Đọc bài viết "Người Việt vừa làm, vừa chơi", trong đó đề cập nhiều cái "tệ nhất" của đội ngũ công nhân, tôi thấy... nóng mũi. Thật sự những cái "tệ" ấy chính là do cách quản lý mà ra. Đó là một sự thật mà tôi đã rút ra được sau gần 20 năm phụ trách công tác nhân sự ở 3 doanh nghiệp.
Công ty đầu tiên là một công ty gia đình, tôi làm việc 3 năm. Công ty thứ hai là một doanh nghiệp may mặc có vốn đầu tư của Hàn Quốc, tôi làm việc 5 năm. Và cuối cùng là một công ty của Nhật Bản, chuyên về cơ khí chính xác tại TP HCM, tôi đã gắn bó với nơi đây hơn 10 năm và có ý định ở lại đây cho đến khi về hưu.
Ai cũng biết, "quốc có quốc pháp, gia có gia quy", còn công ty thì có... nội quy. Nội quy lao động là những phép tắc mà người chủ doanh nghiệp có quyền đặt ra trên cơ sở luật pháp. Hiểu nôm na, công ty là nhà, chủ nhà có quyền đặt ra phép tắc; công nhân là khách, muốn vào ở trong nhà thì phải tuân thủ phép tắc trong nhà người ta chứ không thể tùy tiện vứt rác lung tung, quăng giày dép tứ phía, đi vệ sinh không dội rửa, tụ tập nhậu nhẹt thâu đêm...
Như vậy, cái quyền của người chủ rất lớn. Người lao động muốn vào công ty làm việc, trước tiên phải hiểu biết và chấp nhận các phép tắc ấy. Ví dụ, công ty quy định không được hút thuốc thì dứt khoát trong phạm vi 4 bức tường của nhà máy, không ai được làm điều đó, kể cả lãnh đạo cao nhất. Quy định không được mang đồ ăn, thức uống vào nơi làm việc thì công ty phải bảo đảm có đồ ăn, thức uống đầy đủ theo nhu cầu của công nhân; sau đó nếu ai vi phạm phải bị xử lý. Đi trễ 1 lần, lập biên bản; đi trễ 2 lần khiển trách, đến lần thứ 3 thì không còn lý do gì giữ lại một người lao động thiếu ý thức như vậy.
Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng làm thì không đơn giản. Thậm chí, nếu làm không khéo thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp. Và kinh nghiệm tôi rút ra được ở công ty mình đang phục vụ là giáo dục đi kèm kiểm tra, xử lý dứt khoát.
Người lao động trước khi được tuyển dụng sẽ được công ty phát cho bản nội quy lao động để về nghiên cứu kỹ lưỡng. Công ty không chiêu dụ, không tô hồng mà nói rõ các quy tắc, chuẩn mực; nếu người lao động chấp nhận thì cửa công ty luôn rộng mở; ngược lại thì xin mời đi tìm nơi khác.
Ngay sau khi được tuyển dụng, công ty sẽ tổ chức học tập nội quy lao động, huấn luyện an toàn lao động- vệ sinh lao động, cho công nhân thực tập các quy định, thao tác trên máy móc thiết bị. Thời gian để làm việc này là 1 tuần lễ. Xong thời gian huấn luyện sẽ có kiểm tra. Ai đạt yêu cầu và muốn tiếp tục cộng tác với công ty thì sẽ tiến hành ký kết hợp đồng lao động. Xin nói rõ, công ty xem thời gian huấn luyện là thời gian thử việc, sau đó thì ký hợp đồng chính thức.
Các quy định của công ty như đi làm đúng giờ, ăn mặc tề chỉnh, mang phương tiện
bảo hộ lao động đầy đủ, khi làm việc không nói chuyện riêng, không sang chỗ làm việc của người khác... công nhân phải chấp hành nghiêm; không có chuyện du di, ngoại lệ.
Ở công ty của chúng tôi, nếu công nhân bị bắt gặp không đeo găng tay, sẽ bị lập biên bản; tái phạm trong vòng 1 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng. Tương tự, công ty phát khẩu trang nhưng nếu công nhân không đeo cũng sẽ bị nhắc nhở, xử lý.
Từng việc nhỏ như vậy, phải làm nghiêm thì chuyện lớn mới thành nề nếp. Tất nhiên để nội quy lao động được thực hiện nghiêm thì phải có người kiểm tra, giám sát, nhắc nhở. Quản lý bộ phận nào để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm; bị cắt khen thưởng, thi đua...
Tóm lại, công nhân "nên" hay "hư" là do cách giáo dục và việc thực hiện các quy tắc của doanh nghiệp. Câu chuyện ngụ ngôn về người mang đôi giày mới có thể áp dụng trong trường hợp này: Nếu giày bị dính bùn, phải lau sạch ngay chứ dứt khoát không được để lấm bẩn cả đôi giày rồi mới mang giặt luôn một thể. Cho nên, công nhân "hư"; công nhân vừa làm vừa chơi; công nhân thế này, thế kia... phần lớn là do cách quản lý của doanh nghiệp chứ không phải do ai khác!