I. Những nhiệm vụ cụ thể của công đoàn cơ sở trong công tác Bảo hộ lao động
1. Xây dựng và ký Thoả ước lao động tập thể có nội dung BHLĐ
Trong 6 nội dung cơ bản của Thoả ước lao động tập thể thì có 2 nội dung về BHLĐ: đó là thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Ngày làm việc không quá 8 giờ, tuần không quá 48 giờ (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh), tuần không quá 40 giờ (đối với các đơn vị hành chính - sự nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện theo chế độ này).
Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời giờ làm việc sẽ được rút ngắn 2 giờ trong ngày. Trong 6 giờ lao động liên tục có ít nhất 30 phút nghỉ (nếu làm ban ngày) và 45 phút nghỉ (nếu làm ban đêm).
Việc làm thêm giờ đối với người lao động được thực hiện không quá 200giờ/năm. Đối với các trường hợp đặc biệt do Nhà nước quy định, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng LĐLĐVN, nhưng cũng không quá 300giờ/năm.
- Điều kiện an toàn-vệ sinh lao động: Thoả ước lao động tập thể phải quy định rõ các chế độ BHLĐ cho người lao động như: Chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ bồi dưỡng cho các công việc nặng nhọc, độc hại, khám sức khoẻ định kỳ,…Phải áp dụng các tiêu chuẩn quy định đối với máy móc, thiết bị, ngành nghề và thực hiện các biện pháp đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh cho NLĐ.
Ngoài việc xây dựng và ký Thoả ước lao động tập thể, Công đoàn cơ sở còn có nhiệm vụ tham gia xây dựng nội quy lao động ở Doanh nghiệp và các quy chế khác có liên quan đến việc quản lý và thực hiện công tác BHLĐ ở cơ sở.
2. Tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, huấn luyện bảo hộ lao động cho người lao động
* Công đoàn cơ sở tuyên truyền hướng dẫn luật pháp và các chính sách chế độ BHLĐ cho NLĐ.
Các hình thức: cung cấp tài liệu, tờ rơi, tranh BHLĐ, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ BHLĐ, xây dựng góc tuyên truyền về BHLĐ. Nội dung gồm:
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác BHLĐ (NSDLD có 7 nghĩa vụ, 3 quyền hạn; NLĐ có 3 nghĩa vụ và 3 quyền hạn).
- Nội quy, quy chế làm việc an toàn, kỷ luật lao động; quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn lao động.
- Chế độ trang bị và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (đặc biệt lưu ý không được khoán chế độ này vào lương).
- Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho những người làm công việc nặng nhọc, độc hại (không được phát thay bằng tiền).
- Chế độ với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
- Chế độ lao động nữ, lao động là người khuyết tật…(Nghiêm cấm người sử dụng lao động sử dụng lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các hoá chất độc hại có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh đẻ, nuôi con).
* Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động để tổ chức huấn luyện về BHLĐ cho người lao động. Có các loại: huấn luyện bước đầu, huấn luyện định kỳ, huấn luyện lại khi chuyển công việc. Huấn luyện BHLĐ phải có sát hạch, ghi kết quả vào sổ theo dõi huấn luyện. Đối với các công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn chỉ giao việc cho người đã được huấn luyện BHLĐ đạt yêu cầu và được cấp thẻ an toàn sau khi kiểm tra.
3. Tham gia xây dựng kế hoạch BHLĐ
Xây dựng kế hoạch BHLD là trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Hàng năm khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch BHLĐ.
Kế hoạch BHLĐ của cơ sở phải bảo đảm đủ 5 nội dung:
- Các biện pháp về kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ;
- Các biện pháp về vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc;
- Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân;
- Chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp;
- Tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện BHLĐ.
Để kế hoạch BHLĐ sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, mang tính khả thi, BCH công đoàn cần lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, CNLD tham gia với người sử dụng lao động trước khi ban hành.
4. Việc kiểm tra, giám sát công tác BHLĐ tại cơ sở
Công đoàn cơ sở cần chủ động tham gia, đề xuất để người sử dụng lao động tổ chức thực hiện và quy định hình thức, thời hạn kiểm tra công tác BHLĐ ở cơ sở.
