Chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các DN
Mỗi doanh nghiệp SXKD cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn con người và an toàn cho sản xuất, kinh doanh.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Trung tâm huấn luyện ATLĐ, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động-Môi trường và Giám định y khoa tỉnh tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho hàng trăm chủ sử dụng lao động và hàng nghìn lao động trong toàn tỉnh. Đo môi trường làm việc và giám định sức khỏe cho người lao động... tập trung chính vào các doanh nghiệp dân doanh, cụm công nghiệp nhỏ, lẻ và ở các làng nghề.
Trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết vì tai nạn lao động từ đầu năm đến nay, đó là con số thống kê chưa đầy đủ so thực tế xảy ra tại các doanh nghiệp, bởi hầu hết các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm việc báo cáo với cơ quan chức năng khi xảy ra tai nạn, chủ yếu tự giải quyết. Điều này cho thấy an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các doanh nghiệp còn rất nhiều vấn đề bất cập.
Để giảm thiểu tình trạng TNLĐ, thời gian qua công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về công tác ATLĐ đã được quan tâm, đẩy mạnh với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và doanh nghiệp. Giải pháp được các đơn vị phối hợp tích cực, quan tâm thực hiện thường xuyên, chặt chẽ là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thông qua đó, đông đảo cán bộ quản lý và người lao động đã được trang bị những kiến thức cần thiết để cải thiện môi trường lao động, góp phần giảm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, các ngành lao động, thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai hàng trăm lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt người sử dụng lao động và người lao động nhằm nâng cao kiến thức về công tác ATLĐ, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Các doanh nghiệp, cơ sở đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATLĐ, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh viên giỏi, thu hút hàng nghìn lượt người lao động tham gia.
Nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã có ý thức trong việc trang bị
bảo hộ lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc thông thoáng, sạch sẽ, đóng bảo hiểm cho người lao động. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn tổ chức huấn luyện ATVSLĐ và kiểm tra nghiêm ngặt những kiến thức cơ bản về ATVSLĐ đối với người lao động trước khi được tuyển dụng vào công ty làm việc...
Các đơn vị quản lý Nhà nước tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện ATLĐ và thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất ở các doanh nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp không bảo đảm ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức như tổ chức mít tinh, phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng... nhằm nâng cao kiến thức ATVSLĐ cho người lao động, chủ sử dụng lao động, tạo sự chuyển biến đồng bộ về ý thức chấp hành pháp luật an toàn lao động, PCCN, bảo đảm tính mạng cho người lao động và tài sản của doanh nghiệp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm huấn luyện ATLĐ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động-Môi trường và Giám định y khoa tỉnh tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho hàng trăm chủ sử dụng lao động và hàng nghìn lao động trong toàn tỉnh. Đo môi trường làm việc và giám định sức khỏe cho người lao động... tập trung chính vào các doanh nghiệp dân doanh, cụm công nghiệp nhỏ, lẻ và ở các làng nghề. Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các chính sách, văn bản quy định chặt chẽ về chế độ cho người lao động, công tác ATVSLĐ, bảo hộ lao động..., nhất là chế độ hỗ trợ thai sản cho lao động nữ đối với doanh nghiệp khi vào đầu tư tại tỉnh, để người lao động yên tâm gắn bó cùng các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Tuy nhiên, qua công tác thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất từ đầu năm đến nay cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định, chính sách pháp luật về ATLĐ, VSLĐ, mới chỉ dừng lại ở môi trường làm việc thông thoáng, ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm, trang bị những bảo hộ cơ bản như quần áo, găng tay... còn đa số doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, hay phổ biến chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động. Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, không đo môi trường lao động và không kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ... Từ đó dẫn đến người lao động không lường hết được những tác hại về bệnh nghề nghiệp, nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động cho bản thân và ảnh hưởng đến hiệu quả sản suất, kinh doanh ở mỗi doanh nghiệp nếu xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ.
Thực trạng trên cần phải được chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai chương trình Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, coi đó là khâu quyết định trong việc đôn đốc, chỉnh đốn công tác ATVSLĐ ở khối doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ở các làng nghề, cụm công nghiệp nhỏ lẻ trong tỉnh. Mỗi doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn con người và an toàn cho sản xuất, kinh doanh.
Hoài Anh