Công nhân khai thác đá trái phép không bảo hộ lao động.
Ai tiếp tay cho nạn khai thác đá trái phép ở Bá Thước?
Nạn khai thác đá trái phép đang hoạt động tại huyện Bá Thước - Thanh Hóa đã tồn tại cả chục năm nay. Các ông chủ đá tiến hành khai thác giữa thanh thiên bạch nhật, mức độ ngày càng lớn nhưng vẫn không bị các cơ quan chức năng xử lý. Phải chăng những ông chủ này đã tạo cho mình một “vỏ bọc” an toàn?
Nạn khai thác đá trái phép đang hoạt động tại huyện Bá Thước - Thanh Hóa đã tồn tại cả chục năm nay. Các ông chủ đá tiến hành khai thác giữa thanh thiên bạch nhật, mức độ ngày càng lớn nhưng vẫn không bị các cơ quan chức năng xử lý. Phải chăng những ông chủ này đã tạo cho mình một “vỏ bọc” an toàn?
Dọc theo Quốc lộ 15A, từ thị trấn Đồng Tâm đến làng Luồng, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước dài chừng 2 km nhưng có tới 6 mỏ khai thác đá trái phép đang hoạt động rầm rộ tại đây. Trong đó có một số điểm khai thác của những cá nhân trên địa bàn và một số điểm khai thác phục vụ cho xí nghiệp khai thác đá Bình Minh, hoạt động duới danh nghĩa của Cty TNHH Yên Dũng đóng trên địa bàn Huyện Đông Sơn.
Công nhân lao động ở những điểm khai thác đá trái phép này làm việc không được cấp bảo hộ lao động.
Công nhân lao động ở những điểm khai thác đá trái phép này làm việc không được cấp
bảo hộ lao động. Theo điều tra của chúng tôi, Xí nghiệp khai thác đá Bình Minh xã Thiết Kế hoạt động gần chục năm nay. Mỗi ngày, xí nghiệp này vận chuyển hàng nghìn khối đá từ nơi khai thác đi tiêu thụ. Xí nghiệp Bình Minh với những tổ hợp khai thác và xẻ đá hoạt động ngày đêm. Đây chính là “đại bản doanh” an toàn nhất được các chủ doanh nghiệp, tổ chức cá nhân… khai thác đá trái phép ở khu vực để gia công đá xuất khẩu.
Chị Lê Thị Buôn, chủ một điểm khai thác đá trái phép thâm niên ở đây dẫn đường, vòng vèo mãi chúng tôi cũng đến được những công trường khai thác đá trái phép này.
Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh khu vực này, 6 mỏ khai thác đá đang thi nhau “cạo trọc” những dãy núi, khói bụi bay mù mịt như những đám mây bao phủ dày đặc cả một vùng trời. Công nhân làm việc tại những điểm khai thác đá trái phép này đều không được bảo hộ lao động.
Khi chúng tôi đến thì cũng là lúc một nhóm thợ đang hì hục tay quai, tay búa để gõ đá. Tiếng máy khoan đá, cắt đá ầm ầm náo nhiệt cả một vùng. Phía cổng đi vào, chiếc máy ép khí đen xịt khói dầu mỡ nằm “im lìm” sau khi vừa đánh sập một vỉa đá, với những sợi dây dẫn dài từ mép đường kéo tới chân núi.
Anh Thể, một thợ đá ở đây cho biết: “Công trường khai thác đá này dài từ làng Luồng đến xã Thiết Kế của huyện Bá Thước. Trước khi đưa mìn vào nổ, người thợ phải biết cách quan sát địa hình làm sao khi kích nổ mìn đánh sập khối lượng đá nhiều nhất”.
Một điểm khai thác đá trái phép của gia đình bà Buôn.
Một điểm khai thác đá trái phép của gia đình bà Buôn. Ngay cạnh công trường, một kho thuốc nổ phục vụ cho việc khai thác đá không được bảo quản nghiêm ngặt. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ kho thuốc nổ này có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Những người khai thác đá ở đây đều không có am hiểu gì về thuốc nổ, họ đánh mìn chỉ dựa vào kinh nghiệm. Các thợ đá là những người nông dân “chân lấm tay bùn” không hề được trải qua một lớp đào tạo khai thác đá nào hay chứng chỉ sử dụng mìn, thế nhưng họ lại phải làm công việc vô cùng nguy hiểm có thể bị cướp đi sinh mạng bất cứ lúc nào.
Mỗi ngày, bình quân thu nhập của mỗi thợ đá cũng chỉ được 100.000 – 120.000đ/ngày.
Từng ngọn núi được các công ty TNHH ‘liên minh” với nhau thành Hợp tác xã để khai thác. Những ông chủ này cho người ngày đêm xỉa từng ngọn núi để “ăn thịt” đá.
Hầu như những thợ đá ở đây đều là những phụ nữ, tất cả đều vì miếng cơm manh áo mà phải làm thuê công việc nguy hiểm này.
Một nữ thợ đá tâm sự : “Khổ lắm các chú ạ, để làm nên một viên đá chúng tôi có thể phải đánh đổi cả tính mạng. Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo của gia đình, ở đây không làm đá thì cũng chẳng còn cái nghề chi mà làm nữa. Trong khi cuộc sống gia đình còn bao nhiêu thứ phải lo, không làm mấy hôm nữa lấy tiền mô mà nạp tiền học cho các cháu”.
Ông Lò Văn Lến, Phó chủ huyện Bá Thước cho biết: “Việc khai thác ở đây là do Sở TNMT cấp phép để khai thác và quan lý. Xí nghiệp Bình Minh cũng đã có nhiều sai phạm, xã cũng đã có văn bản xử lý, Công an huyện cũng đã vào cuộc, nhưng vấn đề vi phạm ở đây vẫn tiếp tục diễn ra hoạt động công khai.
Tình trạng khai thác đá ở đây không chỉ được các ông chủ “núp bóng” dưới dạng doanh nghiệp mà những cá nhân mặc dù không có giấy phép vẫn tiến hành khai thác một công khai.
Dư luận đang đặt câu hỏi, việc các ông chủ khai thác đá trái phép ở đây công khai hoạt động có phải họ đã được “bảo kê”? Câu trả lời xin được bỏ ngỏ.
Thạch Thành