Nội dung kiểm tra có thể bao gồm toàn bộ các mặt về công tác BHLĐ hoặc có thể một mặt nào đó, cần chú ý đặc biệt vào việc kiểm tra thực hiện kế hoạch BHLĐ; thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật BHLĐ của cơ sở; tình trạng của máy móc thiết bị (đặc biệt là các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt); điều kiện nơi làm việc (thông gió, ánh sáng…); phương án sử lý sự cố và sơ, cấp cứu người trong trường hợp xảy ra tai nạn; phương án PCCC…
Theo quy định của pháp luật, việc định kỳ tự kiểm tra toàn diện phải được tiến hành 3 tháng/lần ở cấp doanh nghiệp và 1 tháng/lần ở cấp phân xưởng.
Cần tập trung kiểm tra sau khi sửa chữa lớn, thay đổi máy móc, thiết bị, kiểm tra trong mùa mưa bão, việc kiểm tra định kỳ cũng có thể kết hợp để chấm điểm xét duyệt thi đua.
Các cơ sở SXKD phải lập sổ kiến nghị và sổ ghi biên bản kiểm tra về an toàn - vệ sinh lao động. Các loại sổ này là hồ sơ gốc của hoạt động tự kiểm tra, tiếp nhận sự đóng góp, phản ánh ý kiến của CNLĐ về tình hình an toàn vệ sinh lao động để tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục.
5. Tham gia điều tra xử lý các vụ tai nạn lao động
Khi có TNLĐ xảy ra ở doanh nghiệp, công đoàn cơ sở phải thể hiện vai trò là chỗ dựa của người lao động. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm làm 11 việc: 1. Sơ cứu, cấp cứu; 2. Khai báo tai nạn lao động; 3. Giữ nguyện hiện trường; 4. Cung cấp vật chứng, tài liệu theo yêu cầu của đoàn điều tra; 5. Tạo điều kiện cho người làm chứng gặp đoàn điều tra; 6. Tổ chức điều tra, lập biên bản các vụ TNLĐ theo quy định; 7. Gửi biên bản điều tra TNLĐ do cơ sở lập cho người bị nạn,cơ quan BHXH và các cơ quan thuộc thành phần đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh; 8. Thông báo vụ TNLĐ tới người lao động cơ sở của mình và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa; 9. Lưu giữ hồ sơ các vụ TNLĐ; 10. Chịu mọi chi phí cho việc điều tra TNLĐ kể cả việc điều tra lại TNLĐ; 11. Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả.
Khi xảy ra TNLĐ, người sử dụng lao động phải tổ chức điều tra điều tra lập biên bản, có sự tham gia của đại diện Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời. Biên bản điều tra TNLĐ của cơ sở phải có chữ ký của đại diện công đoàn cơ sở.
Phải lưu giữ hồ sơ TNLĐ tới lúc người lao động về hưu; nếu là TNLĐ chết người thì hồ sơ phải lưu giữ tới 15 năm.
Việc bồi thường và trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như sau:
- Đối với trường hợp không do lỗi của người lao động: người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân của người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10% thì người sử dụng lao động bồi thường ít nhất 1,5 tháng lương và phụ cấp lương (nếu có); nếu bị suy giảm khả năng lao động trên 10% đến dưới 81% thì cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương và phụ cấp (nếu có).
- Đối với các trường hợp do lỗi của người lao động: người sử dụng lao động trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân của người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Còn trong trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường theo tỷ lệ tương ứng nêu trên (Nghị định 110/2002/CP ngày 27/12/2002).
Khi tham gia điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động, công đoàn cơ sở cần có chính kiến rõ ràng, tránh khuynh hướng đổ hết lỗi cho người lao động (nhất là đối với các vụ tai nạn lao động chết người) và kiến nghị các biện pháp để đề phòng tai nạn tái diễn.
6. Tổ chức phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ
Đây là nhiệm vụ công đoàn cơ sở phải trực tiếp thực hiện. Bao gồm một việc như sau:
* Thực hiện phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”;
Công đoàn cơ sở phải chủ động đề nghị với người sử dụng lao động thực hiện hàng năm, tổ chức cho người lao động tham gia phong trào với mục tiêu:
- Làm cho bộ mặt, cảnh quan cơ sở , doanh nghiệp ngày càng xanh, sạch và đẹp, thông qua các hoạt động trồng cây, làm vườn hoa cây cảnh, giữ gìn chăm sóc tốt để môi trường trong sạch, thoáng đãng, xanh tươi đẹp đẽ;
- Bảo đảm cho điều kiện và môi trường lao động trong khu vực sản xuất được cải thiện hơn, bớt ô nhiễm, góp phần phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Nâng cao văn hoá sản xuất, giúp cho người lao động càng thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị cơ sở, phấn khởi nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả công tác.
