Bảo vệ môi trường là một trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới với mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Dù gặp một số khó khăn nhưng bằng cách làm linh hoạt, sáng tạo, huyện Chương Mỹ đã giải quyết khá hiệu quả "bài toán" thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải bảo đảm hợp vệ sinh...
Cách đây khoảng 7 năm, do xảy ra sự cố bãi chôn lấp rác tập trung của thành phố, huyện Chương Mỹ tồn đọng số lượng lớn rác thải. Ngoài thị trấn Chúc Sơn và Xuân Mai, một phần rác thải được thu gom, vận chuyển về bãi Xuân Sơn (Sơn Tây), còn lại mọi ngõ, ngách khu dân cư, nơi đâu có khoảng trống, ở đó biến thành nơi tập kết rác thải. Đây là thời điểm môi trường của huyện Chương Mỹ bị ô nhiễm trầm trọng.
Thu gom rác thải tại núi Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Lê Hồng Thái
Để giải quyết tình trạng trên, huyện Chương Mỹ đã lập đề án thu gom, vận chuyển, xử lý tạm thời rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn. Theo đó, huyện hỗ trợ cho các xã gần 11 tỷ đồng xây dựng 37 hố chứa rác xa khu dân cư và mua sắm dụng cụ, phương tiện,
bảo hộ lao động cho người thu gom rác… Các xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác trong khu dân cư rồi vận chuyển ra hố chứa. Mỗi tổ 3-5 người, tiến hành thu gom rác từ hộ gia đình, đường làng, ngõ xóm đến điểm tập kết, định kỳ 2 ngày/lần. Kinh phí hoạt động của tổ thu gom được lấy từ nguồn thu phí vệ sinh môi trường theo quy định của thành phố và một phần hỗ trợ của huyện 96.000 đồng/tấn.
Bằng sự nỗ lực của huyện, từng xã, từng thôn và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân, Chương Mỹ đã giải quyết được cơ bản tình trạng tồn đọng rác thải. Tuy vậy, trước tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh, công tác bảo vệ môi trường của huyện cũng còn hạn chế: Một số địa phương chưa bố trí được quỹ đất làm hố chứa, chưa tổ chức thu gom triệt để, còn tình trạng vứt rác bừa bãi tại các khu vực chợ, trục đường giao thông, triền đê, ao hồ; nhiều hố chứa không thường xuyên phun thuốc diệt ruồi, muỗi, khử mùi, tiêu độc, bị mất trộm bạt chống thấm, "thủng đáy", rò rỉ nước rác ra ruộng… Khắc phục những tồn tại đó, huyện đã cử 31 cán bộ xuống cơ sở giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý vệ sinh môi trường tại hố chứa. Các tổ chức, đoàn thể của xã, huyện cũng vào cuộc phát động phong trào bảo vệ môi trường. Đến nay, huyện hình thành nhiều mô hình như: "Gia đình thân thiện với môi trường", "Vệ sinh đường làng, ngõ xóm" vào những ngày cố định trong tháng do Hội Phụ nữ làm nòng cốt, "Ngày thứ bảy tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh" của Đoàn Thanh niên; "Xanh - sạch - đẹp" trong các trường học...
Các phong trào này đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, huy động nguồn lực lớn từ dân để thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng khảo sát môi trường tại các hố chứa, căn cứ kết quả đánh giá chất lượng nguồn nước, không khí để đóng cửa hố đã đầy, không bảo đảm vệ sinh; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các xã xây dựng bãi rác nổi (nền đổ bê tông chống thấm, có rãnh thu nước rỉ rác, xây tường bao quanh chống chuột, rác bay ra ngoài); ký hợp đồng với doanh nghiệp vận chuyển rác từ điểm tập kết thôn, xã đến các bãi xử lý tập trung của thành phố. Để tạo chuyển biến bền vững trong công tác xử lý rác thải hợp vệ sinh, huyện đã quy hoạch và xây dựng cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý rác hợp vệ sinh…
Triển khai đồng bộ các giải pháp trên, đến nay, huyện Chương Mỹ thu gom, vận chuyển, xử lý 140 tấn/ngày, cơ bản giải quyết lượng rác thải phát sinh. Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lã Văn Tùng cho biết: Trên địa bàn có 2 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung thì khu xử lý ở Đồng Ké (xã Trần Phú) đã được thành phố duyệt quy hoạch, đang mời gọi đầu tư. Khu xử lý ở Núi Thoong (xã Tân Tiến) đã được thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai xây dựng nhà máy, công suất giai đoạn I là 240 tấn/ngày đêm, đang được huyện tích cực tuyên truyền để giải phóng mặt bằng, chuẩn bị giao đất để triển khai. Dự kiến quý II-2016 nhà máy hoạt động sẽ khắc phục triệt để tình trạng tồn đọng rác thải.