Công đoàn góp phần tích cực trong công tác bảo hộ lao động
Ngày 20.11, tại Đà Nẵng, Tổng LĐLĐVN tổ chức tổng kết chương trình quốc gia về ATLĐ, VSATLĐ giai đoạn 2011-2015, đồng thời, xây dựng chương trình giai đoạn 2016-2020. Đại diện Bộ LĐTBXH và lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh, thành trong cả nước về tham dự. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình quốc gia về ATVSLĐ
chủ trì hội nghị.
Đẩy mạnh các phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ
Theo ông Vũ Anh Đức – Phó Trưởng Ban QHLĐ, Tổng LĐLĐVN - các hoạt động của Chương trình quốc gia về BHLĐ, ATVSLĐ do TLĐLĐVN phát động thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết đối với việc đẩy mạnh các hoạt động phong trào quần chúng làm công tác
bảo hộ lao động trong thời kỳ CNH, HĐH. Đối với Hoạt động “H”- Dự án 3 về "Các hoạt động nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ trong thời kỳ CNH, HĐH", các cấp CĐ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuyên truyền, huấn luyện luật pháp về BHLĐ cho cán bộ, CNLĐ. Đặc biệt, các cấp CĐ đã xây dựng mô hình các phong trào quần chúng làm tốt công tác BHLĐ (góc BHLĐ); mô hình liên kết cụm thi đua phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ - PCCN”; mô hình CĐCS vận động CNLĐ tham gia hệ thống quản lý ATVSLĐ ở DN… đã góp phần to lớn trong việc thực hiện tốt công tác ATVSLĐ tại cơ sở.
Trong 5 năm qua, đã biên soạn và cung cấp 19.000 sổ tay ATVSV, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho NLĐ, NSDLĐ. Đồng thời, các cấp CĐ đã tổ chức tập huấn cho 1.320 ATVSV và hơn 300 cán bộ CĐ về hoạt động mạng lưới ATVSV; tổ chức nghiên cứu biên soạn bộ tài liệu dùng cho giảng viên nguồn và đã đào tạo được 100 giảng viên nguồn về ATVSLĐ cho các địa phương, ngành có đông CNLĐ. Cũng trong 5 năm, TLĐLĐVN đã hỗ trợ 12 tỉnh, thành phố tổ chức thành công Hội thi ATVSV giỏi các cấp. Đặc biệt, năm 2012, TLĐLĐVN đã tổ chức cho đoàn cán bộ gồm 4 người đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về công tác ATVSLĐ tại Australia để tham khảo áp dụng tại Việt Nam.
Ông Lê Văn Trình – Trưởng Ban QLDA 4, CTQG ATVSLĐ – cho biết - dự án 4 về “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSLĐ” do Tổng LĐLDVN chủ trì có mục tiêu là nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho NLĐ, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế sản xuất ở Việt Nam. Qua 5 năm triển khai, đã đánh giá phân tích hiện trạng và hiệu quả các giải pháp kỹ thuật cải thiện môi trường và điều kiện làm việc tại 14 cơ sở, thực hiện 63 chuyên đề khoa học; xây dựng 17 mô hình cơ sở sản xuất điển hình với một số giải pháp cải thiện MTLĐ. Tiêu biểu: Mô hình thông gió chống nóng giảm bụi cho Công ty COSEVCO (2012), hệ thống thông gió khử nhiệt thừa phân xưởng may Cty may Tuấn Kỳ Hải Dương (2013), mô hình xử lý ô nhiễm nhiệt cho Cty CP May Khánh Hòa (2014), hệ thống thông gió chống nóng và hơi khí độc cho xưởng in Cty in Thanh Hoá (2015)…
Tăng cường chức năng kiểm tra giám sát của công đoàn
Tham gia thảo luận, đại diện LĐLĐ tỉnh Nghệ An - cho rằng, dự án được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia nhưng chương trình hành động hơi bao la, vì vậy, tổ chức CĐ cần chọn một hành động có tính đột phá để đưa vào diện trung ương hỗ trợ.
Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ nếu ý kiến - cần làm rõ thêm vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chương trình. Có kế hoạch đăng ký từng năm về việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác ATVSLĐ. Từ đó, ông Hùng kiến nghị, Tổng LĐLĐVN cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong công tác đảm bảo
ATVSLĐ. "NSDLĐ hiện nay chủ yếu nghe chính quyền, qua đó, chính quyền sẽ chỉ đạo, hỗ trợ đối với tổ chức CĐ. Như vậy, trách nhiệm của chính quyền trong việc này như thế nào. Bên cạnh đó, nên chăng ngoài chính sách của Nhà nước, cần có chế độ nhất định đối với đội ngũ ATVS viên" - ông Hùng phân vân.
Quang cảnh hội nghị
Theo ông Bùi Ngọc Quang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, ngoài tăng cường tập huấn, trước hết là ở cơ sở cần đẩy mạnh các hội thi về ATVSLĐ để khuyến khích các phong trào thi đua. Ông Quang chỉ ra một bất cập hiện nay là CĐ chỉ phối hợp, kiểm tra, nên cứ phải khi nào Sở LĐTBXH mời thì mình mới đi. Đơn cử Bắc Ninh, mỗi năm kiểm tra chỉ có 30 cuộc. Bình quân mỗi năm chỉ kiểm tra được 3 DN, không thấm tháp gì, trong khi lực lượng kiểm tra thì quá mỏng. Ông Quang đề xuất, Tổng LĐLĐ VN cần có trang web thông tin về các quy định ATVSLĐ và nêu tình hình VSATLĐ để phổ biến rộng khắp đến các DN.
Ghi nhận các ý kiến, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Mai Đức Chính nhấn mạnh, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh, thành phố, đặc biệt là các cấp CĐ phải tập trung chỉ đạo tăng cường các phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo ATVSLĐ” trong các DN; có tiêu chí phù hợp để triển khai sâu rộng trong CNVCLĐ, đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ ATVSV; CĐ cấp trên phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đặc biệt tham gia cùng các bên vào công tác điều tra TNLĐ , việc này đòi cán bộ CĐ phải tăng cường trau dồi nghiệp vụ.
"Nếu phát hiện NSDLĐ có hành vi vi phạm về công tác ATLĐ, BHLĐ, nguy cơ dẫn đến TNLĐ chết người thì CĐ phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt tình hình chứ không phải chờ đoàn thanh tra LĐ đến, DN "chạy" rồi xử phạm hành chính là không được" - ông Chính nói.