Sau 2 năm thực hiện thỏa thuận giữa các tập đoàn, TCty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, nhiều hợp đồng lớn, mang tầm chiến lược đã được ký kết giữa các tập đoàn, TCty với tổng giá trị gần 71.000 tỉ đồng.
Nhiều sản phẩm Việt lên ngôi
Theo Bộ Công Thương, sau 2 năm triển khai bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm của 16 tập đoàn, TCty về cam kết ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu thiết bị máy móc và các loại hàng hoá, dịch vụ của nhau trong quá trình SXKD, đồng thời tạo điều kiện tối đa để phối hợp, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà các đơn vị cùng quan tâm, bước đầu đã đạt một số kết quả như: Nhiều hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị xấp xỉ 71.000 tỉ đồng (chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu). Kết quả nổi bật như tiêu thụ mặt hàng quần áo
bảo hộ lao động có giá trị khoảng 55,6 tỉ đồng; giấy in ram và giấy copy 165 tỉ đồng, máy thiết bị điện 4.164,4 tỉ đồng, thép xây dựng 5.200 tỉ đồng, TCty Bia – Rượu – nước giải khát Sài Gòn ký các hợp đồng mua dầu DO, dầu FO, hoá chất, quần áo bảo hộ lao động, quảng cáo, nhãn bia của các tập đoàn, TCty lên đến gần 356 tỉ đồng...
Cụ thể, Tập đoàn Dệt-May Việt Nam (Vinatex) đã cung ứng 98.572 bộ bảo hộ lao động/đồng phục với trị giá trên 34,6 tỉ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ngược lại, EVN cùng các đơn vị thành viên đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các đơn vị thành viên và nhà máy thuộc Vinatex. Ngoài ra, EVN và các đơn vị thành viên cũng đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các nhà máy, đơn vị thành viên thuộc Vinapaco, chỉ tính riêng Cty Giấy Bãi Bằng sử dụng điện lên tới 60,8 tỉ đồng. Ngược lại, các đơn vị của EVN sử dụng giấy viết, giấy in của Vinapaco cho công việc văn phòng.
Ngoài việc sử dụng các sản phẩm của nhau, các tập đoàn, TCty cũng chủ động ký kết một số thoả thuận hợp tác chiến lược và các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ. Đồng thời tìm hiểu rõ nhu cầu của nhau để đổi mới sản phẩm hoặc cùng nhau nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới hoặc các lĩnh vực có khả năng hợp tác cùng có lợi như: TCty Thép VN nghiên cứu sản phẩm thép chống lò cho Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), một số Cty thép đã cải tiến hệ thống lò nung từ sử dụng dầu FO nhập khẩu sang sử dụng khí hoá lỏng CNG của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN)...
Cùng chia sẻ, hợp tác và gánh vác
Đại diện Tập đoàn Dầu khí VN - ông Nguyễn Xuân Sơn - với phương châm cùng chia sẻ, cùng hợp tác và cùng gánh vác PVN đã tăng cường hợp tác với EVN, Vinatex, TKV, Petrolimex... tại rất nhiều dự án với mục tiêu chung là phát triển KTXH, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển đất nước. Cụ thể, EVN đã hỗ trợ cho PVN trong việc triển khai thực hiện các nhà máy nhiệt điện, hệ thống hạ tầng dùng chung, đấu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia và PVN phối hợp cùng TKV đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện PVN.
Ngoài ra, với mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn nhiên liệu đầu vào (LPG) do PVN cung cấp và cùng Vinatex phát triển lĩnh vực xơ sợi nhằm mở rộng và khai thác tối đa thị trường trong nước. Theo đại diện TKV, khó khăn nhất hiện nay là năng lực SXKD của các DN còn hạn chế nên nhiều sản phẩm, hàng hoá trong nước chưa thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Mặt khác, hầu hết Cty nhỏ có quy mô vừa và nhỏ, mới bước chân vào thị trường nên chưa thể chiếm lĩnh thị trường. Cùng đó hệ thống phân phối còn chưa đủ mạnh, việc quảng bá các sản phẩm do đơn vị trong nước SX ra ngoài thị trường còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là sự liên kết, liên doanh giữa các đơn vị còn yếu nên chưa tận dụng được thế mạnh vùng, ngành trong việc phát triển kênh phân phối và nguồn nguyên liệu địa phương...
Chủ tịch Tập đoàn Dệt-May Trần Quang Nghị khẳng định, việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm là một cơ hội tốt để thúc đẩy phát triển SX và cung ứng nguyên phụ liệu, tăng tính linh hoạt của hàng dệt may với thương hiệu nội địa, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Hiện Vinatex đang kinh doanh hơn 60.000 mặt hàng với tỉ lệ 100% hàng VN, việc thoả thuận đã góp phần thúc đẩy SXKD nội địa phát triển. Tuy nhiên, hiện trong suy nghĩ của một bộ phận người tiêu dùng, những hàng hoá SX trong nước vẫn kém chất lượng. Cùng đó, tình trạng nguyên phụ liệu nhập lậu, giá rẻ tràn lan khiến các DN chịu áp lực về giá thành sản phẩm. Do vậy cần có chính sách xây dựng kênh phân phối văn minh và thiết lập các điểm bán hàng Việt bền vững, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.