Công nhân đang đánh đổi mạng sống ở công trình HQC Plaza?
Công nhân làm việc không được công ty chủ quản ký hợp đồng lao động, mua bảo hiểm, thậm chí không trang bị
bảo hộ lao động đầy đủ...
Đây là một thực tế đang diễn ra không chỉ với công trình nhà nhỏ lẻ mà ngay cả các dự án xây dựng lớn như Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza.
Tai nạn chết người vẫn thi công… bình thường
Trong tháng 7 vừa qua, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 9 người thương vong. Đầu tiên là sự cố sập giàn giáo tại công trình Saigon South Office (Phường Tân Phong, Quận 7) do Công ty cổ phần xây dựng và địa ốc Hòa Bình làm nhà thầu chính.
Ngay khi sự việc xảy ra, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đơn vị liên quan trực tiếp và yêu cầu đình chỉ thi công công trình này. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cũng đã đề nghị cơ quan chức năng phải nhanh chóng kiểm tra, giám định các nguyên nhân sai phạm để khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
Đại diện Sở Xây dựng khẳng định sau khi xác định được nguyên nhân sẽ xử lý trách nhiệm tổng thầu thi công, tư vấn quản lý dự án, giám sát, chủ đầu tư và cá nhân có liên quan.
Gần đây nhất là vụ tai nạn xảy ra vào chiều 28/7 tại công trình HQC Plaza nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, ấp An Phú Tây, huyện Bình Chánh khiến 2 người thương vong. Dự án này do Công ty Cổ phần TV – TM – DV Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà Bảo Linh (Công ty Bảo Linh).
Theo anh N.V.T, công nhân đang làm việc ở công trình thời điểm xảy ra tai nạn, nguyên nhân ban đầu dẫn đến tai nạn là trong lúc dọn dẹp bên trong hộp thang máy, hai người đã bất cẩn rơi từ tầng 12 xuống đất trong điều kiện không thắt dây an toàn.
Bên trong công trình HQC Plaza, nơi xảy ra vụ tai nạn làm 2 người thương vong.
Mặc dù để xảy ra tai nạn chết người thế nhưng theo quan sát của phóng viên Infonet vào các ngày sau đó đơn vị thi công vẫn tiếp tục cho thi công như bình thường. Bà Lê Thị Ngọc Thúy – Phó Chủ tịch Xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh cho biết, xã chưa nhận được bất kỳ văn bản liên quan đến việc đình chỉ thi công dự án này và hiện việc xây dựng vẫn đang được tiến hành. Cũng theo bà Thúy, xã có nhận được giấy mời phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra công tác xây dựng tại công trình HQC Plaza nhưng chưa đến lịch kiểm tra thì tai nạn xảy ra.
Theo quy định, khi công trình xảy ra tai nạn chết người thì cơ quan chức năng phải phong tỏa hiện trường để làm rõ nguyên nhân. Nếu phát hiện có dấu hiệu không đảm bảo về an toàn trong xây dựng thì phải đình chỉ thi công. Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên Infonet nhận thấy công tác đảm bảo an toàn tại công trình HQC Plaza này là... có vấn đề.
Công nhân không có hợp đồng, bảo hiểm?
Một ngày đầu tháng 8/2015, trong vai công nhân muốn xin vào làm việc tại công trình HQC Plaza, chúng tôi liên hệ với ông Hưng (người của Công ty K.P). Chỉ qua cuộc điện thoại, ông Hưng liền cho người ra tận cổng công trường dẫn chúng tôi vào giao việc làm ngay.
Tại block HQ1, chúng tôi được giao các việc như chuyển xà bần từ lầu 4 xuống lầu 1, leo ra giàn giáo nhặt lưới sắt vương vãi… Đáng nói là chúng tôi không hề được trang bị bảo hộ lao động thiết yếu như nón, giày, dây đai an toàn. Chúng tôi thắc mắc thì được ông Hưng trả lời, tại đây chỉ phát áo còn các thứ khác người lao động tự mua, nón bảo hộ thì mua ngoài cửa hàng với giá 15 ngàn đồng/cái (!?).
Công nhân xây tô tên H. (30 tuổi, quê An Giang) cho hay, anh vào làm việc tại công trình này được vài tháng nay nhưng không hề được ký bất cứ hợp đồng lao động hay bảo hiểm gì. Trò chuyện với một nhóm công nhân làm việc cho công ty T.H (đơn vị thi công điện nước tại block HQ1) thì những người này cũng cho biết không ai có hợp đồng lao động, dù có người đã làm được hơn nửa năm.
