Việc áp dụng các biện pháp bảo hộ là đi ngược với xu hướng tự do hóa mà Việt Nam và các nước đang theo đuổi nên các doanh nghiệp chỉ còn cách chủ động cứu lấy mình, ông An Thế Dũng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - nhấn mạnh
Phóng viên: Khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng hóa nước bạn sẽ tràn vào Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa sẽ đối diện với những thách thức gì, thưa ông?
- Ông An Thế Dũng: AEC được hình thành vào cuối năm 2015 sẽ tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực. Điều này mang lại nhiều cơ hội, lợi ích to lớn cho DN và người dân ASEAN. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Đặc trưng của DN trong nhóm này là quy mô nhỏ; linh hoạt thay đổi môi trường kinh doanh, nhất là đáp ứng các nhu cầu nhỏ lẻ; dễ tăng giảm lao động... nhưng lại gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn lớn, khoa học - công nghệ tiên tiến... Hơn nữa, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực, cụ thể là nguồn vốn và kinh nghiệm.
Vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, các DN cần đổi mới trong tư duy và thực tiễn hoạt động, chủ động tìm hiểu các thông tin về tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam để có bước chuẩn bị phù hợp, nhất là đối với các cam kết hội nhập ASEAN của Việt Nam.
DN nhỏ và vừa chiếm đến 96% tổng số DN đang hoạt động. Cần giải pháp gì để xốc lại khối DN này trong bối cảnh yêu cầu hội nhập cực kỳ mạnh mẽ?
- Trước khi bàn về giải pháp, chúng ta cần nhận diện thách thức lớn nhất mà DN phải vượt qua. Đó là thách thức cạnh tranh, chủ yếu về hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư, các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa.
Sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt khi AEC trở thành hiện thực vào cuối năm 2015 kéo theo 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN được xóa bỏ. Trong khi hàng hóa Việt Nam hiện đang khó cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan thì với thị trường hơn 600 triệu dân được tự do hóa, không chỉ hàng xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, hàng Việt Nam cũng gặp trở ngại.
Thị phần thức ăn nhanh của Việt Nam đang do các doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh. Trong ảnh: Một trong những cửa hàng của McDonald’s (Mỹ) tại TP HCM Ảnh: QUANG HUY
Các DN nhỏ và vừa không chỉ nhỏ về quy mô vốn, lạc hậu về công nghệ mà năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực. Vì vậy, để giúp DN vượt qua được những thách thức, tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế khu vực, cần có sự nỗ lực chung của cả nền kinh tế, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước và chính bản thân DN.
Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa nhằm cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo tiền đề cho việc triển khai các cơ chế tự do hóa, nhất là cơ chế hải quan một cửa.
Các DN cần chủ động cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh phi giá, tận dụng các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, cần khai thác tốt thế mạnh của DN nhỏ và vừa, chủ động xây dựng và nâng cao năng lực sản xuất, tăng nhanh tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối, tạo chuỗi sản xuất lớn để có thể nhận những đơn hàng lớn.
Đặc biệt, các DN cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trên thực tế, các bộ, ngành và Chính phủ rất quan tâm đến công tác tuyên truyền phổ biến cam kết hội nhập kinh tế của Việt Nam nhưng các DN chưa thực sự quan tâm đến nguồn thông tin quan trọng này.
Nhà nước có thể có những biện pháp
bảo hộ lao động trong khuôn khổ cho phép để tránh cho các DN bị “sốc” trước yêu cầu hội nhập ra sao?
- Hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu khách quan và là tiến trình mang tính lịch sử nên luôn tồn tại sức ép cạnh tranh mà các DN phải đối mặt. Bất kỳ nền kinh tế nào cũng có nhu cầu bảo hộ trong nước, ngay cả với các nền kinh tế lớn như Mỹ. Đặc biệt, với các nước có trình độ kinh tế trung bình và thấp thì việc bảo hộ nhằm duy trì và phát triển một số ngành sản xuất quan trọng, có tiềm năng trở thành ngành cạnh tranh trong tương lai.
Việt Nam là nước đang phát triển có trình độ kinh tế thấp, đang trong giai đoạn chuyển đổi, phần lớn DN nằm trong nhóm nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu thì áp lực bảo hộ rất lớn. Việc sử dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan là 2 công cụ bảo hộ sản xuất quan trọng đối với mọi quốc gia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, theo xu hướng cam kết hội nhập của Việt Nam và các nước, các biện pháp bảo hộ bằng thuế quan và hạn chế định lượng sẽ khó được chấp nhận và sẽ không được áp dụng.
Chính phủ có thể giúp các DN đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua các biện pháp như sử dụng thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng và các biện pháp tự vệ, quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương:
Đừng chờ nhà nước cho tiền
Chủ động cứu lấy mình
Hội nhập kinh tế quốc tế bản thân là sự hòa nhập của các nước, trong đó nước nọ không nên rời khỏi nước kia. Hiếm tìm được sản phẩm do một DN duy nhất sản xuất, thậm chí hiếm khi quốc gia sản xuất toàn bộ một sản phẩm nào đó. Để hội nhập, DN cần chọn sản phẩm để sản xuất và tham gia sâu hơn vào những chuỗi sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày.
DN Việt Nam có nhiều điều kiện để nghiên cứu khoa học, tiếp xúc kinh nghiệm của các nước trên thế giới song cần vận dụng hiệu quả hơn. Cần thấy rằng chúng ta đi chậm hơn các nước khác nên phải nhanh chân hơn nữa. Đừng trông chờ nhà nước cho tiền. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ đào tạo nhân lực, quản lý, xúc tiến thương mại... mà thôi.
TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Không có công thức chung
Chủ động cứu lấy mình
Các luật về kinh tế hiện đã sửa nhưng điều hành vẫn chỉ tập trung trên nghị quyết; vẫn còn nhiều khó khăn về thuế, các thủ tục hành chính, hải quan; việc phối hợp giữa các cơ quan chậm, lỏng lẻo. Để cải thiện điều này, cần nâng cao nhận thức cho từng DN để họ hiểu được yêu cầu của hội nhập, từ đó dựa trên thế mạnh riêng để xây dựng chiến lược hoạt động cho sát với tình hình của địa phương, thực trạng của mỗi DN chứ không thể có công thức chung.
Nhà nước cần điều hành cơ chế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế giúp DN không gặp vướng mắc khi hội nhập; hỗ trợ DN về đào tạo nhân lực, thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường tốt để tạo động lực phát triển.
TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế cao cấp:
Minh bạch thông tin còn rất kém
Chủ động cứu lấy mình
Các chính sách điều hành kinh tế hiện nay không theo kịp với tiến trình hội nhập. Khi tôi hỏi về chương trình hành động khi vào AEC là gì thì nhận được câu trả lời cũ, vẫn còn áp dụng chương trình hành động từ khi ASEAN còn chưa thành lập. Bên cạnh đó, DN và người dân rất thiếu thông tin về AEC. Đến cả những cán bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam còn phản ánh là các cơ quan quản lý không cập nhật thông tin gì về các hiệp định thương mại, về tiến trình ký kết hay các đối tác cạnh tranh... Các chuyên gia kinh tế phải tìm kiếm thông tin từ các báo nước ngoài hay một số cơ quan nước ngoài. Tình trạng thiếu thông tin khiến DN Việt Nam không thể chủ động được.
Phương Nhung thực hiện