* Tổ chức và quản lý hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV):
* Nguyên tắc tổ chức:
- Tổ chức Công đoàn quản lý hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
- Người sử dụng lao động phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở ra quyết định công nhận ATVSV, thông báo công khai để mọi người biết.
- Tất cả các doanh nghiệp đều phải tổ chức mạng lưới ATVSV.
- ATVSV bao gồm những người lao động trực tiếp sản xuất, có am hiểu về nghiệp vụ, có nhiệt tình, được tổ, đội bầu ra.
- Mỗi tổ sản xuất phải bố trí ít nhất một ATVSV; đối với các công việc làm phân tán theo nhóm thì nhất thiết mỗi nhóm phải có một ATVSV.
- Để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động, tổ trưởng sản xuất không là ATVSV.
- ATVSV có chế độ sinh hoạt, được bồi dưỡng nghiệp vụ và được động viên về vật chất và tinh thần để hoạt động có hiệu quả.
+ Nhiệm vụ và quyền hạn của an toàn vệ sinh viên:
- Đôn đốc và kiểm tra giám sát mọi người trong tổ chấp hành nghiêm chỉnh về công tác ATVSV trong sản xuất, bảo quản các thiết bị an toàn và sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân; kiến nghị với tổ trưởng sản xuất chấp hành các chế độ về BHLĐ; hướng dẫn các biện pháp an toàn đối với công nhân mới tuyển dụng hoặc mới chuyển đến làm ở tổ;
- Tham gia góp ý với tổ trưởng sản xuất trong việc đề xuất kế hoạch BHLĐ, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện làm việc;
- Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ BHLĐ, biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những hiện tượng thiếu an toàn vệ sinh của máy, thiết bị và nơi làm việc.
+ Nhiệm vụ của công đoàn cơ sở về quản lý và chỉ đạo hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên:
Việc tổ chức và quản lý hoạt động của mạng lưới ATVSV, dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Công đoàn cơ sở cần phối hợp đến người sử dụng lao động cụ thể hoá về các mặt pháp lý, chế độ sinh hoạt nghiệp vụ, chế độ động viên vật chất, tổ chức hội thi, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn cho mạng lưới ATVSV.
* Phát huy sáng kiến, áp dụng tiến bộ KHKT để cải thiện điều kiện lao động:
Hiện nay các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, Lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động đều có nội dung phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về BHLĐ, cải thiện điều kiện lao động. Công đoàn cơ sở cần tổ chức phát động và tổng kết phong trào cơ sở.
* Tổ chức kiểm tra chấm điểm thi đua về BHLĐ:
Hàng năm Công đoàn cơ sở phải chủ động tiến hành tự kiểm tra thực hiện phong trào quần chúng thi đua làm công tác BHLĐ (theo Hướng dẫn 494/TLĐ), tổ chức biểu dương khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác BHLĐ.
* Tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền:
Bằng các hình thức mới như tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ BHLĐ, xây dựng các góc BHLĐ tại nơi làm việc
II. Tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động ở doanh nghiệp
1. Bộ máy, cán bộ làm công tác BHLĐ
* Hội đồng BHLĐ:
- Chức năng: Hội đồng BHLĐ là tổ chức phối hợp và tư vấn các hoạt động BHLĐ ở cơ sở và để đảm bảo quyền được tham gia, kiểm tra giám sát về BHLĐ của công đoàn cơ sở.
- Nhiệm vụ: Tư vấn để xây dựng quy chế quản lý công tác BHLĐ, kế hoạch BHLĐ, các biện pháp ATVSLĐ. Đánh giá công tác BHLĐ, định kỳ kiểm tra và yêu cầu người quản lý loại trừ các nguy cơ mất an toàn…
- Cơ cấu tổ chức: Đại diện người sử dụng lao động là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở doanh nghiệp là Phó Chủ tịch.