Công nhân làm việc tại công trình HQC Plaza không trang bị bảo hộ lao động.
Ông Hưng cho biết công ty trả lương mỗi ngày làm là 180 ngàn đồng/người, hai tuần lãnh lương một lần. Khi chúng tôi hỏi về việc ký hợp đồng lao động, ông Hưng nói: “Làm với công ty mà hợp đồng gì? Mỗi người vào làm thì nộp chứng minh nhân dân và ảnh để mua bảo hiểm tai nạn. Nếu có gì (tai nạn - PV) thì công ty trích 20% ra để hỗ trợ thôi. Còn mình là công nhân không có học thì làm gì có bảo hiểm đó (bảo hiểm y tế - PV)”. Chúng tôi truy hỏi kỹ hơn về vấn đề chi trả bảo hiểm thì ông Hưng né tránh.
Theo một chuyên gia xây dựng tại TP.HCM, để cắt giảm chi phí các nhà thầu chính thường chia nhỏ gói thầu cho ra đơn vị khác. Điều này dẫn đến đơn vị tư vấn giám sát gặp khó trong việc giám sát thi công, thậm chí vì lợi nhuận và cho kịp tiến độ thi công, các nhà thầu nhỏ lại bỏ qua quyền lợi của công nhân. Chính vì vậy, người lao động sẽ rất thiệt thòi.
Ông Huỳnh Tấn Dũng – Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM cho hay, với những công trình đã xảy ra tai nạn lao động, nguyên nhân đang được cơ quan chức năng phối hợp làm rõ. Bên cạnh việc lập kế hoạch thanh tra thường xuyên, khi có thông tin bất kỳ dự án nào thi công không đảm bảo an toàn lao động sở sẽ đưa vào kế hoạch hoặc thực hiện kiểm tra đột xuất.
“Nếu có thông tin dự án HQC Plaza không đảm bảo an toàn trong thi công thì thời gian tới sở sẽ tổ chức kiểm tra. Trong năm 2014, sở đã kiểm tra công trình này và ra quyết định xử phạt hành chính vì không đảm bảo an toàn trong thi công”, ông Dũng khẳng định.
Như vậy, vấn đề không đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng tại công trình HQC Plaza đã tồn tại nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện. Vì sao sau tai nạn chết người công trình này vẫn tiếp tục thi công như chưa hề có chuyện gì xảy ra?
Trong sáu tháng đầu năm 2015, Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM đã thanh kiểm tra tổng cộng 37 công trình, xử phạt hành chính 15 nhà thầu liên quan đến vi phạm về các vấn đề không đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng như không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, người lao động không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân tại công trình, không sử dụng đầy đủ đai an toàn khi làm việc trên cao… thời gian qua, sở đã đề nghị khởi tố ba vụ tai nạn lao động không đảm bảo các biện pháp an toàn, dẫn đến chết người.
Theo số liệu thống kê của Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM ba năm gần đây cho thấy, qua mỗi năm tai nạn lao động tăng lên cả về số vụ và người tử vong. Năm 2014, toàn thành phố xảy ra 101 vụ tai nạn lao động chết người, trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm 65%. Sáu tháng đầu năm 2015 tiếp tục ghi nhận 37 vụ tai nạn lao động làm chết 41 người.
Chị D - Chị ruột của công nhân Nguyễn Thanh Qui (nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn tại công trình HQC Plaza) cho biết, hơn 10 ngày nay từ lúc nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng vùng đầu, gãy xương đùi… đến nay Qui vẫn đang hôn mê sâu và bác sĩ cho biết não của Qui đã bị phù, tiên lượng xấu. Theo chị D, em trai chị làm việc cho Công ty P.M được khoảng 20 ngày thì bị tai nạn. Hiện gia đình chị mới chỉ nhận được 20 triệu đồng tiền hỗ trợ từ công ty này, chưa kể viện phí. “Qui là lao động chính trong nhà, hàng tháng đều gửi tiền về quê nuôi ba mẹ và em út. Tthời gian tới đây công ty không lo nữa thì gia đình biết lấy tiền đâu mà chạy chữa cho em”, chị D. lo lắng.
Phương Anh Linh