỉ những người đạt yêu cầu mới được bố trí công việc và cấp thẻ.
Tại những vị trí nguy hiểm như: xung quanh khu vực đang thi công ở trên cao, khu vực cần trục đang hoạt động, hầm, hào, hố, kho bãi chứa vật liệu có yếu tố độc hại, vật liệu dễ cháy, nổ, các lỗ trống trên sàn, chu vi mép sàn, mái phải có biển báo chỉ dẫn và lan can rào chắn, ban đêm phải có điện chiếu sáng. Khi thi công những công trình cao tầng phải có lưới bảo vệ xung quanh công trình.
Phải có đầy đủ sổ theo dõi công tác huấn luyện an toàn lao động, sổ giao việc, nhật ký công tác an toàn lao động, sổ theo dõi trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, sổ giao ca... và phải được ghi chép chặt chẽ, hàng ngày tại công trình đang thi công (do đội hoặc ban chỉ huy công trình trực tiếp quản lý).
Nơi làm việc của người lao động phải đảm bảo vệ sinh, phòng vệ sinh đủ nước sạch. Các công trình xây dựng trên cao phải bố trí nơi vệ sinh phù hợp đặt tại mỗi tầng làm việc.
Đối với các công trình có nhiều nhà thầu phụ cùng thi công phải thành lập Ban chì huy thống nhất và xây dựng quy chế phối hợp trong công tác an toàn - vệ sinh lao động; đồng thời thục hiện chế độ tự kiểm tra, báo cáo tình hình đảm bảo an toàn lao động tại công trình hàng ngày cho Ban chỉ huy thống nhất.
7. Tất cả các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, đồng thời phải xây dựng nội quy vận hành an toàn niêm yết tại vị trí máy, thiết bị.
8. Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn - vệ sinh viên tại các công trình, có chế độ phụ cấp cụ thể để động viên khuyến khích những người làm công tác này.
9. Thủ trưởng đơn vị phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đánh giá tại cơ sở, có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, xử phạt những trường hợp vi phạm trong công tác bảo hộ lao động. Kiên quyết đình chỉ, xử lý nghiêm những cán bộ quản lý, người lao động không thực hiện đúng, thực hiện không đầy đủ theo trình tự quy trình, biện pháp an toàn đã được duyệt. Mỗi vụ tai nạn xảy ra cần làm rõ trách nhiệm của người quản lý, người lao động trong thời gian ngắn nhất.
10. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về chế độ báo cáo, thống kê tình hình tai nạn lao động của đơn vị theo quy định. Vào cuối mỗi tháng các đơn vị trực thuộc Bộ phải tập hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ tình hình thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ của đơn vị theo mẫu quy định (báo cáo trước ngày 05 tháng sau). Riêng các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, tai nạn lao động chết người, đơn vị phải báo cáo kịp thời về Bộ Xây dựng và Công đoàn Xây dựng Việt Nam không cần chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp với Ban Chính sách - Kinh tế Xã hội công đoàn Xây dựng Việt Nam tổ chức kiểm tra việc thực hiện chỉ thị của Bộ về công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ tại các đơn vị; tổ chức các lớp tập huấn về bảo hộ lao động đối với cán bộ quản lý và cán bộ chuyên trách an toàn lao động. Các Sở thuộc ngành Xây dựng căn cứ nội dung Chỉ thị này để chỉ đạo việc tổ chức thực hiện tại địa phương.
Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu trong Chỉ thị này nhằm đảm bảo an toàn, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho công nhân viên lao động trong toàn Ngành./.