Đầu năm 2008, chúng tôi đã xâm nhập vào “đại bản doanh” của các công trường khai thác đá lớn tại vùng mỏ đá Thất Sơn (Bảy Núi) ở An Giang.
Một người bạn làm trong Công ty 621 (Quân khu 9) giới thiệu với chúng tôi tại khai trường khai thác đá núi Cô Tô (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) mọi công nhân đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn lao động. Ông Huỳnh Trinh, Phó phòng Nội vụ-Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn, cũng khẳng định qua các đợt thanh tra, kiểm tra, từ người bốc đá cho đến công nhân lao động đều được
trang bị đồ bảo hộ. Thế nhưng thực tế lại khác xa.
Khai trường khắc nghiệt
Một buổi trưa nắng miền sơn cước hắt lên oi ả, những giọt mồ hôi lao động của những người thợ bốc đá Công ty 621 thấm đẫm trên những chiếc áo đã bạc màu. Ngoài cổng khai trường có một hố đá nằm đối diện chốt bảo vệ đang bị khoét sâu, vách đá dựng đứng cao trên 50 m, chúng tôi bắt gặp hàng chục lao động mặt mũi trắng hoách, không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào, kể cả khẩu trang. Những phụ nữ làm vệ sinh chống đá dăm sạt lở thì có đeo khẩu trang vải tự trang bị. Cạnh đó là anh thợ đục đá, một tay cầm đục, tay kia nắm chiếc búa nện phằng phặt vào đá mà không hề có đồ bảo hộ. Phía trong khai trường, nhiều người lao động trong bộ dạng khắc khổ gồng mình bê từng khối đá chuyển lên xe. Trên vách đá thẳng đứng cao vợi, nhiều thợ khoan đang treo mình lơ lửng để đặt mìn, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là có thể mất mạng.
Tại khai trường của Công ty liên doanh Khai thác chế biến vật liệu xây dựng An Giang (Antraco) ở núi Dài, việc trang bị đồ bảo hộ lao động cũng vậy. Từ tài xế đến người điều khiển máy nghiền đều không mặc đồ bảo hộ. Bụi bốc mờ mịt, tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Những tai nạn thương tâm
Do phải làm việc thiếu phương tiện bảo hộ nên nhiều tai nạn thương tâm đã diễn ra tại các khai trường. Anh Nguyễn Văn Cu (45 tuổi, quê thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang) làm thuê cho Công ty TNHH Khai thác và chế biến đá An Giang. Đầu năm 2007, trong lúc đang lui cui dùng con đội kích bắn cho hai khối đá tách rời, anh đã bị một khối đá khổng lồ nặng khoảng 20 tấn tuột nhanh đè bẹp. Giữa năm 2007, tại khai trường khai thác đá núi Cô Tô cũng xảy ra một vụ tai nạn đá đè thương tâm. Người chết là anh Sĩ, tuổi ngoài ba mươi. Theo Công an xã Cô Tô, mất nhiều thời gian và khó khăn lắm những người cứu hộ mới moi được xác anh Sĩ ra khỏi đống đá.
Tại công trường khai thác đá núi Dài của Antraco, trong năm 2007 cũng xảy ra hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Anh Võ Văn Quốc (38 tuổi, nhà ở xã Châu Lăng) là thợ khoan tay, do thiếu nhân công nên được “đôn” lên làm ở giàn khoan máy thực hành. Vì không thạo nghề nên mũi khoan đã cuốn vào tay áo rồi quấn đứt cánh tay của anh. Ngày 7-12-2007, ông Lê Văn Em (51 tuổi, quê phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc) đã bị trái nổ hất tung, văng mất hai cánh tay. Giờ vợ ông phải đút từng muỗng cơm cho ông ăn. Trước đó, ngày 12-7-2007, tại khai trường của Công ty 621, anh Nguyễn Văn Sinh (31 tuổi, công nhân nổ mìn) đang nạp mìn vào lỗ khoan thì mìn phát nổ khiến anh mất một bàn tay phải và mù một mắt.
Công an xã Cô Tô cho biết đa số các vụ tai nạn khai thác đá đều bị chủ công trường ém nhẹm. Chỉ khi nào bà con báo thì công an xã mới đến lập biên bản báo cáo về huyện, còn xử lý thế nào thì công an xã không được biết. Chỉ nghe đa số vụ tai nạn công ty đều cho người đến gia đình nạn nhân dàn xếp. “Vì nghèo, khi được công ty hỗ trợ một khoản tiền kha khá là thân nhân của các nạn nhân đã đồng ý ngay, hiếm khi làm lớn chuyện” - một công an xã Cô Tô nói.
Cụm núi kiều diễm đang bị băm nát
Thất Sơn là một địa điểm du lịch nổi tiếng được nhiều người biết đến. Bao quanh những dãy núi cao sừng sững là những cánh rừng keo lá tràm, dó bầu, dừa, mít, su hào... xanh bạt ngàn. Nơi đây còn lưu lại nhiều loài động vật, thực vật quý. Thế nhưng các khai trường khai thác đá đã xóa mất những cánh rừng xanh biếc trên những ngọn núi.
Khai thác đá còn làm cho cảnh quan thiên nhiên vùng Thất Sơn ngày càng xấu đi. Nhiều ngọn núi đẹp như Ngọa Long Sơn (núi Dài), Thiên Cấm Sơn, Anh Vũ Sơn, Ngũ Đài Sơn... giờ đây bị băm nát từng mảng. Nhìn từ hướng mặt trời mọc, thân thể “con rồng” trong truyền thuyết núi Dài đã bị công trình khai thác đá Antraco làm cho loang lổ.
- Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tri Tôn cho biết chỉ tính bốn trong 15 xã, thị trấn của huyện đã có trên 50% số ca mắc bệnh lao phổi sống tại các khu vực trọng điểm khai thác đá.
- Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, tỉnh có sáu doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá tại 13 khu vực, phần lớn tập trung ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.