Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 2
Tổng lượt truy cập: 10685
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Công nhân xây dựng dễ mắc bệnh, rủi ro cao
BỆNH NGHỀ NGHIỆP.- 70,55% công nhân có sức khỏe chỉ đạt loại II và III
 
Hồi 14 giờ ngày 31-8, tấm bê tông ở tầng 1 của công trình xây dựng gần cư xá Ra đa, quận 6, TPHCM bất ngờ đổ sập. Sự cố xảy ra làm anh Trần Văn Quốc bị bể đầu, phải đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu; 10 công nhân (CN) khác bị thương nhẹ. Qua điều tra, nguyên nhân chính là do giàn giáo chống đỡ quá yếu, không đảm bảo an toàn. Vụ tai nạn lao động nói trên chỉ là một trong những rủi ro mà CN ngành xây dựng phải đối mặt.
 
 
Cường độ làm việc căng thẳng, sức khỏe suy giảm
 
Sau 15 năm làm việc, anh Nguyễn Phát Lợi - 40 tuổi, CN ở một công ty xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng- đã làm đơn xin thôi việc vì lý do sức khỏe. Từ 5 năm qua, anh bị chứng bệnh cao huyết áp và viêm cơ hành hạ, không thể tiếp tục làm việc nặng. Lợi cho biết nhiều đồng nghiệp của anh cũng mắc chứng bệnh tương tự.
 
Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật- Bảo hộ lao động (NCKHKT-BHLĐ) về tình hình sức khỏe và bệnh nghề nghiệp (BNN) của 550 CN tại 28 công trường xây dựng ở 3 miền Bắc, Trung và Nam, kết quả cho thấy: Dù thời gian làm việc trung bình 8,19 giờ/người/ngày, nhưng có đến 24,5% CN cảm thấy căng thẳng trong giờ làm việc. Các triệu chứng đau mỏi thường gặp trong khi làm việc là mỏi mệt (40,79%), đau đầu (28,57%), đau thắt lưng (19,25%) và chóng mặt (17,06%). Tỉ lệ CN cảm thấy mệt mỏi sau giờ làm việc chiếm 23,96% CN, đặc biệt có 23,03% cảm thấy nhanh mệt hơn so với vài năm trước. Theo tiến sĩ Lê Vân Trình, Viện trưởng Viện NCKHKT-BHLĐ, các triệu chứng trên không chỉ bắt nguồn từ cường độ làm việc căng thẳng, mà còn do CN cùng lúc phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại như: bụi (70,3%), tiếng ồn (70,1%) và nóng (66,2%), chưa kể các yếu tố khác như phóng xạ, hóa chất.
 
Nhiều CN làm việc lâu năm trong ngành xây dựng than: Dù công việc không ổn định, nhưng do cường độ làm việc căng, nên sức khỏe rất khó phục hồi, do vậy ít ai theo nghề quá 15 năm. Kết quả phân loại sức khỏe của ngành y tế cho thấy trong khi chỉ có 23,97% đạt loại I thì loại II và III chiếm trên 70,55%.
 
 Điều kiện làm việc thiếu an toàn
 
Theo thống kê, 90% số vụ tai nạn lao động chết người trong ngành là do vi phạm nguyên tắc an toàn lao động. Phó giáo sư Nguyễn Bá Dũng (Viện NCKHKT-BHLĐ) lý giải: Nguyên nhân là điều kiện lao động trên các công trường xây dựng có những đặc thù riêng. Địa điểm làm việc luôn thay đổi, phần lớn công việc phải thực hiện ngoài trời, chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu, công việc nặng nhọc và thi công ở những vị trí không thuận tiện (cheo leo ở trên cao, dầm dưới bùn sâu, làm việc ở nhiều tư thế gò bó) nên dễ gây ra tai nạn lao động, làm suy giảm sức khỏe, thậm chí gây ra các BNN cho CN. Theo thống kê, CN ngành xây dựng  mắc 12 loại BNN khác nhau, phổ biến là đau răng (11,18%), bệnh về mắt và viêm phế quản, phổi (5,18%).
 
Tình trạng khoán công trình, khoán luôn công tác an toàn - vệ sinh lao động của các chủ đầu tư cho chủ công trình khá phổ biến. Nhiều chủ công trình đã cắt giảm chi phí trang bị bảo hộ lao động hoặc không thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho CN. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sử dụng các thiết bị có tuổi trung bình trên 18 năm; chỉ 54% CN là được cấp đầy đủ trang bị bảo hộ lao động. Kết quả phân tích của dự án nghiên cứu về điều kiện làm việc, bệnh tật của CN các công trường xây dựng do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tài trợ cho thấy: CN ngành xây dựng phải tiếp xúc với 10 yếu tố nguy hiểm, nhiều nhất là nguy cơ ngã cao (61,8%), trơn trượt (35,8%), mảnh văng bắn (35,5%) và nguy cơ về điện (24,9%).
 
 VĨNH TÙNG
 
 Tỉ lệ người lao động phải tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm
 
Yếu tố nguy  hiểm         %             Yếu tố nguy hiểm                 %
 
Nguy cơ cắt, nghiến    2,1             Nguy cơ ngã cao                 61,8
 
Mảnh văng bắn           35,5            Làm việc dưới hầm sâu    10,4
 
Bỏng                              12,1           Nguy cơ sập đổ                    8,3
 
Nguy cơ về điện           24,9          Nguy cơ vật đè                      16,6
 
Trơn trượt                     35,8            Không có nguy hiểm          5,45
 
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật - Bảo hộ lao động)
 
 Ba điều cần lưu ý
 
1.  Trước khi làm việc phải kiểm tra: giàn giáo, sàn thao tác, lan can an toàn và các phương tiện làm việc trên cao khác.
 
2. Tự kiểm tra các phương tiện bảo vệ cá nhân: dây an toàn, mũ, giày và quần áo bảo hộ lao động.
 
3. Trong điều kiện thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa tính mạng hoặc sức khỏe của mình, người lao động có quyền từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc đó và phải báo ngay với người sử dụng lao động mà không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động.
 
(Nguồn: Tài liệu tập huấn an toàn vệ sinh lao động trên các công trường lao động)
Tin bài liên quan
Loading...