Chưa được khen thưởng cán bộ có đơn thư tố cáo, khiếu nại
- Đó là một trong những chính sách mới đáng chú ý có hiệu lực trong tháng 12/2017.
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2017.
Chưa xét khen thưởng cho công chức có đơn thư khiếu nại, tố cáo
Nội dung này được thể hiện tại Thông tư số 08/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 15/12/2017.
Cụ thể, Thông tư quy định chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho tập thể, cá nhân đang trong thời gian bị xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định thêm một số nguyên tắc khác khi xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân, như: Không cộng dồn thành tích đã khen thưởng của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau; Không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích đạt được; Tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn tặng hình thức mức hạng nào thì xét, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng hình thức đó; Trong 01 năm không đề nghị cấp trên xét, tặng 02 hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho một tập thể hoặc một cá nhân (trừ thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất)…
Chỉ bị tước GPLX đối với loại xe đã điều khiển khi vi phạm
Đây là một trong những nội dung được Bộ Giao thông Vận tải quy định tại Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT, có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
Thông tư quy định rõ, trường hợp người vi phạm hành chính có Giấy phép lái xe tích hợp của Giấy phép lái xe có thời hạn và Giấy phép lái xe không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
Người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo Giấy phép lái xe và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc Giấy phép lái xe không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm (xe ô tô hoặc máy kéo hoặc xe mô tô).
Tước giấy phép lái xe đối với loại xe đã điều khiển khi vi phạm
Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong Giấy phép lái xe.
Người Việt chơi casino phải chứng minh thu nhập từ 10 triệu/tháng
Từ 01/12/2017, người Việt Nam chính thức được tham gia chơi tại các điểm kinh doanh casino trong nước, tuy nhiên, sẽ phải có hồ sơ chứng minh đủ năng lực tài chính. Đây là nội dung được Bộ Tài chính quy định rất cụ thể tại Thông tư số 102/2017/TT-BTC.
Theo đó, hồ sơ chứng minh năng lực tài chính gồm một trong hai loại giấy tờ: Chứng từ chứng minh có thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong vòng 01 năm trước khi vào chơi casino; Giấy tờ chứng minh người chơi có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.
Người Việt muốn chơi casino phải chứng minh thu nhập từ 10 triệu/tháng
Trong đó, Giấy tờ chứng minh người chơi có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên có thể là bản sao có chứng thực xác nhận thu nhập hàng tháng, bảng lương hàng tháng trong 03 tháng gần nhất; Bản sao có chứng thực hợp đồng cho thuê nhà, cho thuê tài sản; Bản sao có chứng thực sổ tiết kiệm ngân hàng, sao kê tiền gửi ngân hàng có thời hạn từ 01 năm trở lên…
Hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của người chơi phải được doanh nghiệp kinh doanh casino lưu giữ tối thiểu 05 năm để phục vụ công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
Không trang trí băng rôn khi đón khách nước ngoài thăm địa phương
Khi đón khách nước ngoài thăm địa phương, Bộ Ngoại giao yêu cầu không trang trí băng rôn, pano, khẩu hiệu chào mừng. Nếu trong chương trình đón tiếp có lễ ký kết thỏa thuận giữa hai bên, tại phòng ký kết có thể trang trí phông. Đây là nội dung của Thông tư số 05/2017/TT-BNG, có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
Trường hợp khách nước ngoài tham dự sự kiện tại địa phương, việc trang trí băng rôn, pano, khẩu hiệu chào mừng phải phù hợp với thông lệ lễ tân tổ chức của sự kiện, theo đề án và kế hoạch được phê duyệt với số lượng hợp lý, hình thức phù hợp và tại những địa điểm cần thiết.
Về tặng phẩm đối với khách nước ngoài thăm địa phương, chỉ tặng cho Trưởng đoàn khách và Phu nhân/Phu quân (nếu có). Trường hợp đặc biệt, có tặng phẩm tặng các thành viên đoàn. Tặng phẩm là sản phẩm đặc trưng của địa phương hoặc Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Sổ đỏ sẽ ghi tên tất cả thành viên trong gia đình
Đây là quy định mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 05/12/2017.
Theo đó, trên trang 01 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Sổ đỏ) được ghi như sau: Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” hoặc “gồm bà”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Sổ đỏ sẽ ghi tên tất cả thành viên trong gia đình từ ngày 05/12/2017
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Như vậy, so với quy định trước đây, Thông tư này đã bổ sung quy định về việc ghi tên lần lượt các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Nhân viên dịch vụ bảo vệ phải mặc sơ mi xanh hoặc trắng
Trang phục của nhân viên dịch vụ bảo vệ là một trong những nội dung được Bộ Công an quy định tại Thông tư số 42/2017/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 06/12/2017.
Theo đó, vào mùa xuân, hè, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải mặc áo sơ mi xanh da trời hoặc trắng, ngắn tay hoặc dài tay, trước ngực áo bên trái có gắn logo của doanh nghiệp; quần màu xanh đen, kiểu âu phục. Vào mùa thu, đông, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải mặc áo ngoài kiểu veston dài tay, màu xanh đen, quần giống như quần xuân hè. Đồng thời, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải đi giày da màu đen; đội mũ mềm, có lưỡi trai, màu cùng màu quần.
Đối với nhân viên dịch vụ bảo vệ làm việc tại các mục tiêu cần bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động có thể sử dụng thêm trang phục, thiết bị
bảo hộ lao động theo quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không dùng tiền mặt để thanh toán
Đây là quy định của Chính phủ tại Nghị định số 117/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/12/2017.
Cụ thể, Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xem xét, quyết định lựa chọn ngân hàng có uy tín hàng đầu ở nước sở tại để mở tài khoản phục vụ hoạt động của Cơ quan. Khi trả tiền cho bên thụ hưởng, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán và gửi chứng từ chi về Việt Nam để kiểm soát, không dùng tiền mặt để chi trả.
Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài chỉ được sử dụng tiền mặt để thanh toán trong các trường hợp sau: Cơ quan hoạt động tại nước có hệ thống tài khoản thanh toán chưa phát triển, đơn vị cung cấp dịch vụ không mở tài khoản ngân hàng; Các khoản chi được phép chi trả bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.
Giảm phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
Tại Thông tư số 111/2017/TT-BTC, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Mức phí mới được tính trên giá trị tài sản bán được, cụ thể như sau: Với giá trị tài sản dưới 05 tỷ đồng, mức thu phí là 90.000 đồng/trường hợp; Từ 05 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng, mức thu phí là 270.000 đồng/trường hợp; Trên 20 tỷ đồng, mức thu phí là 450.000 đồng/trường hợp.
Trong khi trước đây, mức thu phí đối với các trường hợp nêu trên lần lượt là 100.000 đồng/trường hợp; 300.000 đồng/trường hợp và 500.000 đồng/trường hợp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/12/2017.
Vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm, phạt đến 40 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 15/12/2017, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về các mức xử phạt vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm và trong sản xuất, pha chế khí, pha chế xăng dầu.
Theo đó, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất mũ bảo hiểm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm; Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản sản xuất mũ bảo hiểm đã hết hiệu lực.
Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm
Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất, pha chế khí, xăng dầu khi chưa được cấp Giấy chứng nhận; Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế khí, xăng dầu đã hết hiệu lực.
Trong cả hai trường hợp vi phạm nêu trên, đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; Buộc thu hồi Giấy chứng nhận.
Hoàng Lâm