Chủ đầu tư, nhà thầu và cả người lao động đều quá chủ quan
Đầu năm 2010, ngay sau khi xảy ra một tai nạn lao động, khiến một người thiệt mạng tại công trường xây dựng toà tháp KeangNam, cơ quan CSĐT - CA huyện Từ Liêm đã gửi công văn kiến nghị lên chủ đầu tư, nhà thầu chính và các nhà thầu phụ tham gia thi công xây dựng toà tháp tại địa bàn huyện Từ Liêm về tăng cường công tác kiểm tra, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trên công trường
Tai nạn liên tiếp xảy ra
Tai nạn lao động gây thiệt hại về vật chất, về con người vẫn liên tiếp xảy ra trên công trường xây dựng toà tháp KeangNam
Theo đánh giá, công trường thi công KeangNam được đầu tư công nghệ thi công khá tiên tiến, trang thiết bị máy móc tương đối đồng bộ, những người lao động được trang bị bảo hộ an toàn lao động cá nhân đầy đủ. Nhà thầu, chủ đầu tư đã có sự phân công cán bộ chuyên trách, giám sát an toàn lao động bám sát công trường, bám sát tiến độ. Thi công trên độ cao có lưới bảo vệ, biển cảnh báo rào chắn đã được đặt ở những nơi nguy hiểm...
Tuy nhiên, tai nạn lao động gây thiệt hại về vật chất, về con người vẫn liên tiếp xảy ra. Như HNMO đã đưa tin, cụ thể trong tháng 7/2009 có 4 người lao động tử vong và 3 người lao động bị thương tại công trình do nhà thầu phụ Cofico và Hoà Bình thi công. Gần đây, ngày 1/2/2010, anh Nguyễn Khắc Bang (SN 1981) là công nhân Công ty Hà An Định ký hợp đồng làm thuê cho nhà thầu Sanjin Việt Nam bị thương khi đang lắp điện tại tầng 32, bị va đập rơi xuống sàn 31 tại toà tháp 47 tầng.
Tiếp đó, ngày 3/2, công nhân Lê Đức Thắng (SN 1974), ký hợp đồng với nhà thầu phụ Construction Equipment Co., LTD bị tử vong trong khi lao động vệ sinh đường ống thép bơm bê tông thương phẩm lên sàn 29 toà tháp thiết kế 70 tầng.
Chiều nay (25/2), CA huyện Từ Liêm đã tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi anh Vũ Tiến Lâm (SN 1985), một cán bộ kỹ thuật đã tử vong do ngã từ trên cao xuống tại công trình KeangNam vào ngày 22/2/ Khi đang đi kiểm tra cốp pha, do không mang theo dây bảo hiểm, anh Lâm đã bị cốp pha đổ vào người. Đây là vụ tai nạn chết người thứ hai xảy ra trong tháng 2/2010 và là vụ thứ sáu kể từ khi công trình này khởi công.
Sau các tai nạn lao động xảy ra, các nhà thầu thi công trên công trường tuy đã có sự rà soát lại tiến độ, kiểm tra lại sự vận hành của các hệ thống máy móc, tổ chức lại công tác giám sát thi công, giám sát an toàn vệ sinh lao động và đã rút ra bài học kinh nghiệm thực tế, tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng phần nào đã gây dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh của toà tháp cao nhất Việt Nam này.
Nhà thầu chú trọng tiến độ, người lao động quá chủ quan
Về phía cơ quan CSĐT - CA huyện Từ Liêm đã phối hợp với thanh tra an toàn lao động đìêu tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn trong từng sự việc cụ thể là do nhà thầu đã quá chú trọng đến tiến độ, thiếu đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm an toàn lao động cho người lao động trong lúc thi công. Các cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn lao động không được bố trí hoặc chỉ là danh nghĩa, hình thức, thực chất thường là cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm. Thiết bị
bảo hộ lao động không được trang bị đồng bộ cũng như không có sự kiểm tra đôn đốc, giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật lao động trên công trường.
Nhiều người lao động chưa có nhận thức tự bảo vệ mình
Mặc khác, người lao động bị nạn phần lớn là những lao động phổ thông, ký hợp đồng ở dạng "thử việc" để không mua bảo hiểm. Thực tế là một nhóm người tự phát thành tổ, thành nhóm, không được đào tạo cơ bản về kiến thức xây dựng mà quá trình làm việc tự học hỏi lẫn nhau. Họ cũng không được học tập hướng dẫn về an toàn vệ sinh lao động để có nhận thức tự bảo vệ mình.
Các nhà thầu thường ký hợp đồng thuê nhân công khoán gọn cho một nhóm trưởng, tổ trưởng theo khối lượng công việc và hoàn toàn phó mặc cho họ tự tổ chức thi công. Nhiều tai nạn xảy ra người lao động ngã cao rơi tự do phía dưới không được căng lưới bảo vệ, các khu vực nguy hiểm không được đặt biển cảnh báo, rào chắn...
Đại diện cơ quan CSĐT CA huyện Từ Liêm nhận định: "Đó là lỗi chủ quan của chính chủ đầu tư, các nhà thầu trong quá trình giám sát thi công. Bản thân người lao động chủ quan, coi thường không chấp hành các quy định về an toàn đặt ra, bảo hộ cá nhân được trang bị nhưng không thực hiện. Người lao động làm việc ở độ cao mà không chấp hành việc sử dụng dây an toàn đúng quy định dẫn đến sơ xuất ngã, trượt chân, rơi tự do từ độ cao của công trình".
Để không lặp lại những tai nạn mới
"Các nhà thầu thi công xây dựng công trình KeangNam Hanoi Landmar Tower nói riêng và các nhà thầu thi công các công trình trên địa bàn huyện Từ Liêm nói chung không vì áp lực tiến độ, hạ giá thầu nhận công trình mà buông lỏng công tác kiểm tra, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trên công trường" - trên cơ sở điều tra nguyên nhân xảy ra tai nạn trên, Cơ quan CSĐT CA huyện Từ Liêm đã đưa ra kiến nghị.
Nhà thầu, chủ đầu tư không được vì áp lực tiến độ mà buông lỏng kiểm soát an toàn lao động
Các cán bộ kỹ thuật, công nhân ký hợp đồng phải được tổ chức tập huấn, tập huấn lại để được cấp chứng chỉ về an toàn vệ sinh lao động. Chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện việc ký hợp đồng khoán trắng khối lượng phần nhân công đối với nhóm, tổ thợ lao động tự do mà không có sự giám sát tổ chức thi công. Ngoài ra, cũng phải có quy chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm khắc đối với người lao động có biểu hiện, việc làm không tuân thủ quy trình thi công, vi phạm kỷ luật, thực hiện không đúng các biện pháp bảo đảm an toàn trên công trường.
Việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để giải quyết, xác định lỗi, mức độ vi phạm của các cá nhân, tổ chức, tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, những khe hở, thiếu sót sẽ giúp các nhà thầu rút ra bài học kinh nghiệm, tổ chức lại phương pháp thi công, không để tiếp tục xảy ra các tai nạn thương tâm khác.