* Bộ phận BHLĐ ở doanh nghiệp:
- Tổ chức: Tuỳ theo đặc điểm sản xuất và mức độ nguy hiểm của công việc, số lượng lao động, địa bàn phân tán hay tập trung của doanh nghiệp mà người sử dụng lao động tổ chức phòng, ban hoặc cử cán bộ làm công tác BHLĐ, nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu là: Doanh nghiệp có dưới 300 lao động phải có 1 cán bộ bán chuyên trách, trên 300 lao động phải có 1 cán bộ chuyên trách, trên 1000 lao động phải có 2 cán bộ chuyên trách hoặc có phòng, ban BHLĐ.
- Nhiệm vụ: Tham mưu soạn thảo các văn bản BHLĐ, kế hoạch BHLĐ, hướng dẫn thực hiện các văn bản. Kiểm tra việc thực hiện; phối hợp với bộ phận kỹ thuật để quản lý, sử dụng tốt các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt; tổ chức huấn luyện an toàn lao động…
* Bộ phận y tế ở doanh nghiệp:
Chức năng: Là bộ phận tham mưu cho người sử dụng lao động và công tác vệ sinh lao động.
- Tổ chức: Tuỳ theo đặc điểm, mức độ độc hại, nguy hiểm của sản xuất mà doanh nghiệp bố trí số lượng cán bộ y tế, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc sau: Nơi nhiều yếu tố độc hại thì dưới 150 lao động phải có 1 y tá từ 150 đến dưới 300 lao động phải có 1 y sỹ; trên 300 lao động phải có 1 bác sỹ và 1 y tá. Còn trên 1000 lao động thì bất luận nhiều hay ít độc hại phải có 1 trạm y tế hoặc phòng, ban riêng.
* Ban Chấp hành công đoàn cơ sở:
Cử 1 cán bộ trong Ban Chấp hành phụ trách công tác BHLĐ có trách nhiệm phối hợp với bộ phận y tế Doanh nghiệp; tham mưu giúp Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tham gia phối hợp với Hội đồng BHLĐ Doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về BHLĐ ở cơ sở, tổ chức phong trào quần chúng làm BHLĐ và tổ chức hoạt động mạng lưới ATVSV.
2. Hệ thống hồ sơ, sổ sách quản lý công tác BHLĐ ở doanh nghiệp
* Các văn bản của Nhà nước và Tổng Liên đoàn về BHLĐ, các quyết định của Doanh nghiệp:
- Các văn bản quy phạm pháp luật về BHLĐ như các Luật, Nghị định, Thông tư,Chỉ thị…liên quan đến công tác BHLĐ.
- Các quy trình, quy phạm về an toàn lao động, tiêu chuẩn kiểm tra an toàn của máy móc, thiết bị, phương án phòng cháy - chữa cháy; các loại quyết định về thành lập Hội đồng BHLĐ và phân cấp trách nhiệm, quyết định về thành lập mạng lưới ATVSV và quy chế hoạt động của mạng lưới đó, kế hoạch BHLĐ…
* Các hồ sơ, sổ sách quản lý công tác BHLĐ:
+ Sổ theo dõi công tác huấn luyện BHLĐ với các mục:
- Nội dung huấn luyện; thời gian huấn luyện.
- Họ tên và trình độ chuyên môn của người huấn luyện.
- Danh sách họ tên, nơi làm việc của người học, kết quả sát hạch (đạt hay không đạt) và chữ ký của học viên.
+ Sổ kiến nghị và sổ ghi biên bản kiểm tra về an toàn lao động:
Là yêu cầu bắt buộc ở các doanh nghiệp, cần có các mục:
- Thời gian kiểm tra - Nội dung kiểm tra.
- Người kiểm tra - Người (hoặc tập thể) có trách nhiệm phải xử lý, khắc phục.
- Thời hạn phải hoàn thành.
+ Sổ thống kê tai nạn lao động:
+ Hồ sơ quản lý sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp:
- Hồ sơ cấp cứu tai nạn lao động.
- Hồ sơ quản lý bệnh nghề nghiệp.
Ngoài ra, các hồ sơ vệ sinh lao động xí nghiệp, kết quả đo kiểm tra môi trường lao động cũng cần phải lưu giữ ở cơ sở.